Đường sắt “vươn dài” những đoàn tàu liên vận
Phát triển những đoàn tàu hàng liên vận đi Trung Quốc, đi các nước thứ ba và tiến tới Nga, châu Âu là mục tiêu của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) trong năm nay và những năm tới. VNR dự kiến đẩy mạnh khai thác vận chuyển hoa quả, thuỷ sản bằng container lạnh từ phía nam sang thẳng Trung Quốc.
Giao, nhận "từ cửa đến cửa"
Trong bối cảnh dịch Covid-19, theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, từ đầu năm đến nay, trên toàn mạng đường sắt đã hai lần giảm mạnh tần suất các đôi tàu khách bắc – nam và chủ động chuyển hướng sang chạy những đoàn tàu chở hàng hóa với dịch vụ tốt và chi phí hợp lý. Lãnh đạo VNR và các đơn vị dịch vụ vận tải đường sắt tìm mọi cách gỡ nút thắt cơ chế để cải thiện sản lượng hàng hoá liên vận tuyến Hà Nội – Đồng Đăng – Bằng Tường – Nam Ninh đến các địa phương khác của Trung Quốc, thậm chí đi các nước thứ ba và tiến tới đưa hàng xuất khẩu sang Nga, châu Âu,...
Việc tập trung phát triển vận tải hàng hóa không chỉ là giải pháp tình thế trong mùa dịch Covid-19 mà còn là định hướng lâu dài của ngành đường sắt. Nhiều năm nay, VNR đã ký thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Hóa chất Việt Nam thực hiện vận chuyển bằng đường sắt, năm 2020 đạt khoảng 1,6 triệu tấn. Từ nguyên liệu đầu vào như a-pa-tit đến sản phẩm đầu ra như phân bón, hóa chất của tập đoàn này đều vận chuyển bằng đường sắt.
Tàu container lạnh liên vận quốc tế chuyên chở mặt hàng thanh long chạy từ ga Ðồng Ðăng sang ga Bằng Tường (Trung Quốc) khai thác từ tháng 2 đã chạy ổn định hằng tuần, mở hướng xuất khẩu chính ngạch hàng trái cây và nông sản đông lạnh bằng đường sắt sang Trung Quốc và các nước Trung Á, châu Âu.
Phó Tổng Giám đốc Haraco Phùng Thị Lý Hà cho biết, để phục vụ vận chuyển hàng hóa thiết yếu, từ đầu tháng 4, công ty chạy đôi tàu hàng mang số hiệu HL1/HL2 hành trình 34 giờ từ Hà Nội đi TP Hồ Chí Minh và ngược lại, chạy theo hành trình của đôi tàu khách SE5/SE6 và đỗ nhận trả hàng tại các ga Hà Nội, Phủ Lý, Vinh, Quảng Ngãi, Diêu Trì, Nha Trang, Biên Hòa, Sài Gòn,... Hành trình tàu hàng đi theo tàu khách nên thời gian nhanh, việc xếp dỡ, giao nhận, quản lý có quy trình chặt chẽ, hàng hóa gửi được bảo đảm một cách tốt nhất.
Hai tàu hàng chuyên chuyển phát nhanh mỗi ngày đạt doanh thu khoảng 700 triệu đồng. Khách hàng có nhu cầu vận chuyển, chỉ cần vài phút thao tác online đã có thể thực hiện thành công đơn hàng. Với dịch vụ này, nhân viên đường sắt sẽ đến tận địa chỉ của khách hàng để nhận hàng hóa, vận chuyển tới nơi bằng tàu hỏa và được giao đến tận địa chỉ người nhận chỉ sau vài tiếng tàu đến ga, gọi là phương thức giao nhận “từ cửa đến cửa”. Khách hàng cũng có thể tự đem hàng ra ga gửi và tới ga để nhận hàng.
Chủ tịch HÐTV Tổng công ty Ðường sắt Việt Nam (VNR) Vũ Anh Minh đánh giá, thực ra dịch vụ vận chuyển hàng hóa theo phương thức "từ cửa đến cửa" đã được ngành đường sắt thực hiện, khai thác từ giữa tháng 8-2019. Do ảnh hưởng dịch Covid-19, tuyến đường sắt bắc - nam chạy tàu khách rất ít, cho nên tàu hàng không phải dừng tránh lâu như trước, có điều kiện rút ngắn thời gian chạy tàu, vận chuyển và trả hàng nhanh.
Hiện nay, do khách đi tàu ít, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội (Haraco) đã chuyển hướng, chú trọng lĩnh vực vận chuyển hàng hóa. Công ty đã đưa vào khai thác một số sản phẩm mới, đặc biệt duy trì chạy hằng ngày đôi tàu container nhanh hành trình 40 giờ như tàu khách tuyến bắc - nam; đẩy mạnh khai thác hàng lẻ, hàng có giá trị cao, cần bảo quản tốt, thời gian vận chuyển nhanh bằng hành trình các mác tàu khách Thống nhất…
Tàu hàng có nhiều chuyến riêng, không đi chung với tàu khách, mỗi ngày có hai chuyến tàu hàng thường từ Giáp Bát (Hà Nội) đi Sóng Thần và ngược lại, một tàu chuyên hàng container từ ga Yên Viên (Hà Nội) đi ga Sóng Thần (Bình Dương); một tàu chuyên vận chuyển theo hình thức chuyển phát nhanh tuyến Hà Nội - Sài Gòn.
Theo báo cáo của VNR, hệ thống kho ga, bãi hàng của ngành đường sắt hiện có hơn 38.500 m2 kho hàng tổng hợp được đầu tư từ nhiều năm trước, phần lớn đã xuống cấp, không đạt tiêu chuẩn lưu trữ, bảo quản các mặt hàng tươi sống, hàng hóa có giá trị cao. Khu vực Hà Nội đã đầu tư bãi hàng tiêu chuẩn ở ga Yên Viên nhưng diện tích còn nhỏ, trong khi đó, khu vực miền trung không có bãi hàng tiêu chuẩn; khu vực miền nam có bãi hàng ở ga Trảng Bom (Ðồng Nai) nhưng cũng mang tính khai thác tạm.
Chủ tịch VNR Vũ Anh Minh cho biết, do thiếu kho bãi, phương tiện hỗ trợ khiến tổng chi phí vận tải đường sắt bị đội lên rất cao. Ðơn cử, chi phí vận chuyển từ kho khách hàng đến ga Sóng Thần và từ ga Giáp Bát về kho khách hàng, bốc xếp, vận chuyển đường ngắn bằng ô-tô đã ngang bằng cước vận tải đường sắt từ ga Sóng Thần về đến ga Giáp Bát dài gần 1.700 km. Ðiều này cho thấy, chi phí hai đầu đã chiếm tới 50% tổng chi phí vận tải. Ðây chính là hạn chế lớn nhất khiến dịch vụ vận tải hàng hóa của VNR không thể "cất cánh" được, do vậy cần đầu tư hạ tầng kho bãi để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vận tải cung cấp các dịch vụ kết nối đầu cuối, hạ chi phí logistics.
Đổi mới vận tải, “vươn dài” liên vận
Những ngày đầu tháng 9 tại cảng Hoàng Diệu (Hải Phòng), trong khi các khu vực cảng bến khác im lìm do ảnh hưởng dịch Covid-19, thì khu vực hàng hóa đường sắt trong cảng lại khá nhộn nhịp. Hai chiếc cẩu lớn miệt mài bốc xếp mặt hàng lưu huỳnh lên toa xe; từng tốp công nhân tấp nập san gạt hàng, phủ bạt, gia cố, niêm phong toa xe,… cho những chuyến tàu đường dài.
Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ vận tải đường sắt Hải Phòng Dương Văn Hùng cho biết, mặt hàng lưu huỳnh được công ty vận chuyển bằng đường sắt sang Trung Quốc, tuy ảnh hưởng dịch bệnh nhưng sản lượng vận chuyển lưu huỳnh từ đầu năm 2020 đến nay vẫn tăng trưởng khoảng 15% so cùng kỳ. Mặt hàng quặng sắt đi bằng đường sắt từ Hải Phòng sang Trung Quốc cũng đạt 60 nghìn tấn.
Các mặt hàng lưu huỳnh, quặng sắt hoặc kẽm từ nước ngoài về thẳng Cảng Hải Phòng, sau đó đi bằng đường sắt lên Lào Cai, chuyên chở sang Trung Quốc sẽ đáp ứng được yêu cầu: giá thành rẻ, chất lượng vận tải tốt hơn, thời gian vận chuyển nhanh, hàng hóa không bị hao hụt, không lẫn tạp chất.
Ðể phát triển vận tải hàng, thời gian qua VNR đã đóng mới khoảng 300 toa xe chở container; thử nghiệm và đưa vào vận hành chính thức hệ thống quản trị vận tải hàng hóa qua mạng nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, thuận tiện hơn đối với khách hàng. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Haraco đã tạm dừng đầu tư lớn toa xe khách và xoay hướng đóng mới 100 toa xe hỗn hợp để chở được nhiều loại hàng hóa, kể cả container; lên kế hoạch đầu tư một số thiết bị tại các điểm đầu, cuối để giảm giá thành vận tải logistics.
Trong 5 năm tới, ngành đường sắt tập trung nghiên cứu phương án vận tải hành khách trên các đoạn tuyến trung bình và ngắn thay thế vận tải đường dài, giảm bớt các đoàn tàu hiệu quả thấp. Đồng thời, phụ thuộc vào nhu cầu thị trường để mở thêm tuyến mới theo hướng chú trọng vùng thị xã, thị trấn và hợp tác để thu hút luồng khách nước ngoài.
Chủ tịch VNR Vũ Anh Minh đánh giá, không chỉ vận tải liên vận đường sắt từ Hải Phòng đi Trung Quốc tăng trưởng mà nhìn chung vận tải hàng hóa toàn ngành vẫn giữ được sự ổn định, mặc dù một số mặt hàng, luồng hàng giảm sản lượng do ảnh hưởng dịch Covid-19. Từ đầu năm 2020 đến nay, sản lượng vận tải hàng hóa đường sắt vẫn tương đương cùng kỳ, doanh thu tăng trưởng khoảng 5%.
Theo ông Minh, đây là hiệu quả của những chính sách, giải pháp chuyển dịch cơ cấu vận tải, đổi mới, thúc đẩy vận tải hàng hóa từ năm 2019. Khi đó, xác định dư địa, phân khúc thị trường của vận tải hành khách ngày cảng giảm do yếu thế trong cạnh tranh với các phương thức vận tải khác, mặt khác cần đẩy mạnh khai thác ưu điểm của vận tải đường sắt là vận chuyển khối lượng lớn, đi xa, an toàn, VNR đã tập trung về vận tải hàng hóa, xác định đây là trọng tâm.
Đồng thời, thúc đẩy tàu liên vận quốc tế sang Trung Quốc và từ Trung Quốc đi tiếp Trung Á, châu Âu; đặc biệt là tàu container thường và tàu container lạnh, tự phát điện để vận chuyển hàng thực phẩm, trái cây tươi sống. Nếu tuyến vận tải đường sắt liên vận Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai - Trung Quốc giữ được sự ổn định thì tuyến vận tải liên vận Hà Nội - Đồng Đăng - Trung Quốc lại là tuyến có bước phát triển mới đáng ghi nhận với nhiều sản phẩm vận tải đa dạng: tàu container sang Trung Quốc, tàu đi Ba Lan, Đức,...
Đánh giá về dịch vụ vận tải đường sắt liên vận quốc tế của VNR, Giám đốc Công ty MTL Việt Nam Kim Dea Sun cho biết: “Từ năm 2018, công ty sử dụng dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt của VNR sang Ba Lan vì giá thành rẻ hơn so với đường hàng không và rút ngắn thời gian vận chuyển so với đường biển. Qua 3 năm sử dụng dịch vụ, chúng tôi thấy chất lượng dịch vụ rất tốt. VNR đã cam kết về thời gian vận chuyển và tuân thủ đúng các cam kết, hỗ trợ rất tốt cho chúng tôi trong kinh doanh, có ưu thế cạnh tranh đối với khách hàng”.
Đại diện lãnh đạo Công ty cổ phần Vận tải và thương mại đường sắt (Ratraco) nhận định, ngành Đường sắt đã thực hiện vận chuyển hàng hóa khá hiệu quả sang các nước như Mông Cổ, Kazakhstan, Uzbekistan, Nga, Tajikistan, Ba Lan, Anh, Đức,… Các mặt hàng gồm hàng điện tử, hàng dệt may, giày da, hóa mỹ phẩm, hàng thực phẩm đông lạnh, trái cây. Tính chung tổng khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu năm 2019 qua 2 cửa khẩu đường sắt ga Đồng Đăng và Lào Cai đạt 828 nghìn tấn, bằng 116% so cùng kỳ. Bảy tháng năm nay, dù nhu cầu vận tải trong nước giảm nhưng hàng xuất nhập khẩu qua 2 cửa khẩu đường sắt này vẫn đạt hơn 472 nghìn tấn, bằng khoảng 110% so với cùng kỳ.
Chia sẻ về tiềm năng phát triển vận chuyển hàng liên vận quốc tế, ông Vũ Anh Minh cho biết: “Với phương thức vận tải container tiên tiến, thời gian đi bằng đường sắt chỉ từ 18-20 ngày, nhưng đi bằng đường biển sẽ mất khoảng 40-45 ngày. Đây là lợi thế cạnh tranh lớn của vận tải đường sắt, nhất là với các mặt hàng cần điều kiện bảo quản tốt, thời gian đưa hàng nhanh”.
Các doanh nghiệp ngành đường sắt đã liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp vận tải, giao nhận hàng hóa ở các nước để cung cấp cho khách hàng dịch vụ logistics trọn gói, bao gồm cả vận chuyển hai đầu, khai báo hải quan, chuyển tải qua các ga biên giới, giám sát vận chuyển, nhận - giao hàng đến tận kho,… rất thuận tiện. Mặt khác, VNR còn nhận vận chuyển đa phương thức như đường sắt - đường sắt, đường sắt - đường bộ, đường sắt - đường biển để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.