Thông cáo báo chí

08:19 | 16/09/2015

Thông tin báo chí về việc ký kết hợp đồng xã hội hóa dự án Trung tâm Logistics ĐS - Ga Yên Viên

Thực hiện Đề án vận chuyển Container bằng đường sắt nhằm giảm tải cho đường bộ; huy động tối đa, có hiệu quả mọi nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt, Tổng công ty ĐSVN đã tổ chức thí điểm cho thuê có điều kiện kết cấu hạ tầng đường sắt bãi hàng Nam ga Yên Viên để nhà đầu tư xây dựng Trung tâm Logistics đường sắt ga Yên Viên.

  1. QUY MÔ ĐẦU TƯ

            Trên cơ sở hiện trạng của ga Yên Viên và nhu cầu vận tải hàng hóa bằng đường sắt, Tổng công ty ĐSVN thuê Công ty CP Tư vấn đầu tư và Phát triển giao thông vận tải lập phương án thiết kế tổng thể công trình bãi hàng ga Yên Viên và được Hội đồng thành viên Tổng công ty ĐSVN phê duyệt theo Quyết định số 625/QĐ-ĐS ngày 26/5/2015 với quy mô đầu tư và kỹ thuật chủ yếu sau:

  1. Quy mô đầu tư và kỹ thuật:
  2. Địa điểm: Tại khu vực bãi Nam ga Yên Viên nằm giữa đường sắt H1 và H2, tiếp giáp với đường Hà Huy Tập, thị trấn Yên Viên với tổng diện tích sử dụng khoảng 18.984 m2.
  3. Về đường sắt:

- Làm thêm đường H3 song song với đường H1 có chiều dài 345 m, đường lồng 1435 mm với 1000 mm (lồng trái chung phải hướng Hà Nội - Đồng Đăng);

- Cải tạo lại cụm yết hầu giữa đường 16 và đường H1;

- Ray P43 dài 12,5m, tà vẹt bê tông dự ứng lực S2, tà vẹt bê tông K3A liền khối đường lồng kết đàn hội, tiêu chuẩn tà vẹt 1.600 thanh/đường thẳng và đường cong > 600m, 1760 thanh trên đường cong R<600m, đá ballast dày 25+5cm trên đường ga;

  1. Về bãi hàng:

- Nâng cấp toàn bộ bãi hàng (không bao gồm phần diện tích 1930m2 đã được đầu tư trong công trình sửa chữa lớn đường 16, H1, H2 bằng nguồn vốn sự nghiệp kinh tế năm 2014).

- Tải trọng xe nâng (cả hàng): 100 tấn;

- Kết cấu mặt bãi: Lớp trên bằng bê tông cốt thép dầy 25 cm hoặc bê tông nhựa đặt trên lớp móng gồm 2 lớp cấp phối đá dăm loại 1 và loại 2;

- Đường ô tô nội bộ trong bãi, thoát nước, thông tin tín hiệu nội bộ, hệ thống điện, phòng cháy chữa cháy và các công trình nhà điều hành liên quan đảm bảo tính đồng bộ, thuận tiện, khai thác tối đa công suất bãi khoảng 1,8 triệu tấn hàng hóa.

  1. Thiết bị: Đầu tư cẩu trục RTG chuyên dụng và xe nâng hạ.
  2. Các giai đoạn đầu tư Trung tâm Logictisc ĐS ga Yên Viên

* Giai đoạn 1: Xây dựng Bãi hàng phía Nam ga Yên Viên, dự kiến khởi công vào ngày 10/10/2015.

Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 : 90 tỷ VND

Trong đó: vốn vay 39 tỷ (bằng 44 %), vốn góp 51 tỷ (bằng 56%);

Tổng diện tích 18.984 m2; trong đó xây dựng nhà điều hành (400m2). Đầu tư mới nhánh đường sắt xếp, dỡ H3 (dài 280 m). Đầu tư mới hệ thống bãi hàng & đường đi nội bộ: 18.500 m2. Đầu tư hệ thống cẩu chuyên dụng RTG, cẩu nâng container, forklift và phần mềm quản lý.

Khi đi vào khai thác sẽ tăng thêm 5-6 đôi tàu mới. Trong đó: tuyến Yên Viên - Hải Phòng chạy thêm từ 2 - 3 đôi tàu/ ngày, với tổng số lượng 264 teus; tuyến Yên Viên - Cái Lân chạy thêm 1 đôi tàu/ ngày, với tổng số lượng 88 teus; và tuyến Yên Viên - Sóng Thần chạy thêm 2 đôi tàu/ ngày, với số lượng tăng thêm 144 teus.

Vào năm 2018, tăng sản lượng tuyến Yên Viên - Hải Phòng chạy thêm 5 đôi tàu/ ngày, với tổng số lượng 440 teus. Tuyến Yên Viên - Cái Lân chạy thêm 3 đôi tàu/ ngày, với tổng số lượng  264 teus.

* Giai đoạn 2: Từ tháng 1/2016, lập báo cáo khả thi đầu tư khu vực bãi hàng phía Bắc ga Yên Viên. Xây dựng các phân khu hàng hóa, kho bãi, khu vực tác nghiệp vận hành đường sắt và xếp dỡ hàng hóa.

  1. Điều kiện cho thuê, đầu tư, khai thác.

