Cần có chiến lược và ưu tiên phân bổ ngân sách để phát triển đường sắt
Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển tại buổi làm việc sáng nay (25/2/2019) với Tổng công ty ĐSVN bàn về các giải pháp phát triển GTVT Đường sắt. Ông Hiển nhấn mạnh, cần có chiến lược rõ ràng về phát triển đường sắt, trong đó kết nối với các phương thức khác ra sao; Đồng thời phải làm rõ các quy định về chính sách phát triển đường sắt như ưu tiên phân bổ ngân sách trung hạn và hàng năm cho đường sắt…
Cần có cơ chế ưu đãi phát triển công nghiệp đường sắt
Tại Công ty CP Xe lửa Gia Lâm, ông Tạ Mạnh Thắng, Chủ tịch HĐQT công ty cho biết, trong giai đoạn 2010 - 2018, công ty đã lắp ráp, chế tạo 20 đầu máy diesel công suất 1200 mã lực, đóng mới 172 toa xe hàng các loại, 16 toa xe khách; sửa chữa định kỳ, nâng cấp cải tạo 103 toa xe khách, 327 toa xe hàng các loại.
Tuy nhiên, hiện nay tình hình tài chính của công ty gặp nhiều khó khăn, chi phí tiền thuê đất tăng lên hàng năm chiếm tỉ lệ rất lớn trên tổng doanh thu. Từ năm 2013 đến năm 2017, công ty phải chịu chi phí tiền thuê đất vượt 2 lần vốn điều lệ theo đăng ký kinh doanh ban đầu là 36 tỉ đồng. Riêng năm 2014, tiền thuê cho toàn bộ diện tích hơn nhà máy hơn 20 nghìn m2 là 75,081 tỉ đồng, tăng 8,7 lần so với năm 2013.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khảo sát tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm
Trong khi đó, do thời gian dài không được đầu tư, khiến thiết bị, nhà xưởng sản xuất xuống cấp, thiếu nhân lực lao động chất lượng cao, sức cạnh tranh thấp. Lợi nhuận không có.
“Đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét lại đơn giá thuê đất đối với khu đất của nhà máy để tạo điều kiện cho công ty phát triển. Đồng thời có cơ chế hỗ trợ vay vốn ưu đãi, cơ chế ưu tiên nội địa hóa các phụ tùng vật tư đường sắt trong các công trình giao thông đường sắt đề phát triển công nghiệp cơ khí đường sắt”, ông Thắng kiến nghị và khẳng định, dù cơ sở Nhà máy Xe lửa Gia Lâm được Ba Lan tài trợ đầu tư từ những năm 70-80 thế kỷ 20 nhưng hệ thống nhà xưởng, thiết bị nếu được nâng cấp, đầu tư vẫn sẽ đảm đương được nhiệm vụ phát triển công nghiệp cơ khí đường sắt. Mặt khác, hệ thống đường sắt trong nhà máy kết nối được đường sắt quốc gia khổ 1.000mm hiện hữu, đường sắt khổ rộng 1.435mm nên có thể kết nối đường sắt đô thị, là điều kiện thuận lợi cho phát triển lắp ráp, bảo trì phương tiện đường sắt đô thị, kể cả phương tiện đường sắt tốc độ cao sau này…
Ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc
Cho rằng, Nhà nước cần hỗ trợ đường sắt phát triển, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhấn mạnh, đổi mới công nghệ mới thu hút được thị trường. Vì vậy, cần có chính sách kích cầu để phát triển công nghiệp đường sắt. Trong đó, chính sách ưu đãi về đất đường sắt cũng là một biện pháp, tuy nhiên cần có chính sách hợp lý, cụ thể đối với từng loại đất trong khu công nghiệp.
Cơ chế ưu đãi phải cụ thể để đường sắt giữ vai trò chủ đạo trong GTVT
Khảo sát ga Hà Nội, tàu SE9 và tuyến đường sắt Hà Nội - Thanh Hóa trong chiều cùng ngày, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá cao những nỗ lực của ngành đường sắt thời gian qua nhằm cải thiện chất lượng phục vụ, đã có những chuyển biến, kết quả nhất định. Tuy nhiên, Phó chủ tịch Quốc hội cho rằng, Tổng công ty Đường sắt VN đang đối mặt với nhiều khó khăn như: mục tiêu tăng trưởng thị phần vận tải không đạt; hệ thống đường sắt đơn, không đồng nhất tải trọng cả tuyến; tính kết nối các phương thức vận tải kém. Chi phí cho duy tu, bảo dưỡng chỉ đáp ứng 40%, ko đảm bảo kĩ thuật. “Cốt lõi của đường sắt là phát triển vận tải nhưng cũng cần phát triển các dịch vụ đi theo nhưng hiện nay lại chưa phát triển”, ông Hiển nhận xét.
Phó CT Quốc hội Phùng Quốc Hiển áp máy kiểm tra tuyến Hà Nội - Thanh Hóa
Ông Hiển nhấn mạnh, Luật Đường sắt 20187 đã khẳng định GTVT đường sắt đóng vai trò chủ đạo trong hệ thống GTVT cả nước, đồng thời khẳng định Nhà nước ưu tiên nguồn lực để đầu tư phát triển, nâng cấp, bảo trì, bảo vệ. “Có điều lạ là, đường sắt, đường thủy được được xác định đóng vai trò chủ đạo nhưng lại là phương thức yếu nhất”, ông Hiển nói và cho rằng cần có chiến lược rõ ràng về phát triển đường sắt, trong đó kết nối với các phương thức khác ra sao; Đồng thời phải làm rõ các quy định về chính sách phát triển đường sắt như ưu tiên phân bổ ngân sách trung hạn và hàng năm cho đường sắt như thế nào… Đối với ngành Đường sắt, cần đổi mới tư duy về quản lý, phát triển hạ tầng, vốn, cải tiến bộ máy…
Thứ trưởng Bộ GTVT khẳng định đường sắt giữ vai trò xương sống trong giao thông vận tải Bắc - Nam
Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, đường sắt giữ vai trò xương sống trong giao thông vận tải Bắc - Nam nhưng giai đoạn 2011-2015, tỉ trọng đầu tư cho đường sắt chỉ chiếm 3% trong tổng mức vốn đầu tư cho giao thông; giai đoạn 2016 - 2021 con số này cần đến 11-12%. “Đầu tư cho đường sắt là đầu tư cho nền kinh tế, không phải chỉ tính đến hiệu quả kinh tế từng dự án”, Thứ trưởng Đông cho rằng, quan trọng nhất là cần có cơ chế trong quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt để Tổng công ty Đường sắt VN không cần Nhà nước giao tài sản theo hình thức giao vốn cho doanh nghiệp vẫn có thể tự đầu tư tăng thêm đối với hạ tầng đường sắt hiện hữu.
Chủ tịch HĐTV Vũ Anh Minh báo cáo tại buổi làm việc với đoàn công tác của Quốc hội
Trước đó, báo cáo đoàn công tác Quốc hội, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt VN Vũ Anh Minh cho biết, nguồn vốn sự nghiệp kinh tế cho bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng đường sắt hiện nay chỉ đáp ứng được khoảng 40% định mức kinh tế - kĩ thuật. Mặt khác, Tổng công ty không được giao nguồn vốn cho các dự án khởi công mới trong giai đoạn 2016-2020.
Về vận tải, Tổng công ty đã đầu tư đóng mới nhiều toa xe chất lượng cao, mặt khác rà soát, cải tạo như mới các toa xe khách; xây dựng và trình Bộ KH&CN đề án lắp ráp và đóng mới đầu máy với tỷ lệ nội địa hóa khoảng 30%. Tiếp tục có giải pháp để giảm giá thành đóng mới toa xe từ 10 tỉ đồng xuống hơn 7 tỉ đồng để các công ty vận tải có dư địa tăng lợi nhuận.
“Nhược điểm lớn nhất của đường sắt Việt Nam hiện nay là đường đơn nên năng lực thông qua thấp, chỉ khoảng 21 đôi tàu/ngày đêm, ta đã chạy 17 đôi rồi, còn rất ít dư địa cho thu hút xã hội hóa. Hy vọng gói 7.000 tỉ dành cho hạ tầng đường sắt tuyến Bắc - Nam sẽ nâng cao năng lực thông qua từ 1,3 đến 1,5 lần, có dư địa cho phát triển vận tải từ kêu gọi xã hội hóa”, ông Minh cho biết.