Tin tức & Sự kiện

09:22 | 28/08/2014

Dự án Cải tạo, nâng cấp tuyến ĐS Yên Viên – Lào Cai: quyết tâm“về đích” đúng tiến độ

Dự án Cải tạo, nâng cấp tuyến ĐS Yên Viên – Lào Cai là một trong những dự án trọng điểm của ngành GTVT nói chung và ngành ĐS nói riêng. Dự án hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu vận chuyển khoảng 5 triệu hành khách/năm và khoảng 7,5 triệu tấn hàng hóa/năm; tăng mức độ an toàn chạy tàu và rút ngắn khoảng 70 phút chạy tàu trên tuyến Yên Viên – Lào Cai… Do tính cấp thiết của dự án, tháng 5/2014, Bộ GTVT đã yêu cầu các đơn vị thi công cần lập lại tiến độ để rút ngắn và hoàn thành cơ bản dự án vào quý I/2015, sớm hơn 6 tháng so với tiến độ một số hạng mục ban đầu.

Tìm hiểu những khó khăn và giải pháp để “bứt phá” tiến độ của các đơn vị tham gia thi công, phóng viên Báo Đường sắt đã có buổi làm việc với ông Đặng Sỹ Mạnh – Giám đốc Ban Quản lý các dự án ĐS (RPMU), đơn vị được Tổng công ty ĐSVN giao nhiệm vụ là đại diện chủ đầu tư.


PV: Chào ông, ông có thể cho biết tiến độ thực hiện dự án Cải tạo, nâng cấp tuyến ĐS Yên Viên - Lào Cai hiện nay?


Ông Đặng Sỹ Mạnh: Dự án Cải tạo, nâng cấp tuyến ĐS Yên Viên – Lào Cai được đầu tư thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 có giá trị khoảng 3.434 tỷ đồng và giai đoạn 2 có giá trị khoảng 2.337 tỷ đồng. Giai đoạn 1 được chia làm 4 gói thầu xây lắp CP1, CP2, CP3, CP5; 1 gói thầu mua sắm ray ghi RP và 2 gói thầu tư vấn CS2, CS4. Theo cam kết, giai đoạn 1 của dự án sẽ hoàn thành thi công và giải ngân trước ngày 31/12/2015. Tuy nhiên, theo yêu cầu mới nhất của Bộ GTVT, vào tháng 5/2014, Bộ trưởng Bộ GTVT đã chỉ đạo các nhà thầu lập lại tiến độ của dự án để hoàn thành cơ bản vào tháng 3/2015.

 

tuyenYenVien-LaoCai

Tuyến ĐS Yên Viên - Lào Cai sẽ đáp ứng nhu cầu vận chuyển 5 triệu HK/năm, khoảng 7,5 triệu tấn hàng/năm.


Với sự chỉ đạo quyết liệt, sự quan tâm tạo nhiều điều kiện thuận lợi của lãnh đạo Bộ GTVT, Tổng công ty ĐSVN, sự nỗ lực cố gắng của RPMU và các bên liên quan, tính đến ngày 15/8/2014, tiến độ chung của dự án đã đạt 67%. Cụ thể, Gói thầu xây lắp CP2 giá trị 44,3 triệu USD do liên danh nhà thầu Namkwang - Sampyo (Hàn Quốc) thực hiện đến nay đã thực hiện được 83,4% khối lượng, dự kiến hoàn thành cơ bản vào tháng 12/2014. Gói thầu xây lắp CP3 giá trị 31,6 triệu USD do liên danh nhà Lotte - Sampyo (Hàn Quốc) đã hoàn thành được 52% khối lượng; gói thầu xây lắp CP1 do Nhà thầu ETF (Pháp) thực hiện với giá trị 12,6 triệu USD, đã hoàn thành được 37%; gói thầu xây lắp Ga Lào Cai CP5 do nhà thầu Minh Nghĩa thực hiện với giá trị 1,1 triệu USD đã thực hiện được 63% và gói thầu mua sắm ray ghi từ Pháp (RP) với giá trị 30,3 triệu EUR đã được nhà thầu TATA (Pháp) cung cấp được 74% khối lượng..

.
Về tiến độ giải ngân của dự án, tính đến thời điểm này, toàn bộ dự án đã được giải ngân 81,197 triệu USD và 297,561 tỷ đồng, đạt 84% kế hoạch năm và đạt 57% tổng vốn.


PV: Theo đánh giá của ông, các đơn vị thi công có thể đáp ứng được yêu cầu của Bộ GTVT là hoàn thành cơ bản dự án trong quý I/2015?


Ông Đặng Sỹ Mạnh: Với sự nỗ lực của tất cả các bên như hiện nay, dự án Cải tạo, nâng cấp tuyến ĐS Yên Viên – Lào Cai sẽ cố gắng về đích đúng với tiến độ và chất lượng theo yêu cầu của Bộ GTVT. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, dự án vẫn còn gặp một số vướng mắc. Khó khăn đầu tiên cũng là khó khăn chung của dự án là mặc dù quy mô các hạng mục không lớn nhưng lại phức tạp, dàn trải, thi công trên đoạn tuyến kéo dài với địa hình khó khăn và nhiều vị trí không thể tiếp cận bằng đường bộ nên máy móc và vật liệu thi công phải vận chuyển bằng tàu hỏa. Khó khăn thứ 2, tuyến ĐS Yên Viên – Lào Cai là tuyến ĐS đơn, có mật độ chạy tàu dày đặc, nên việc vừa thi công vừa chạy tàu luôn thách thức về vấn đề an toàn, chất lượng và tiến độ. Mặc dù các đơn vị thi công, vận tải… đã chủ động phối hợp nhưng việc bố trí chạy chậm, phong tỏa cũng như đảm bảo an toàn trong quá trình vừa thi công vừa chạy tàu là hết sức khó khăn. Đặc biệt, một số hạng mục như Ga Văn phú, Ga Lào Cai… quá trình thi công vẫn phải đảm bảo tác nghiệp của ga nên cần sự phối hợp liên tục và chủ động giữa nhiều bộ phận khác nhau. Khó khăn thứ 3 là đến nay vấn đề giải phóng mặt bằng vẫn chưa hoàn thành do địa phương thiếu vốn xây dựng khu tái định cư cũng như chưa hoàn thành thủ tục để giải phóng mặt bằng khu 1 ha trong Ga Lào Cai và các hộ dân tại Ga Thái Văn. Bên cạnh đó, vấn đề thời tiết, khí hậu cũng có thể ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng của dự án.


PV: Trong thời gian tới, RPMU sẽ thực hiện những biện pháp nào để giải quyết các khó khăn, đẩy nhanh tiến độ dự án?


Ông Đặng Sỹ Mạnh: Để đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng, an toàn lao động, an toàn chạy tàu của dự án thì Tổng công ty ĐSVN, RPMU, Công ty VTHK ĐS Hà Nội, các ga, các đơn vị thi công, tư vấn… cần phối hợp thường xuyên, chặt chẽ, thường trực tại hiện trường để giải quyết nhanh nhất các vướng mắc, khó khăn tại chỗ. Một số công việc chính phải thực hiện theo “cơ chế khẩn cấp”.


