Chủ tịch UB Quản lý vốn Nhà nước tại DN làm việc với Tổng công ty ĐSVN
Chiều 14/9, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh đã có buổi làm việc tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR). Hoạt động này nằm trong trong chuỗi chương trình làm việc cùng 19 Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc UBQLVNN tại DN. Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hoàng Anh đã trao quyết định bổ nhiệm lại đối với bà Đỗ Thanh Hà – Thành viên HĐTV Tổng công ty ĐSVN.
Ngành đường sắt đang trải qua giai đoạn khó khăn, thử thách lớn
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty ĐSVN nhận định, bên cạnh những khó khăn nội tại, tồn tại trong nhiều năm qua, năm 2020, ảnh hưởng của dịch Covid-19 bùng phát đã khiến hoạt động SXKD của Tổng công ty khó khăn hơn bao giờ hết. Ngành đường sắt đang trải qua giai đoạn thử thách lớn trong lịch sử hơn 100 năm hình thành và phát triển – Ông Vũ Anh Minh nhấn mạnh; đồng thời bày tỏ, kể từ khi được chuyển giao về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng công ty ĐSVN luôn được Ủy ban ủng hộ, đồng hành trong những kiến nghị, đề xuất lớn trình lên các cấp có thẩm quyền; từ đó, đã tháo gỡ được một số vướng mắc tồn tại.
Chủ tịch VNR Vũ Anh Minh phát biểu tại buổi làm việc
Báo cáo về tình hình sản xuất, kinh doanh và đầu tư của Tổng công ty trong bối cảnh thực hiện phòng chống dịch Covid-19 và chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh, ông Đặng Sỹ Mạnh - Tổng giám đốc VNR cho biết, ảnh hưởng của dịch Covid-19 và đặc biệt là trong giai đoạn thực hiện chủ trương giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 31/3/2020 đã tác động rất lớn đến hoạt động vận tải. Tính từ tháng 2 đến tháng 5 năm 2020, Tổng công ty đã giảm khai thác 2.886 chuyến tàu so với cùng kỳ; sau khi gỡ bỏ lệnh giãn cách xã hội nhưng chưa công bố hết dịch thì tỷ lệ chiếm chỗ trên các đoàn tàu 6 tháng đầu năm cũng chỉ đạt khoảng 56%.
Trong tình hình khó khăn, Tổng công ty đã chủ động triển khai các giải pháp thực hiện để giảm thiểu ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh như cắt, giảm chi phí thường xuyên trong năm kế hoạch; hoãn, giãn, tạm dừng các dự án đầu tư trong năm 2020; cũng như triển khai các giải pháp về lao động, tiền lương.
Theo báo cáo, dự kiến kết quả sản xuất, kinh doanh 8 tháng đầu năm, doanh thu của Công ty mẹ đạt 1.164,7 tỷ đồng bằng 72,5% so với cùng kỳ và đạt 55,5% kế hoạch năm. Doanh thu dự kiến của Tổng công ty hợp nhất đạt 4.088,5 tỷ đồng bằng 77,8% so với cùng kỳ và bằng 64,4% kế hoạch năm.
Thông tin về những khó khăn, vướng mắc, ông Đặng Sỹ Mạnh cho biết, hiện nay, Đề án Quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư theo Nghị định số 46/2018/NĐ-CP ngày 14/3/2018 của Chính phủ chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt nên chưa xác định được chủ thể giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt (doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng hay cơ quan được giao quản lý tài sản) dẫn đến khó khăn trong việc quản lý, sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt.
Trong công tác ứng dụng công nghệ thông tin góp phần xây dựng Chính phủ điện tử và kết nối với trục liên thông điện tử của Ủy ban, Tổng công ty ĐSVN đã tổ chức chạy thử nghiệm phần mềm và đào tạo, hướng dẫn sử dụng phần mềm cho toàn thể cán bộ công nhân viên Cơ quan Tổng công ty và các đơn vị trực thuộc. Đánh giá quá trình chạy thử nghiệm và chính thức triển khai áp dụng phần mềm văn phòng điện tử mới và ứng dụng chữ ký số cho Tổng công ty dự kiến từ ngày 1/10/2020.
