Tin tức & Sự kiện

10:32 | 05/04/2012

5 năm phong trào “chính quy - văn hóa - an toàn” ĐSVN

Trong 2 ngày 28 và 29-3-2012, tại TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, Đường sắt Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Tổng kết phong trào “Chính quy -Văn hóa - An toàn” giai đoạn 2006 - 2011. Qua 5 năm triển khai thực hiện, phong trào “Chính quy - Văn hóa - An toàn” ngành ĐS đã thu được nhiều kết quả tích cực, tạo ra động lực và sức mạnh để các đơn vị nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuât sắc nhiệm vụ chính trị, sản xuất kinh doanh của các đơn vị và ngành ĐS. Tuy nhiên, quá trình thực hiện phong trào cho thấy vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục để phong trào “Chính quy - Văn hóa - An toàn” tiếp tục được duy trì và nâng cao chất lượng trong thời gian tới.

Những kết quả tích cực

Về sản xuất kinh doanh, giai đoạn 2006 - 2012, mặc dù suy thoái kinh tế toàn cầu, thiên tai bão lũ liên tiếp… đã tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị, song bằng nhiều biện pháp quyết liệt, đồng bộ và sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của tập thể CBCNVCLĐ toàn ngành, hoạt động sản xuất kinh doanh của ĐSVN đã đạt được những kết quả khả quan, với mức tăng trưởng đồng đều trên tất cả các lĩnh vực, trong đó: tổng doanh thu toàn ngành đạt trên 45.000 tỷ đồng, tăng bình quân 10%/năm; lợi nhuận tăng bình quân trên 20,9%/năm; nộp ngân sách Nhà nước năm sau cao hơn năm trước, thu nhập bình quân người lao động tăng trên 10%/năm. Bên cạnh đó, ĐSVN và các đơn vị sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn, tranh thủ được các nguồn lực, triển khai nhiều dự án chiến lược nhằm hiện đại hóa ĐSVN trong tương lai; thu hút nhiều đối tác ngoài ĐS đầu tư phương tiện tham gia vận tải ĐS; tình hình an ninh chính trị, trật tự trên tàu, dưới ga cơ bản được giữ vững, không có tai nạn chạy tàu đặc biệt nghiêm trọng, tai nạn chạy tàu do chủ quan giảm ở ba tiêu chí: số vụ, số người chết, bị thương…

Công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được triển khai thực hiện nghiêm túc, thường xuyên và sâu rộng. Trên cơ sở các quy định của TƯ Đảng, pháp luật của Nhà nước, ĐSVN đã đề ra các biện pháp tiết kiệm nghiêm ngặt, từ việc giảm biên chế, cắt giảm chi tiêu 10% của bộ máy gián tiếp; đến việc xiết chặt các định mức vật tư, tiết kiệm nhiên liệu; tăng cường các biện pháp quản lý, giám sát, đề ra các chế độ thưởng phạt nghiêm minh, vận động CBCNV tham gia thực hiện… nên đã tiết kiệm cho ngành hàng trăm tỷ đồng. Chỉ tính riêng việc tiết kiệm nhiên liệu, trong 5 năm qua, ĐSVN đã tiết kiệm được 34.084.712 lít, với giá trị làm lợi trên 429,3 tỷ đồng, góp phần làm giảm giá thành vận tải trên 168,1 tỷ đồng, tăng thu nhập cho người lao động trên 260 tỷ đồng.

Việc xây dựng đội ngũ công nhân ĐS chính quy, có kỹ thuật, kỷ luật, văn hóa luôn là nhiệm vụ quan trọng, được các đơn vị trong toàn ngành quan tâm giải quyết bằng nhiều biện pháp hữu hiệu; cùng với việc thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, sát hạch định kỳ, các Hội thi thợ giỏi của ĐSVN được tổ chức từ cấp cơ sở đến cấp ngành đã thu hút đông đảo CBCNVCLĐ tham gia, góp phần nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng giao tiếp phục vụ khách hàng… Bên cạnh đó, các đơn vị đã quan tâm khuyến khích lao động sáng tạo, đẩy mạnh hoạt động khoa học công nghệ, từ đó tạo động lực thúc đẩy cá nhân người lao động hăng say học tập, nghiên cứu tìm tòi các giải pháp hữu ích, làm chủ khoa học công nghệ hiện đại, góp phần đắc lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, vững vàng trong cạnh tranh… Giai đoạn 2006 - 2012, toàn ngành đã công nhận và áp dụng gần 12 nghìn sáng kiến cải tiến kỹ thuật, 25 đề tài cấp Nhà nước và cấp Bộ, 350 đề tài cấp ngành, 700 đề tài cấp cơ sở, với tổng giá trị làm lợi gần 100 tỷ đồng.

  Công tác đầu tư xây dựng công sở, trụ sở, đoàn tàu, nhà ga sạch đẹp được quan tâm đúng mức. Từ năm 2006 đến năm 2011, toàn ngành đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng nâng cấp trụ sở làm việc của các đơn vị, đổi mới khoa học công nghệ, trang bị phương tiện làm việc hiện đại cho người lao động, như: trang bị các máy chuyên dụng công nghệ cao, máy hàn tự động cho các nhà máy công nghiệp; đóng mới các ram tàu cao cấp SE3/4; đầu tư máy chèn Áo, máy mài ray, máy gia công robot… Nhiều đơn vị đã đầu tư kinh phí xây dựng hệ thống quản lý chất lượng tiêu chuẩn ISO 9001 - 2000, thiết kế trang web, mạng LAN, trang thông tin nội bộ…, góp phần đáp ứng yêu cầu cơ bản trong công tác quản lý điều hành khoa học, hiệu quả, đưa hoạt động đi vào nền nếp, kỷ cương và rèn luyện tác phong chuyên nghiệp, chính quy trong CBCNV toàn ngành.

Phong trào xây dựng đời sống văn hóa thể thao ở cơ sở tiếp tục được duy trì và phát triển mạnh mẽ. Công tác an sinh xã hội được CBCNVCLĐ toàn ngành hưởng ứng và tham gia tích cực thông qua các hoạt động: ủng hộ nạn nhân chất độc màu da cam, mổ tim cho trẻ em nghèo, chăm sóc người già cô đơn không nơi nương tựa, tặng quà gia đình chính sách… Chỉ tính từ năm 2006 đến năm 2011, ĐSVN đã đóng góp trên 90 tỷ đồng để hỗ trợ người nghèo, chăm lo các đối tượng chính sách và tham gia các hoạt động an sinh xã hội…

 

Bài học kinh nghiệm

Cùng với những kết quả tích cực đã đạt được, phong trào “Chính quy - Văn hóa - An toàn” ĐSVN giai đoạn 2006 - 2011 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: có nơi, có lúc phong trào thi đua chưa được triển khai một cách bài bản, trong đó nội dung, hình thức, quy chế, quy định chấm điểm, đánh giá, bộ máy tổ chức của Ban chỉ đạo phong trào… chưa được cụ thể hóa phù hợp với mô hình tổ chức, nhiệm vụ chính trị, sản xuất kinh doanh của đơn vị và của ngành ĐS; việc kiểm tra, đánh giá, công nhận danh hiệu, theo dõi chỉ đạo phong trào còn mang tính hình thức, chưa đi sâu; công tác sơ, tổng kết, nhân rộng điển hình tiên tiến chưa được coi trọng gây hạn chế sức lan tỏa của các điển hình tiên tiến…

Từ những kết quả tích cực và những hạn chế tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện cho thấy: để phong trào “Chính quy - Văn hóa - An toàn” thời gian tới tiếp tục được triển khai có hiệu quả, cần xây dựng được quy chế, quy định có tiêu chí cụ thể, sát với yêu cầu nhiệm vụ và thống nhất công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện phong trào theo hướng rõ nội dung công việc, rõ nhiệm vụ, dễ kiểm đếm đánh giá; làm tốt công tác uyên truyền, giáo dục ý nghĩa, tầm quan trọng của phong trào đối với sự phát triển của doanh nghiệp, của bản thân người lao động trong doanh nghiệp, từ đó làm cho mỗi CBCNVCLĐ nhận thức rõ trách nhiệm và phấn đấu xây dựng đơn vị “Chính quy - Văn hóa - An toàn” là công việc thường xuyên, là động lực để phấn đấu hoàn thiện mình; thực hiện tốt quy chế dân chủ tại cơ sở, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc chăm lo cải thiện điều kiện sống, điều kiện làm việc cho người lao động; có cơ chế đủ mạnh để khen thưởng, kỷ luật những tập thể, cá nhân có thành tích hoặc vi phạm; duy trì việc tổng kết đánh giá, nhân điển hình tiên tiến trong thực hiện phong trào...

Trên cơ sở phát huy những mặt tích cực, kịp thời khắc phục những hạn chế tồn tại trong triển khai thực hiện phong trào “Chính quy - Văn hóa - An toàn” của ĐSVN giai đoạn 2006 - 2012, tin tưởng rằng thời gian tới phong trào “Chính quy - Văn hóa - An toàn” tiếp tục phát huy tốt hiệu quả trong động viên các tập thể, đơn vị nỗ lực thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, giữ nghiêm kỷ luật, chấp hành quy trình quy tắc, bảo đảm an toàn và tổ chức hoạt động của các đơn vị ngày các tiến bộ, có nền nếp, khoa học…, góp phần tích cực thực hiện thắng lợi mục tiêu “Huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển ĐSVN bền vững và từng bước hiện đại”.