Tin tức & Sự kiện

14:43 | 14/12/2020

Cảm nhận của vị khách đặc biệt trên chuyến tàu Thống Nhất

"Lâu lắm mới có dịp đi tàu SE Bắc Nam vì không có máy bay Quảng Bình - Hà nội mà sáng mai tôi phải khám bệnh từ 5h30 sáng. Với tính dễ ngủ nên tôi nghĩ 10 tiếng sẽ trôi qua rất nhanh và sẽ là một lựa chọn đúng đắn cho những người bận rộn như tôi. Vậy nhưng dù đã trèo lên giường tầng 2, tắt đèn tôi vẫn không thể ngủ được vì những suy nghĩ về một ngành vận tải đã từng là biểu tượng của một thời gian khó" - những dòng chia sẻ của ông Nguyễn Lân Hiếu - Bác sỹ, PGS. TS Y khoa, Giám đốc BV Đại học Y, Đại biểu Quốc hội Việt Nam nhiệm kỳ 2016-2021 khi đi tàu từ Quảng Bình ra Hà Nội.

Nếu đọc báo cáo của Tổng công ty Đường Sắt Việt Nam có những đoạn như: Thị phần vận tải đường sắt rất thấp trong toàn ngành giao thông và giảm dần hàng năm (theo số liệu niên giám thống kê trung bình khối lượng vận chuyển từ 2016-2018 chỉ đạt 0,23% về hành khách và 0,39% về hàng hóa). Các chỉ tiêu về tấn xếp, hành khách lên tàu và lượng luân chuyển trong 5 năm có mức tăng trưởng thấp hoặc sụt giảm. Chất lượng dịch vụ, phục vụ đã có nhiều chuyển biến, nhưng còn thụ động và chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường và khách hàng... Chúng ta sẽ cảm tưởng không còn lối thoát cho một ngành vận tải được coi là chủ đạo của rất nhiều nước phát triển trên thế giới. Chả lẽ vậy chăng? 
 
 
Chính vì sự tò mò đấy tôi đã chủ động tìm hiểu từ ngoài sân ga khi ngồi với cậu bạn trẻ đầy nâng động đầu tư vào khu dịch vụ ăn uống nghỉ ngơi cho hành khách đi tàu. Dù rất tâm huyết nhưng trong ánh mắt cậu không giấu nổi sự buồn chán vì mô hình quản lý xé lẻ của ngành đường sắt. Một sân chơi mà không có chủ giống như đội bóng không có ông bầu, mạnh ai người đấy đá. Không thể áp dụng mô hình nhà ga hàng không cho tàu hỏa vì có nhiều hãng hàng không công có, tư có trong khi đó chỉ duy nhất đường sắt Quốc Gia đá trên sân vận động "Hàng Cỏ" này. Quản lý tập trung là một nhu cầu thực sự cần được làm tại các nhà ga của chúng ta.
 
Tiến bộ rõ rệt nhất của ngành đường sắt là thông qua dịch vụ khai thác khách hàng. Không cò cái vé nhỏ tý tẹo mà nằm trên tàu lúc nào cũng sợ bị rơi mất làm không thể ra khỏi nhà ga khi tàu đỗ. Vé điện tự thuận tiện đổi hoàn giúp tôi có cảm giác sắp lên tàu ở nơi nào đó bên trời Âu. Sáng kiến hợp tác bán vé cả chuyến tàu cho các công ty lữ hành có thể coi là đột phá. Tôi tin chắc nếu không có dịch CoVid đây sẽ là giải pháp nâng cao doanh số của cả ngành. Vậy nhưng ứng dụng công nghệ thông tin vẫn còn rất nhiều đất để phát triển như wifi trên tàu, phần mềm theo dõi hành trình di chuyển của tàu, cảnh báo qua điện thoại tàu sắp đến ga lẻ... Khách hàng thế kỷ 21 sẽ là những người khó tính nhưng còn gì tuyệt vời hơn khi họ di chuyển nhưng vẫn được làm việc, giải trí không khác gì ở nhà.
 
Chắc chắn chúng ta vẫn sẽ có những khách hàng trung thành với tàu hỏa. Bằng chứng là vị khách cùng toa với tôi - một cựu chiến binh 85 tuổi đời. Mỗi năm ông đi tàu Bắc Nam không dưới 5 lần. Ông đã nói rõ những ưu điểm mà nhẽ ra ngành đường sắt phải nhấn mạnh trong chiến lược quảng cáo của mình. Đó là an toàn nhất so với các phương tiện giao thông khác kể cả máy bay, không mất thủ tục phiền hà check in như viết cam kết với các cụ trên 80 tuổi hay phụ nữ mang thai...rồi ga đến ngay trong thành phố ngày hay đêm chỉ nửa tiếng sau là có mặt tại nhà. Hỏi ông thấy nhược điểm gì cần thay đổi, cả 2 ông cháu đều đồng thanh khẳng định là tốc độ của tàu.
 
Muốn cải tiến tốc độ chỉ có cách duy nhất là nâng cao khổ của đường ray mà đã tồn tại từ thời Pháp thuộc. Mọi ứng dụng công nghệ cao không thể áp dụng trên nền tảng đã lạc hậu hàng chục năm. Ngành đường sắt cần khẩn trương đề ra kế hoạch chi tiết để nâng cấp toàn bộ hệ thống. Trước mắt nên triển khai xây dựng những đoạn đường sắt mới hoàn toàn với chất lượng vượt trội để người dân trải nghiệm. Lúc này xã hội sẽ có cái nhìn khác về phương tiện giao thông hết sức văn minh này.
 
Viết đến đây phần vì tàu lắc lư quá, phần vì ly rượu Ngọc Linh vị cựu binh già mời trước khi tàu lăn bánh làm mắt tôi díp lại. Xin ngừng ở đây và đợi chờ các comment để góp ý phản biện cho ngành Đường Sắt Việt Nam.