Tổng giám đốc VNR Đặng Sỹ Mạnh phát biểu tại cuộc họp
Đưa ra đề xuất, kiến nghị, ông Đặng Sỹ Mạnh cho biết, trong nhóm kiến nghị khắc phục ảnh hưởng của dịch Covid-19, VNR đề nghị Ủy ban xem xét quan tâm báo cáo Thủ tướng, có ý kiến đối với Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan có thẩm quyền xem xét các biện pháp hỗ trợ cũng như miễn, giảm thuế, phí đối với các ngành nghề kinh doanh của Tổng công ty để giúp các doanh nghiệp vận tải đường sắt giảm áp lực chi phí, sớm khôi phục sản xuất kinh doanh.
Trong nhóm kiến nghị về các vướng mắc của chính sách quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đường sắt, VNR đề nghị Bộ Giao thông vận tải bổ sung danh mục kết cấu hạ tầng đường sắt giao theo hình thức đầu tư vốn nhà nước vào Đề án để Thủ tướng Chính phủ quyết định phương án giao tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư VNR trực tiếp quản lý, sử dụng, khai thác, kinh doanh theo 2 hình thức:
Phần tài sản gồm cầu, hầm, hệ thống đường ray, hệ thống thông tin tín hiệu,... giao cho Tổng công ty quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 5 Nghị định số 46/2018/NĐ-CP; Phần tài sản còn lại gồm toàn bộ nhà ga, kho hàng, bãi hàng, toàn bộ tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát giao cho Tổng công ty theo hình thức đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định số 46/2018/NĐ-CP;
VNR cũng đề nghị Ủy ban báo cáo Thủ tướng Chính phủ để sớm phê duyệt Đề án cơ cấu Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và phê duyệt phương án thoái vốn của các đơn vị thành viên trực thuộc, từ đó, có cơ sở triển khai thực hiện các bước tiếp theo.
Tháo gỡ những vướng mắc
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh khẳng định, những khó khăn của VNR xuất phát từ những tồn tại, bất cập trong cơ chế chính sách và quy định của pháp luật. Tới thời điểm này, bằng sự nỗ lực phối hợp giữa 2 cơ quan quản lý nhà nước và VNR, những vướng mắc này phần nào đã được tháo gỡ. Cùng với đó, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng gợi mở những hướng đi chiến lược, mang tầm vĩ mô khi đưa ra ý tưởng các doanh nghiệp bao gồm cả VNR cần có sự phát triển theo hướng phối hợp tổng thể, từ đó tạo thành hệ thống vận tải đa phương thức, đóng góp quan trọng vào hoạt động thương mại và sản xuất cũng như nền kinh tế quốc dân; giảm chi phí logistics, từ đó dẫn tới giảm chi phí hàng hóa và sản xuất; mở rộng mạng lưới vận tải và đạt được hiệu quả kinh tế cao do khi sử dụng các phương thức vận tải có khả năng chuyên chở khối lượng hàng hóa lớn.
Quang cảnh buổi làm việc
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực phấn đấu của tập thể cán bộ Lãnh đạo và người lao động của VNR trong thời điểm khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Tổng công ty đã chủ động triển khai các giải pháp thực hiện để giảm thiểu ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp dẫn đến Tổng công ty gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và đầu tư. Bên cạnh đó, VNR còn gặp những khó khăn, vướng mắc liên quan đến chính sách quản lý nhà nước trong lĩnh vực đường sắt. Ủy ban chia sẻ và cùng tháo gỡ các khó khăn đối với Tổng công ty.
Ông Nguyễn Hoàng Anh trao quyết định bổ nhiệm lại Thành viên HĐTV cho bà Đỗ Thanh Hà
Về những kiến nghị điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư năm 2020 của VNR do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh giao Tổng công ty phối hợp cùng Vụ Công nghệ và Hạ tầng hoàn thiện đầy đủ các nội dung về điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư năm 2020.
Về các đề xuất của Tổng công ty nhằm tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư năm 2020, Ủy ban đã dự thảo văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính nghiên cứu, tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty đối với 3 nội dung: Miễn, giảm khoản phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt 8% trên doanh thu vận tải cho năm 2020; Miễn trích nộp Ngân sách Nhà nước 20% tiền thu cho thuê sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư cho năm 2020; Đánh giá, xem xét việc lùi thời gian thực hiện Nghị định 65/2018/NĐ-CP ngày 12/5/2018 của Chính phủ về niên hạn sử dụng đầu máy, toa xe…