Đưa ga hàng hóa lớn nhất phía Nam trở thành đầu mối phát triển logistics bằng đường sắt
Sáng nay (28/9), hội nghị "Giới thiệu về hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa qua ga liên vận quốc tế Sóng Thần” diễn ra tại tỉnh Bình Dương.
Tại hội nghị, các ngành, đơn vị đã cung cấp một số thông tin về phát triển hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa tại ga Sóng Thần thời gian tới, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ông Phan Quốc Anh Phó TGĐ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tham dự hội nghị
Cụ thể là ngành dịch vụ logistics, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp, đô thị theo hướng văn minh, hiện đại giai đoạn 2021-2025, định hướng 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương Nguyễn Thanh Toàn đánh giá, việc đưa phương thức vận chuyển hàng hóa liên vận quốc tế bằng đường sắt sẽ góp phần vào quá trình đa phương thức, đa dạng hóa hình thức vận chuyển.
Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện đã vươn lên vị trí thứ 3 trên cả nước. Trong đó, riêng thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 40%, chủ yếu vận chuyển bằng đường biển và một phần nhỏ bằng đường bộ.
Do đó, theo định hướng quy hoạch phát triển của tỉnh Bình Dương, ga Sóng Thần trở thành ga liên vận quốc tế được mở rộng với quy mô trên 50ha, đáp ứng quá trình phát triển ngành dịch vụ logistics theo hướng vận chuyển đa phương thức.
Tại hội nghị, Cục Hải quan tỉnh Bình Dương đã hướng dẫn thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại ga liên vận quốc tế Sóng Thần sang thị trường Trung Quốc và các nước có liên kết tuyến đường sắt.
Tương tự, ngành Đường sắt hướng dẫn các thủ tục, phương thức cụ thể về vận chuyển hàng hóa đến với doanh nghiệp; giới thiệu tổng quan về các ga liên vận quốc tế của đường sắt, các tuyến đường sắt đi Trung Quốc và các nước Đông Âu.
Ra mắt đoàn tàu chuyển hàng hóa xuất khẩu từ ga Sóng Thần đi Trung Quốc ngày 27/9
Đại diện doanh nghiệp, Giám đốc điều hành Công ty TBS Logistics Lê Mạnh Hà cho rằng, trước đây muốn đưa hàng sang Trung Quốc, doanh nghiệp phải vận chuyển bằng đường bộ ra ga Yên Viên (Hà Nội) hoặc ga Đồng Đăng (Lạng Sơn), sau đó mới làm thủ tục mở tờ khai để xuất khẩu hàng hóa.
Nay doanh nghiệp có thể mở tờ khai trực tiếp tại Cục Hải quan Bình Dương và ga Sóng Thần, đưa thẳng hàng hóa sang nước bạn. Điều này rút ngắn được thời gian, chi phí cho doanh nghiệp rất nhiều, còn là cơ hội để các doanh nghiệp logistics Việt Nam phát triển lên các mức độ cao hơn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Văn Dành cho biết, việc nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường sắt qua ga Sóng Thần sẽ giúp cho doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa, đồng thời hàng hóa sẽ được vận chuyển thẳng qua biên giới, không bị ách tắc tại cửa khẩu như phương thức vận chuyển bằng đường bộ như hiện nay.
Với vị trí thuận lợi, ga Sóng Thần đóng vai trò là nơi tập kết, vận chuyển, phân phối hàng hóa xuất nhập khẩu đi các biên giới cửa khẩu phía Bắc và phía Nam, không chỉ của các doanh nghiệp tỉnh Bình Dương mà còn các doanh nghiệp Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng.