Tin tức & Sự kiện

16:26 | 31/03/2025

Bình Định: ‘Đánh thức’ tiềm năng du lịch đường sắt

Chia sẻ tại hội thảo “Liên kết phát triển sản phẩm du lịch Bình Định và kết nối sản phẩm du lịch đường sắt Đà Nẵng, Khánh Hòa”, diễn ra ngày 31/3, bà Đỗ Thị Diệu Hạnh - Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Bình Định, cho rằng, đường sắt không chỉ là một phương tiện di chuyển, mà còn là sự trải nghiệm đặc biệt.

“Du lịch đường sắt giúp du khách khám phá vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa và lịch sử của các vùng miền một cách chậm rãi, thư thái và đầy cảm xúc. Loại hình này rất phù hợp cho nhiều du khách nhất là khách quốc tế”, bà Hạnh nói.

Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Bình Định cũng nhìn nhận, để khai thác hiệu quả hơn nữa sản phẩm du lịch này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành đường sắt, các đơn vị lữ hành, các điểm đến du lịch và các cơ quan quản lý nhà nước.

“Chúng ta cần xây dựng những sản phẩm du lịch hấp dẫn, kết hợp giữa vận tải đường sắt và các dịch vụ trải nghiệm đa dạng như nghỉ dưỡng, khám phá văn hóa, ẩm thực địa phương”, Giám đốc Sở VHTT&DL Bình Định mong muốn.

Trong khi đó theo ông Hà Trọng Thắng - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần vận tải đường sắt, tuyến đường sắt Bắc – Nam đi qua nhiều tỉnh thành với những danh lam thắng cảnh nổi tiếng, là một lợi thế lớn để phát triển các sản phẩm du lịch liên vùng. Việc kết nối Bình Định, Đà Nẵng và Khánh Hòa bằng đường sắt sẽ tạo ra một hành trình du lịch hấp dẫn, đa dạng, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng.

Tại Bình Định, tuyến đường sắt Quy Nhơn – Diêu Trì dài 10km là tuyến đường nhánh hiện hàng ngày chỉ tổ chức chạy một đôi tàu khách SE29, SE30 (Sài Gòn – Quy Nhơn), do đó năng lực chạy tàu còn dư thừa rất phù hợp với tổ chức khai thác tàu du lịch.

Ông Hà Trọng Thắng đề nghị tỉnh Bình Định và các đơn vị lữ hành nghiên cứu phương án tổ chức chạy hàng ngày từ 2 - 3 đôi tàu du lịch giữa Quy Nhơn - Diêu Trì và dọc đường có các điểm tàu chạy chậm và dừng dọc đường để khách checkin, chụp ảnh.

Về phương án lâu dài, Công ty cổ phần vận tải Đường sắt sẵn sàng cung cấp toa xe hiện đang vận dụng chạy tàu trên tuyến đường sắt quốc gia để các đơn vị lữ hành thiết kế, cải tạo nội thất cho phù hợp với nhu cầu của khách du lịch và định hướng của doanh nghiệp du lịch.

“Chúng tôi có chính sách ưu đãi với Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Định để xây dựng các tour trọn gói kết hợp tàu hỏa với du lịch biển, du lịch văn hóa. Sẵn sàng liên kết với các doanh nghiệp lữ hành cải thiện chất lượng toa xe, dịch vụ chuyên nghiệp trên tàu, không gian giải trí, tiện ích. Phát triển tàu du lịch chuyên biệt với thiết kế nội thất sang trọng, mang đặc trưng văn hóa Bình Định”, ông Hà Trọng Thắng khẳng định.

Tại hội thảo, ngành du lịch tỉnh Bình Định đã giới thiệu nhiều thông tin về tiềm năng, sản phẩm, chính sách kích cầu du lịch của tỉnh. Đồng thời, các đại biểu, doanh nghiệp du lịch, lữ hành đã chia sẻ nhiều ý kiến, hiến kế để thúc đẩy hơn nữa sự liên kết, phát triển du lịch Bình Định với các địa phương, đặc biệt là du lịch đường sắt.