Tin tức & Sự kiện

10:03 | 10/02/2015

Công tác tái cơ cấu trong ngành ĐS: Đi đúng hướng

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã đánh giá, thời gian qua, Tổng công ty ĐSVN đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, trong đó công tác tái cơ cấu, đổi mới doanh nghiệp đang đi đúng hướng và cho những kết quả tích cực. Có thể nói, năm 2014 được đánh dấu là một năm bước ngoặt với nhiều dấu mốc quan trọng trong công tác tái cơ cấu, đổi mới doanh nghiệp của Tổng công ty ĐSVN (Tổng công ty).

Tinh, gọn, hiệu quả


Trao đổi với PV Báo ĐS, ông Cao Minh Tuân – Trưởng ban TCCB-LĐ Tổng công ty cho biết: Trong năm 2015 Tổng công ty đã hoàn thành xây dựng phương án kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy giúp việc HĐTV và ban Tổng giám đốc theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Các ban tham mưu giúp việc cho HĐTV đồng thời giúp việc Tổng Giám đốc; trong Văn phòng và các ban không có tổ chức hành chính trung gian. Số ban của Tổng công ty được giảm từ 15 xuống còn 11 ban. Đồng thời chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng và các ban tham mưu, giúp việc cũng được hoàn thiện sửa đổi, bổ sung để phù hợp với tình hình SXKD và mô hình tổ chức mới theo hướng điều hành tập trung trên cơ sở tách hạch toán và quản lý giữa khối hạ tầng ĐS và khối vận tải ĐS.
Tổng công ty đã hoàn thành cổ phần hóa 2 công ty TNHH MTV In ĐS và In ĐS Sài Gòn. Công ty In ĐS đi vào hoạt động theo hình thức cổ phần từ 1/7/2014. Công ty In ĐS Sài Gòn đi vào hoạt động theo hình thức cổ phần từ 1/1/2015. Tổng công ty đã tổ chức bán đấu giá cổ phần của 5 công ty, kết quả cả 5 công ty đã bán thành công 100% số cổ phần chào bán, gồm: CTCP Đầu tư & xây dựng GTVT, CTCP Cơ khí ĐS Đà Nẵng, CTCP Đá Chu Lai, CTCP VL và XD ĐS Phía Nam, CTCP Sài Gòn Hỏa xa.


Cùng với đó, Tổng công ty đã thực hiện việc tách Xí nghiệp Cao su ĐS và Nhà máy Xe lửa Gia Lâm ra khỏi Công ty VTHK ĐS Hà Nội và thực hiện chuyển đổi thành Công ty TNHH MTV Xe lửa Gia Lâm do Tổng công ty ĐS Việt Nam nắm giữ 100% vốn điều lệ và thực hiện cổ phần hóa Công ty TNHH MTV Xe lửa Gia Lâm trong năm 2015.

 

tauhoa-doimoi

 


Tổng công ty đã xây dựng và hoàn thiện phương án sắp xếp thu gọn đầu mối, tổ chức lại 4 công ty gồm: Công ty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội, Sài Gòn, Công ty TNHHMTV Vận tải hàng hóa đường sắt, Liên hiệp Sức kéo đường sắt thành 2 công ty Vận tải hành khách đường sắt Hà Nội, Sài Gòn, đi vào hoạt động theo mô hình tổ chức mới từ 1/4/2014, đồng thời tiếp tục thực hiện phương án chuyển đổi các công ty Vận tải hành khách ĐS: Hà Nội, Sài Gòn thành 2 công ty TNHH MTV Vận tải ĐS Hà Nội và Sài Gòn do Tổng công ty ĐS Việt Nam nắm giữ 100% vốn điều lệ; thành lập các chi nhánh khai thác ĐS của Tổng công ty thực hiện nhiệm vụ quản lý khai thác, kinh doanh kết cấu hạ tầng ĐS, đi vào hoạt động theo mô hình mới kể từ ngày 1/1/2015.


Điểm nhấn của năm


Chỉ trong 3 tháng cuối năm 2014, Tổng công ty phải hoàn tất một khối lượng công việc rất lớn, bao gồm việc chuyển đổi Nhà máy Xe lửa Gia Lâm và 2 công ty vận tải Hành khách ĐS Hà Nội và Sài Gòn thành công ty TNHHMTV, đồng thời thành lập các chi nhánh khai thác ĐS của Tổng công ty thực hiện nhiệm vụ quản lý khai thác, kinh doanh kết cấu hạ tầng ĐS. Đây vốn là mô hình tổ chức hoàn toàn mới so với các mô hình tổ chức trước đây.


Để thực hiện thành công công tác chuyển đổi các công ty vận tải đường sắt thành công ty TNHHMTV để tiến tới cổ phần hóa các công ty này trong năm 2015,Tổng công ty đã chỉ đạo và triển khai tổ chức thực hiện các nội dung công việc như : Tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến người lao động trong doanh nghiệp về chủ trương, kế hoạch và lộ trình sắp xếp chuyển đổi, nhanh chóng xây dựng, hoàn thiện và phê duyệt phương án chuyển đổi, phương án sắp xếp bố trí cán bộ, lao động của 2 công ty vận tải ĐS, các chi nhánh thuộc 2 công ty và các chi nhánh khai thác ĐS, các ga hạng I thuộc Tổng công ty ĐSVN. Phương án tổ chức SXKD của công ty mẹ - Tổng công ty ĐS Việt Nam; cơ chế, chính sách hạch toán giữa Tổng công ty và các công ty TNHH MTV Vận tải ĐS; phương án tổ chức SXKD kết cấu hạ tầng ĐS không trực tiếp phục vụ chạy tàu cũng như đơn giá và hợp đồng về cung cấp dịch vụ điều hành giao thông vận tải ĐS; cho thuê sử dụng kết cấu hạ tầng ĐS… theo đúng quy định và phù hợp với mô hình tổ chức mới.


Ngày 17/12/2014, HĐTV Tổng công ty đã ban hành các quyết định phê duyệt phương án chuyển 2 Công ty VTHK ĐS Hà Nội, Sài Gòn thành các Công ty TNHH MTV do Tổng công ty nắm giữ 100% vốn điều lệ và phương án thành lập các chi nhánh khai thác ĐS thuộc Tổng công ty; đồng thời quyết định chuyển đổi 2 Công ty Vận tải hành khách ĐS Hà Nội, Sài Gòn thành 2 Công ty TNHH MTV Vận tải ĐS Hà Nội, Sài Gòn. Các công ty VTĐS đã được cấp Giấy Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và cấp dấu theo quy định và đang kiện toàn tổ chức để đi vào hoạt động.


Ngày 22/12/2014, Tổng công ty đã ban hành các quyết định thành lập 11 chi nhánh khai thác ĐS thực hiện nhiệm vụ quản lý, khai thác, kinh doanh hệ thống kết cấu hạ tầng ĐS Quốc gia và ngày 31/12/2014 ban hành Quy chế Tổ chức và hoạt động cho 11 chi nhánh. Các chi nhánh hiện đã được cơ quan quản lý nhà nước cấp Giấy Chứng nhận hoạt động và cấp dấu. Hiện các chi nhánh đã dần đi vào ổn định và hoạt động bình hành.


Năm 2015, triển khai mạnh mẽ tái cơ cấu


Trong năm 2015, công tác tái cơ cấu sẽ được tiếp tục triển khai đồng bộ, mạnh mẽ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, cụ thể như sau:


Thực hiện việc chuyển đổi 24 công ty TNHH MTV thành 24 công ty cổ phần gồm: 20 công ty TNHH MTV quản lý kết cấu hạ tầng ĐS thành 20 công ty cổ phần bảo trì kết cấu hạ tầng ĐS (trong đó có 15 công ty cổ phần bảo trì cầu, đường ĐS và 5 công ty cổ phần bảo trì thông tin tín hiệu ĐS); 2 công ty TNHH MTV Xe lửa Dĩ An, Xe lửa Gia Lâm, 2 công ty TNHH MTV Vận tải đường sắt Hà Nội, Sài Gòn; với lộ trình hoàn thành trước ngày 31/12/2015.


Thoái vốn tại 22 công ty có cổ phần vốn góp của Tổng công ty, trong đó thoái hết 100% vốn tại 17 công ty gồm: Đá Mỹ Trang, Đầu tư công trình Hà Nội, Dịch vụ Du lịch ĐS Hà Nội, Tư vấn đầu tư và Xây dựng công trình 1, Viễn thông tín hiệu ĐS, Vĩnh Nguyên, Xây dựng công trình Đà Nẵng, Xây lắp và Cơ khí cầu đường, Công trình 2, Đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị ĐS, Đá Đồng Mỏ, Xuất nhập khẩu vật tư thiết bị đường sắt, Vật tư đường sắt Sài Gòn, Hải Vân Nam, Toa xe Hải Phòng; Tổng công ty giữ vốn góp của Tổng công ty 35% vốn điều lệ tại công ty Cổ phần Vận tải và Thương mại đường sắt , giữ vốn góp của Tổng công ty dưới 30% vốn điều lệ tại 3 công ty cổ phần là: Đầu tư và xây dựng công trình 3, Tổng công ty Công trình ĐS, Công trình 6. Giữ vốn góp ở mức dưới 20% vốn điều lệ tại Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư và xây dựng giao thông vận tải. Ngoài ra, Tổng công ty cũng lên phương án tái cơ cấu, sắp xếp đối với các đơn vị sự nghiệp như Báo ĐS, Trường Cao đẳng Nghề ĐS, Trung tâm Y tế ĐS và các ban quản lý dự án nhằm giảm bớt đầu mối và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp.


Năm 2015, công tác tái cơ cấu, cùng với nhiệm vụ SXKD và đảm bảo an toàn giao thông đường sắt sẽ đòi hỏi phải hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn và nặng nề, nhưng với kinh nghiệm và sự đoàn kết thống nhất trong những năm vừa qua, tin tưởng rằng CBCNV Tổng công ty ĐSVN sẽ thực hiện thành công nhiệm vụ và mục tiêu, đổi mới và phát triển toàn diện Tổng công ty ĐSVN, Xây dựng và phát triển ĐSVN ngang tầm với đường sắt các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới trong tương lai.