Đoàn tàu đầu tiên chạy qua cầu đường sắt Bình Lợi
Vào lúc 13h03 trưa 14/9, đoàn tàu đầu tiên chạy qua cầu đường sắt Bình Lợi sau hơn 4 năm thi công. Đây là đoàn tàu chạy để thử tính an toàn kỹ thuật cầu đường sắt Bình Lợi, sau khi an toàn sẽ cho tàu chạy chính thức. Thời gian thử kéo dài khoảng 3 giờ.
Trước đó, vào lúc 9h30, khi đoàn tàu cuối cùng chạy qua cầu đường sắt Bình Lợi cũ, ngành đường sắt đã đóng đoạn từ ga Gò Vấp đến ga Bình Triệu để tiến hành kết nối đường ray cũ qua đường ray mới tại cầu Bình Lợi mới. Sau hơn 4 giờ, việc đấu nối mới thực hiện xong để đón chuyến tàu đầu tiên đi trên cầu đường sắt Bình Lợi mới.
Để thực hiện việc chạy thử tàu qua cầu Bình Lợi mới, trong sáng 14/9, ngành đường sắt đã phải chuyển chuyến tàu SE22 từ ga Sài Gòn ra ga Bình Triệu để đón khách. Tất cả hành khách đều được trung chuyển bằng xe ô tô từ ga Sài Gòn ra ga Bình Triệu để đi tàu.
Cầu đường sắt Bình Lợi mới có tổng chiều dài 1,3km, phần cầu đường sắt được thiết kế theo quy mô cầu vĩnh cửu bằng vật liệu thép tương ứng với đường sắt khổ 1,435m, trước mắt đặt ray khổ 1m, tốc độ thiết kế vtk=100km/h, quy mô cầu gồm 14 nhịp.
Dự án "Đầu tư xây dựng cầu Bình Lợi và nâng cấp tuyến luồng sông Sài Gòn từ cầu Bình Lợi đến cảng Bến Súc" có chiều dài 71 km bao gồm nạo vét luồng sông Sài Gòn theo hình thức BOT và xây mới cầu đường sắt Bình Lợi. Tổng vốn đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng, theo hình thức BOT. Giá dịch vụ được tính là 70 đồng/tấn/km.
Khi đi vào hoạt động, với tĩnh không cao 7m, cầu đường sắt Bình Lợi mới sẽ tạo thuận lợi cho các tàu, sà lan có trọng tải đến 3.000 tấn lưu thông trên sông Sài Gòn vận chuyển hàng hóa, container từ các cảng biển, bến thủy nội địa ở TP.HCM đi các tỉnh Bình Dương, Bình Phước và Tây Ninh, góp phần giảm tải cho đường bộ.
Sau khi cầu đường sắt Bình Lợi mới thông tàu, ngành chức năng sẽ tháo dỡ một phần cầu Bình Lợi cũ để thông thuyền, một phần được giữ lại để bảo tồn, bởi đây là cây cầu có tuổi thọ gần 120 năm.