Giao ban tháng 8: Doanh thu vận tải có dấu hiệu hồi phục
Sáng nay (5/8/2019), Phó TGĐ Đặng Sỹ Mạnh đã chủ trì Hội nghị giao ban toàn ngành qua hệ thống truyền hình 8 khu vực: Bắc Giang, Hà Nội, Lào Cai, Đồng Đăng, Vinh, Đà Nẵng, Nha Trang và Sài Gòn với sự tham dự của Chủ tịch HĐTV Vũ Anh Minh. Báo cáo tổng hợp của Văn phòng Tổng công ty cho thấy, doanh thu vận tải trong tháng 7 đã có dấu hiệu hồi phục; đặc biệt là doanh thu từ vận tải hành khách do đây là đợt cao điểm vận tải hè nên số lượng hành khách đi tàu tăng cao.
Cụ thể, tháng 7/2019, doanh thu vận tải đạt gần 507 tỷ đồng, bằng 104,1% so với cùng kỳ. Trong đó, Công ty CP VTĐS Sài Gòn có doanh thu đạt hơn 237 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra và đạt mức tăng trưởng 6,2% so với cùng kỳ (22,4%). Cùng với Sài Gòn, Công ty CP VTĐS Hà Nội mặc dù gặp khó khăn do sản lượng hàng hóa sụt giảm, không đạt kế hoạch đề ra, song doanh thu vận tải cũng đạt mức tăng 2,7% so với cùng kỳ… Cùng với đó, doanh thu từ Điều hành GTVT và các dịch vụ hỗ trợ khác cũng đạt 100,8% so với cùng kỳ…
Nhận xét về kết quả sản lượng, doanh thu đạt được trong tháng 7/2019, Phó TGĐ Đặng Sỹ Mạnh cho biết, đây là tín hiệu tích cực thể hiện nỗ lực của các đơn vị vận tải trong việc triển khai nhiều giải pháp đồng bộ; Phó TGĐ cũng yêu cầu các công ty vận tải tiếp tục các giải pháp thu hút hành khách đi tàu và triển khai các giải pháp vực dậy sản lượng vận tải hàng hóa liên tiếp sụt giảm trong nhiều tháng qua. Sự phục hồi của vận tải trong tháng 7 cũng ngăn chặn được đà sụt giảm sản lượng, doanh thu 7 tháng đầu năm 2019.
Tại hội nghị, Phó TGĐ Đặng Sỹ Mạnh cũng biểu dương một số đơn vị phía Bắc đã làm tốt công tác công tác chống xóc lắc; đặc biệt là 2 công ty CPĐS: Hà Thái, Hà Hải.
Về an ninh, an toàn GTĐS, tháng 7/2019, tai nạn GTĐS tăng cao ở cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương ). Cụ thể, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 27 vụ tai nạn GTĐS (tăng 12,5%), làm chết 17 người (tăng 21,4%) và làm bị thương 23 người (tăng 76,9%)...
Qua tổng hợp, phân tích cho thấy, từ đầu năm 2019 đến nay, các vụ tai nạn GTĐS chủ yếu xảy ra trên lối đi tự mở và dọc hai bên hành lang ĐS, chiếm 78%, còn lại là đường ngang biển báo, cảnh báo tự động có cần chắn tự động. Một số địa phương xảy ra nhiều vụ tai nạn GTĐS (từ 5 vụ trở lên), gồm: Hà Nội (19 vụ), Khánh Hòa (16 vụ), Hải Dương (10); Bắc Giang, Thanh Hóa (9 vụ), Hà Nam, Nghệ An (8 vụ); Thừa Thiên Huế (7 vụ), Đồng Nai (6 vụ); Nam Định, Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam (5 vụ).
Mặc dù nguyên nhân chính của các vụ tai nạn được xác định là do người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ không chú ý quan sát, không chấp hành các quy định của pháp luật về ATGT khi đi qua các vị trí giao cắt giữa đường sắt – đường bộ song tại Hội nghị, Chủ tịch HĐTV Vũ Anh Minh cũng yêu cầu các Ban và đơn vị liên quan cần nghiên cứu kỹ hơn, tiến hành rà soát lại việc triển khai hệ thống cảnh báo (đèn, các biển cảnh báo, âm thanh...) đã thực sự tạo sự chú ý đối với người tham gia giao thông hay chưa?... Chủ tịch Vũ Anh Minh nhấn mạnh, bất cứ giải pháp nào có thể giảm thiểu được số vụ tai nạn, số người chết chúng ta đều phải cố gắng, quyết liệt thực hiện...