Tin tức & Sự kiện

08:00 | 14/11/2017

Hàng trăm công nhân khẩn trương khắc phục sự cố đường sắt tại Đèo Cả, nỗ lực thông tuyến trước ngày 15/11

Đường sắt Bắc- Nam chưa thể thông tuyến hoàn toàn do sự cố sụp lún tại km 1226+780 đến km 1226+ 825 tại Hảo Sơn- Đại Lãnh (Phú Yên) sau bão số 12. Gần 300 công nhân lao động trên công trường chạy đua với thời gian, bất kể làm việc trong nắng gió, bên là biển sâu, bên là núi, tất cả đều nỗ lực hoàn thành công việc để trả lại đường trước ngày 15/11.

Sau cơn bão số 12, nhiều CNLĐ đường sắt tại Khánh Hòa, Phú Yên vẫn chưa về nhà sau bão, biết nhà thiệt hại nhưng cũng đành gác lại để tập trung khẩn trương trả lại đường cho tàu thông tuyến. Tại công trường điểm sụp lún Đèo Cả, dù đã trưa nhưng hàng trăm cán bộ, công nhân, vẫn đang nỗ lực bó ray và chèn giỏ đá.

Ông Đoàn Duy Hoạch, Phó tổng giám đốc Công ty Đường sắt Việt Nam, Trưởng ban chỉ đạo khắc phục sự cố đường sắt tại Đèo Cả trực tiếp tại hiện trường cho biết: “2.000 khối đá phải thực hiện xếp thủ công kè giỏ đá để làm ta luy chống trượt. Hiện gần 300 anh em công nhân đang khẩn trương ngày đêm dầm bo bó ray để chống sụt trượt và xếp giỏ đá đảm bảo trả lại đường trước ngày 15/11". 

“Bốn đơn vị được huy động đến điểm sạt lở từ ngày 5/11 để khắc phục. Bước 1 xử lý nền móng, khoan neo, các đơn vị phụ trách theo từng công đoạn. Hơn 2.000 khối đá phải thực hiện xếp thủ công kè giỏ đá để làm taluy chống trượt. Công nhân thi công trong điều kiện địa hình hiểm trở, điểm sạt lở cách mặt biển 35m, không gian nhỏ, vì vậy phương tiện hỗ trợ không thể đưa vào, phương án khắc phục phải thay đổi. Hiện, gần 300 công nhân đang khẩn trương ngày đêm bo, bó ray để chống sụt trượt và xếp giỏ đá kịp thời trả lại đường trước 15.11. Sau khi thông đường, các đơn vị sẽ tiếp tục gia cố, đổ bêtông cố định các taluy trong 45 ngày”, Phó TGĐ Đoàn Duy Hoạch cho biết thêm.

Ghi nhận ở công trường, không khí làm việc khẩn trương, ai cũng tập trung cao nhất, dù trong số đó rất nhiều CN đang tham gia cứu chữa Đèo Cả đều có nhà bị thiệt hại trong bão. “Tàu chưa thông đồng nghĩa với việc ách tắc vận chuyển hành khách hàng hóa Bắc - Nam nên lúc này ai cũng phải gác việc nhà, cứu đường đã rồi mới tính” - anh Nguyễn Phèn - công nhân Cty Phú Khánh - cho biết. Nhà anh Phèn ở ngay huyện Đông Hòa là nơi tâm bão 12, bị bốc toàn bộ mái.

Chị Lê Thị Thùy Phương- đội khách hóa vận  Nha Trang - chi nhánh Vận tải đường sắt Nha Trang - cười: “Hai vợ chồng đều tập trung ở cơ quan, anh thì đi khắc phục ngoài đèo, em thì tăng cường điều tiết khách ở Nha Trang nên nhà vẫn để đó, con gửi nhà bác”. Từ ngày 5.11 đến nay, Cty CP Vận tải Sài Gòn đã triển khai phương án chuyển khách bằng đường bộ từ ga Đại Lãnh (Khánh Hòa) đến Tuy Hòa (Phú Yên). Đơn vị  tăng cường 14 xe khách 50 chỗ để vận chuyển hành khách 2 đầu, mỗi ngày phục vụ gần 4.000 lượt khách. Riêng vận tải hàng hóa gần như ngưng trệ. Chị Trần Thị Mỹ Hòa (xã Ninh Bình, Thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) thì rưng rưng; “Hôm bão đến giờ, anh đi ngoài Đèo Cả chứ đã về nhà xem sập thế nào đâu. Anh chỉ kịp gọi điện dặn mẹ con đội mũ bảo hiểm vào, dọn nhà tạm còn để chờ anh về…”

Chia sẻ với người lao động, Chủ tịch CĐ Tổng công ty ĐSVN Mai Thành Phương đã đến thăm hỏi, động viên gia đình CNLĐ. “Nhiều công nhân có nhà bị hư hỏng nhưng tinh thần thông tàu, nhiệm vụ là hàng đầu rất đáng ghi nhận. Việc đảm bảo an toàn và điều kiện sinh hoạt cho anh em tại công trường đã được các cấp quán triệt. Sau khi tàu thông tuyến, Công đoàn sẽ vận động đoàn viên chung tay sửa nhà, dọn dẹp giúp anh em” - ông Phương nói.

Dưới đây là một số hình ảnh ghi lại các tốp công nhân trên công trường sụp lún Đèo Cả đang nỗ lực khắc phục đường sắt Bắc- Nam:

Khoảng 300 CNLĐ thi công trên cung đường sụp lún với độ cao 35m. Ảnh: T.ThúyKhoảng 300 CNLĐ thi công trên cung đường sụp lún với độ cao 35m. 

Công nhân xếp từng viên đá vào giỏ và gia cố dần theo từng hộc đến tầng sát đường ray. Ảnh: T.ThúyXếp từng viên đá vào giỏ và gia cố dần theo từng hộc đến tầng sát đường ray. 

Đội bó ray phải dùng sức người và dây thừng để kết các đường ray thành bó trong địa hình trên là núi đá dưới là vực biển. Ảnh: T.ThúyDùng sức người và dây thừng để kết các đường ray thành bó trong địa hình trên là núi đá dưới là vực biển. 

Công việc bó các thanh ray rất khó khăn, không chỉ đòi hỏi người thợ phải cẩn trọng mà còn phải tinh mắt vì chỉ một chút sơ sẩy thanh ray nặng cả trăm kg sẽ đè trúng. Ảnh: T.ThúyMột chút sơ sẩy, thanh ray nặng cả trăm kg sẽ đè trúng.

Hiện các đơn vị đã hoàn thành được 3 trong số 6 bó cọc ray để chằng chống các giỏ đá taluy. Ảnh: T.ThúyBa trong số 6 bó cọc ray để chằng chống các giỏ đá taluy.

2.000m3 đá và hằng trăm tấn sắt đang được các công nhân ở đây ngày đêm “lắp ráp” để trả lại đường trong thời gian sớm nhất. Ảnh: T.Thúy2.000m3 đá và hằng trăm tấn sắt đang được các công nhân ở đây ngày đêm “lắp ráp” để trả lại đường trong thời gian sớm nhất. 

Ông Mai Thành Phương, chủ tịch CĐ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam động viên CBCNVNLĐ tại công trường vừa thi công vừa phải đảm bảo an toàn. Ảnh: T.ThúyÔng Lương Văn Nghĩa - Phó Bí thư Đảng ủy và ông Mai Thành Phương, Chủ tịch công đoàn Tổng công ty Đường sắt Việt Nam động viên CBCNVNLĐ tại công trường vừa thi công vừa phải đảm bảo an toàn. 

Theo GTVT