- Tổng công ty ĐSVN có quyền tổ chức điều hành chạy tàu, dồn tàu, lập tàu, cắt móc và tập kết xe hàng trong khu ga và tại bãi hàng;

- Giá dịch vụ: Bên thuê xây dựng đơn giá các loại dịch vụ liên quan đến công tác xếp dỡ, lưu kho bãi và các loại giá dịch vụ khác có liên quan; Tổng công ty ĐSVN thẩm định và thống nhất nhằm tạo môi trường bình đẳng kinh doanh đối với các doanh nghiệp;

- Công ty CP Giao nhận và vận chuyển Indo Trần gửi hồ sơ giới thiệu năng lực, kinh nghiệm, tài chính và phương án thuê đầu tư, khai thác bãi hàng trên cơ sở đáp ứng các nhu cầu của Tổng công ty và cam kết không yêu cầu bồi hoàn khi Nhà nước thu hồi bãi hàng để thực hiện dự án ĐS trên cao đoạn Ngọc Hồi – Yên Viên trong thời hạn cho thuê.

  1. HIỆU QUẢ

Sau thời gian đàm phán tích cực, được sự chấp thuận của Bộ Giao thông vận tải, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và Công ty CP Giao nhận và Vận chuyển INDO Trần tổ chức Lễ ký kết thực hiện Dự án xã hội hóa đường sắt Trung tâm logistics - ga Yên Viên (Hà Nội) vào ngày 16.9.2015.

Trung tâm logistics ĐS ga Yên Viên sẽ ứng dụng công nghệ tiên tiến giúp nâng cao năng lực xếp dỡ container và hàng hóa tại Ga từ 3 đến 5 lần. Tăng sản lượng hàng hóa thông qua Ga Yên Viên gấp 2-3 lần. Giảm thời gian tác nghiệp tại Ga, từ đó nâng cao hệ số quay vòng các đoàn tàu, giảm chi phí vận chuyển, tăng sản lượng & thu hút thêm khách hàng mới. Nâng cao chất lượng dịch vụ của ga đầu mối Yên Viên. Kết nối hệ thống cảng biển phía Bắc với Ga đầu mối Yên Viên. Tăng thị phần vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt, tăng kết nối Ga đầu mối với các Ga khác trên mạng lưới đường sắt quốc gia.

Theo thỏa thuận, Công ty cổ phần giao nhận và vận chuyển INDO Trần được quyền sử dụng và khai thác Trung tâm Logistics ĐS Ga Yên Viên với thời hạn 23 năm, sau đó chuyển giao toàn bộ cho đường sắt. Trong thời hạn khai thác được quyền thu phí nâng, hạ container và các dịch vụ giá trị gia tăng, nhằm thu hồi vốn đầu tư và có lợi nhuận. Gia tăng cơ hội phát triển Logistics đường sắt thông qua phát triển dự án xã hội hóa bãi hàng Bắc và Nam ga Yên Viên.

Trung tâm logistics Yên Viên sau khi hoàn thành sẽ giúp giảm chi phí, thời gian giao nhận hàng hóa cho khách hàng. Ga Yên Viên sẽ trở thành cánh tay nối dài của Cảng Hải Phòng và Cảng CICT, cảng Cái Lân. Khách hàng có thể rút ngắn thời gian chờ giao nhận hàng hóa do ứng dụng các công nghệ xếp dỡ, quản lý tiên tiến. Bên cạnh đó khách hàng có thể làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa và khai báo hải quan tại Trung tâm Logistics đường sắt ga Yên Viên thay vì làm thủ tục tại các Cảng biển hay tại các ga liên vận quốc tế đường sắt khác.

Vài nét về Công ty cổ phần giao nhận và vận chuyển INDO Trần (Indotrans Logistics)

Tập đoàn Indo-Trans Logistics (ITL) được thành lập vào năm 1999, cung cấp các dịch vụ 3 PL chuyên nghiệp về: vận chuyển, phân phối hàng hóa bằng đường biển, hàng không, đường bộ và đường sắt và cung cấp các dịch vụ giao nhận kho bãi Logistics. Tập đoàn ITL còn thiết lập liên doanh với hơn 10 tập đoàn lớn trên thế giới như Mitshubishi, Ceva Logistics, Keppel Logistics, Dash Logistics, Quantium,… và với sự hậu thuẫn mạnh mẽ của cổ đông chiến lược, Tập đoàn bưu điện Singapore (Singapore Post) trong việc xây dựng chiến lược, tài chính, nhân sự, công nghệ nhằm giúp Tập đoàn ITL có thể triển khai thành công các dự án lớn với những yêu cầu phức tạp về kỹ thuật, công nghệ.     


Tập đoàn ITL (Indo Trans Logistics) tự hào là doanh nghiệp thuộc nhóm 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam trong 7 năm liên tiếp (từ 2007 đến 2014). 

Thông tin chung về Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR)

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam là công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con; Tổng công ty Đường sắt Việt Nam được chuyển đổi từ công ty Nhà nước thành công ty TNHH Một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu theo Quyết định số 973/QĐ-TTg ngày 25/06/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong quá trình phát triển, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam luôn hướng đến mục tiêu quản lý hiện đại và chuyên môn hóa cao trong các lĩnh vực: Quản lý, khai thác hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt, điều hành Giao thông vận tải đường sắt và tổ chức vận tải đường sắt… Sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế là yếu tố quan trọng để ngành đường sắt Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả; góp phần thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng.