Giải pháp
Bất ngờ sản lượng tăng vọt hơn 40%
Tại ga Đồng Đăng, không còn cảnh nườm nượp xe tải ra, vào bãi hàng để xếp trái cây lên tàu, trung chuyển sang Trung Quốc như hồi tháng 5 do ách tắc cửa khẩu đường bộ. Nhưng bù lại, bãi hàng, đường ga chính lúc nào cũng kín toa xe, toa thì từ đường sắt Trung Quốc sang, từ ga Yên Viên lên đang chờ dỡ hàng, toa thì chờ lập tàu kéo sang Trung Quốc...
“Hàng liên vận quốc tế thông qua ga đều đặn, vì thế tuy chỉ còn hơn một tháng nữa là hết năm 2021, nhưng ga không quá lo lắng về việc có hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch sản lượng cả năm không, vì đến nay đã vượt khoảng 40% cùng kỳ 2020”, ông Phạm Đức Khái, Giám đốc Chi nhánh Khai thác đường sắt ga Đồng Đăng kiêm Trưởng ga Liên vận quốc tế Đồng Đăng nói.
Đầu máy chuẩn bị kéo tàu hàng liên vận từ ga Lào Cai sang Trung Quốc
Ông Khái cho biết, mặc dù tình hình dịch Covid-19 phức tạp nhưng các chuyến tàu hàng vẫn qua lại bình thường giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc nên sản lượng hàng liên vận quốc tế xuất - nhập qua ga Đồng Đăng 10 tháng năm 2021 đạt hơn 400.000 tấn.
Còn tại ga Lào Cai, hàng nhập, hàng xuất, hàng từ các tuyến nội địa đổ về cũng tấp nập. Ông Hoàng Đình Tứ, Phó giám đốc Chi nhánh Khai thác đường sắt Lào Cai, kiêm Trưởng ga liên vận quốc tế Lào Cai cho biết, năm nay có một số luồng hàng liên vận quốc tế thông qua ga sản lượng tăng vọt, góp phần đưa sản lượng hàng hóa chung của ga 10 tháng năm 2021 tăng trưởng mạnh, được hơn 17% so với cùng kỳ 2020.
Theo thống kê của Tổng công ty Đường sắt VN, 9 tháng tổng sản lượng hàng liên vận quốc tế xuất - nhập qua hai ga cửa khẩu Lào Cai, Đồng Đăng đạt hơn 838.000 tấn, tăng trưởng hơn 43% so cùng kỳ 2020.
Trong đó, quý 3 mặc dù dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở nhiều tỉnh, thành, ảnh hưởng đến sản lượng vận chuyển hàng nội địa tuyến đường sắt Bắc - Nam nhưng sản lượng hàng liên vận quốc tế vẫn đạt hơn 258.000 tấn, tăng trưởng hơn 57% cùng kỳ 2020.
Thúc đẩy vận tải hàng liên vận quốc tế vượt “bão” Covid-19
Ông Phạm Đức Khái cho biết, do ảnh hưởng dịch Covid-19, một số thời điểm phía Trung Quốc thay đổi các biện pháp phòng dịch nên hàng hóa xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu đường bộ tại Đồng Đăng bị ách tắc.
Tuy nhiên, tàu qua lại giữa hai cửa khẩu đường sắt là ga Đồng Đăng và ga Bằng Tường vẫn diễn ra bình thường, thông suốt.
Ga Đồng Đăng chật kín toa xe chở container, hàng hóa xuất nhập khẩu
Theo ông Khái, đó là do giữa Đường sắt Việt Nam và Đường sắt Trung Quốc cũng như giữa hai ga cửa khẩu đã thống nhất biện pháp chạy tàu hàng đảm bảo an toàn phòng dịch được áp dụng từ đầu năm 2020 đến nay.
Quá trình thực hiện, hai bên thường xuyên trao đổi, thống nhất biện pháp tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn phát sinh nên việc tổ chức chạy tàu thời gian qua an toàn.
Mặt khác, các doanh nghiệp vận tải đường sắt đã có nhiều giải pháp thu hút được luồng hàng ổn định, tăng trưởng như luồng hàng container quá cảnh Trung Quốc chạy thẳng châu Âu, đều đặn 3 đôi tàu/tuần.
Ngoài ra, hàng ngày giữa hai ga Đồng Đăng - Bằng Tường duy trì chạy 2 đôi tàu xuất - nhập bao gồm cả toa xe chở container và toa xe G (toa xe mui kín) với nhiều chủng loại hàng hóa: từ hàng điện tử, dệt may đến hàng sắt, thép, quặng..., trung bình khoảng 120 chuyến/tháng.
Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội không chỉ khai thác vận chuyển hàng từ đường sắt Trung Quốc sang và đi tiếp đường sắt đến các ga sâu nội địa Việt Nam như đi cảng Hải Phòng, vào nhà máy phân bón ở Phú Thọ..., mà còn khai thác hàng vận chuyển trung chuyển bằng tàu từ ga Sơn Yêu (Trung Quốc) sang ga Lào Cai, sau đó giải tỏa, đi tiếp bằng tàu vào các nhà máy phân bón khu vực Lào Cai hoặc đi bằng ô tô...
Còn đại diện Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, doanh nghiệp này thực hiện vận chuyển khối lượng lớn luồng hàng sắn từ Ninh Thuận và các tỉnh Nam Trung bộ đến ga Lạng Sơn, Đồng Đăng để xuất sang Trung Quốc. Trung bình mỗi tháng có 272 toa xe chở sắn dỡ ở ga Lạng Sơn và 100 toa xe ở ga Đồng Đăng. Ngoài ra, chiều hàng nhập qua ga Đồng Đăng có mặt hàng thép và một số mặt hàng khác.
Đại diện Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, công ty đã tích cực tìm kiếm các luồng hàng mới, khai thác vận dụng toa xe hợp lý, hiệu quả để rút ngắn thời gian quay vòng toa xe, tránh đọng kéo, đọng dỡ, từ đó có toa xe xếp hàng liên vận quốc tế kịp thời khi cao điểm.
Vì vậy, sản lượng vận tải hàng hóa 10 tháng đầu năm 2021 của công ty tăng trưởng hơn hai con số so với cùng kỳ 2021, trong đó tấn xếp tăng trưởng 15%, tấn dỡ tăng trưởng 11%. Riêng hàng liên vận quốc tế, hàng nhập đạt hơn 431.000 tấn, tăng trưởng 40%; Hàng xuất đạt hơn 311.000 tấn, tăng trưởng 9%. Trong đó có nhiều mặt hàng tăng trưởng mạnh như than đá, quặng các loại...
Đối với công tác vận chuyển hàng liên vận quốc tế tại ga Lào Cai, các biện pháp chạy tàu đảm bảo an toàn phòng dịch giữa hai ga cửa khẩu Lào Cai và Sơn Yêu (Trung Quốc) được thực hiện nghiêm ngặt nên tàu hàng qua lại, nhân viên đi tàu Việt Nam rất an toàn.
“Đường sắt Việt Nam đã làm việc với đường sắt Côn Minh, hai bên đang cố gắng tăng thị phần đường sắt, thực hiện được khoảng 1 triệu tấn/năm hàng xuất - nhập giữa hai bên qua cửa khẩu này”, đại diện Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho hay.