Hiện nay, Tổng công ty ĐSVN và RPMU đang tập trung đôn đốc các nhà thầu xây lắp và tư vấn thực hiện đúng kế hoạch thi công theo yêu cầu của lãnh đạo Bộ GTVT và giải ngân toàn bộ phần vốn ODA trước thời điểm đóng khoản vay. Cụ thể: Tổng công ty ĐSVN đã thành lập Tổ chỉ đạo công tác thi công và quản lý cấp phép các điểm chạy chậm cho dự án để bố trí kế hoạch chạy chậm, phong tỏa và cung cấp vật liệu đáp ứng kế hoạch thi công của nhà thầu; thành lập tổ chỉ đạo thi công Ga Lào Cai nhằm tháo gỡ về GPMB và chỉ đạo các bên liên quan phối hợp trong quá trình thi công để đẩy nhanh tiến độ… Tổng công ty ĐSVN cũng đã tăng số lượng toa xe phục vụ vận chuyển vật liệu thi công lên 30 đến 50 toa xe/ngày và thực hiện cắt giảm chạy tàu trên tuyến ĐS Yên Viên – Lào Cai để tăng số điểm chạy chậm lên 17 – 18 điểm. Bên cạnh đó, lãnh đạo Tổng công ty ĐSVN cũng thường xuyên đi kiểm tra hiện trường để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong thi công; chủ động làm việc với các bộ ngành, chính phủ, địa phương để giải quyết vấn đề giải phóng mặt bằng… Có thể nói toàn ngành ĐS đang vào cuộc để Dự án Cải tạo, nâng cấp tuyến ĐS Yên Viên – Lào Cai hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng.


Về phía RPMU, chúng tôi đang khẩn trương, tích cực với những hành động cụ thể, quyết liệt. RPMU đã lập kế hoạch thực hiện tổng thể cho cả dự án và kế hoạch chi tiết cho từng gói thầu. Đối với các hạng mục phức tạp hoặc chậm trễ, RPMU yêu cầu nhà thầu “đếm ngược thời gian”, lập kế hoạch chi tiết theo tuần hoặc 10 ngày và họp kiểm điểm thường xuyên. Ban cũng đã thành lập tổ chỉ đạo thường trực tại hiện trường; lãnh đạo, cán bộ của ban thường xuyên bám hiện trường cùng tư vấn giám sát và nhà thầu giải quyết các khó khăn vướng mắc; đôn đốc, kiểm tra nhà thầu huy động đủ nhân lực, máy móc thiết bị để thi công theo tiến độ cam kết.


Về vấn đề bố trí điểm chạy chậm, điều phối vận chuyển vật liệu nội ngành, RPMU đã phân công cán bộ chuyên trách thường xuyên làm việc với các ban: KDVT, Trung tâm ĐHVT ĐS và Công ty VTHK ĐS Hà Nội để hỗ trợ tối đa cho các nhà thầu trong công tác thi công. Bên cạnh đó, RPMU cũng tăng cường công tác kiểm tra chéo nội bộ bằng cách cử đại diện các phòng chức năng của ban như Phòng Kỹ thuật chất lượng, Phòng Kế hoạch thường xuyên đi kiểm tra công tác thi công của dự án, nhằm thúc đẩy tiến độ, nâng cao an toàn và chất lượng thi công; phối hợp chặt chẽ với địa phương giải quyết các vướng mắc trong công tác GPMB. Kịp thời báo cáo Tổng công ty ĐSVN, Bộ GTVT các vấn đề vượt thẩm quyền…


PV: Với công tác đảm bảo an toàn chạy tàu và an toàn lao động, RPMU đã triển khai những biện pháp gì, thưa ông?


Ông Đặng Sỹ Mạnh: Công tác an toàn lao động và an toàn chạy tàu luôn được chúng tôi đặt lên hàng đầu. Để đảm bảo an toàn, RPMU đã yêu cầu toàn bộ nhà thầu, tư vấn trực tiếp chỉ huy ở hiện trường phải được đào tạo về an toàn; yêu cầu nhà thầu xây dựng thực hiện đúng quy trình đảm bảo an toàn trong quá trình thi công, thuê các đơn vị có chuyên môn về an toàn ĐS để giám sát an toàn. Ban cũng thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra về công tác an toàn tại các điểm thi công, trong đó có đại diện của các ban chuyên môn Tổng công ty ĐSVN, Công ty QLCSHT ĐS… Bên cạnh đó, ban cũng xây dựng các chế tài phạt nặng đối với trường hợp vi phạm an toàn lao động. Đặc biệt, với những trường hợp gây ra tai nạn nghiêm trọng hoặc tái phạm nhiều lần công tác an toàn thì sẽ thay thế nhân sự hoặc thay thế nhà thầu vi phạm.


PV: Xin cảm ơn ông!


Ngô Vinh