Tin tức & Sự kiện

15:04 | 08/04/2022

Đường sắt Việt Nam sắp cán đích lộ trình tái cơ cấu

Ngày 7/4, Thủ tướng Chính phủ có Công văn số 303/TTg-ĐMDN gửi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (cơ quan chủ quản của VNR) về phương án cơ cấu lại doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương phương án cơ cấu lại doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc VNR theo đề xuất của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo hướng thu gọn đầu mối tổ chức, đơn vị thành viên.

Điểm nhấn quan trọng nhất tại Công văn số 303 là việc Thủ tướng đồng ý để VNR thực hiện thu gọn đầu mối Chi nhánh Xí nghiệp Đầu máy từ 5 chi nhánh thành 3 chi nhánh; chuyển nguyên trạng toàn bộ hoạt động, tài sản, con người đang có tại 3 ban quản lý đường sắt khu vực 1, 2, 3 về 1 ban quản lý dự án đường sắt để thực hiện chức năng đại diện chủ đầu tư quản lý các dự án đường sắt do VNR làm chủ đầu tư và chấm dứt hoạt động của 2 ban quản lý dự án còn lại.

Thủ tướng đồng ý để VNR hợp nhất Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội (Haraco) và Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn (Saratrans) thành 1 công ty cổ phần.

“Ủy ban Quản lý vốn nhà nước chỉ đạo VNR khẩn trương thực hiện việc cơ cấu lại các doanh nghiệp, đơn vị nêu trên đúng quy định của pháp luật, phát huy hiệu quả, tuyệt đối không để thất thoát vốn và tài sản; hoàn thiện Đề án Cơ cấu lại VNR giai đoạn 2021 - 2025 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”, Công văn số 303 nêu rõ.

Với nội dung thu gọn đầu mối Chi nhánh Xí nghiệp Đầu máy và ban quản lý dự án, VNR sẽ triển khai ngay trong tháng 4/2022. Về việc hợp nhất Haraco và Saratrans, Tổng công ty sẽ khẩn trương hoàn thiện phương án để trình Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phê duyệt.


Ngoài 3 nội dung đã được phê duyệt, trong Đề án Cơ cấu lại VNR trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 3/2022 với thời gian thực hiện chuyển từ giai đoạn 2017 - 2020 sang 2021 - 2025, VNR kiến nghị:
- Duy trì tỷ lệ nắm giữ 51% vốn điều lệ tại 15 công ty cổ phần bảo trì cầu, đường sắt.
- Tiếp tục duy trì tỷ lệ vốn góp như hiện nay (trên 51%) và từng bước nâng tỷ lệ vốn góp lên 75% hoặc 100% tại 5 công ty cổ phần thông tin tín hiệu đường sắt.
- Tiếp tục giữ cổ phần chi phối tại Công ty cổ phần Xe lửa Dĩ An và Công ty cổ phần Xe lửa Gia Lâm để phát triển công nghiệp cơ khí đường sắt. Trường hợp lựa chọn được nhà đầu tư chiến lược, VNR sẽ xây dựng lộ trình giảm vốn của Tổng công ty tại 2 đơn vị này xuống còn 51%, trình Thủ tướng phê duyệt.