Hoa nở theo dặm dài đất nước
Không chỉ hình thành sự độc đáo, tạo cảnh quan tươi mới mà việc hoa nở dọc đường ray còn mang nhiều giá trị về môi trường, du lịch…
Hằng ngày, mỗi khi tiếng còi tàu khuất xa chốt chặn, ông Bùi Chánh Nghĩa - Trưởng Ban Điều hành khu phố 1, phường 11, quận Phú Nhuận - đi dọc đường ray nhổ cỏ mọc bên dưới những khóm tường vi đang nở rộ.
Cô Mai Xuân chăm sóc cây xanh dọc đường tàu
Chung tay tô điểm
Ông Nghĩa kể ngoài ông, các anh chị em thuộc Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên và người dân nơi đây thường xuyên làm việc này. Điều ấy đã thành thói quen từ khi UBND phường phát động phong trào trồng hoa dọc đường tàu. "Bà con ai cũng vui vẻ làm, người nhổ cỏ, người tưới cây, người bón phân, người nhặt rác… mục đích tô điểm cho đường tàu, cho khu phố và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường" - ông Nghĩa nói.
Là một trong những người "mát tay" chăm hoa dọc đường tàu, cô Mai Xuân (nhà ở đường Mai Văn Ngọc, khu phố 1, phường 11) kể trước đây khu vực này thường bị xả rác rất mất mỹ quan. Từ ngày phường phát động trồng hoa thì mọi chuyện khác hẳn. Bà con chung sức tô điểm cho nơi mình ở nên sự sạch sẽ, tươi tắn luôn hiện diện.
Ông Trần Mạnh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND phường 11, cho biết từ tháng 4 đến nay, phường đầu tư kinh phí gần 240 triệu đồng, gồm nguồn tiền ngân sách và xã hội hóa để xây 250 m2 bồn hoa trên chiều dài 620 m dọc đường tàu, trồng hơn 600 cây các loại như tường vi, chuông vàng, đổ 1.000 bao đất dinh dưỡng và lắp đặt hệ thống tưới nước… Ðồng thời, 10 camera giám sát được bố trí thêm nhằm tránh tình trạng đổ rác thải, xà bần cũng như bảo đảm tình hình an ninh trật tự dọc tuyến đường sắt.
"Từ lúc công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng, đến nay tuyến đường sắt trên địa bàn phường đã khoác lên mình chiếc áo mới. Người dân vô cùng phấn khởi, họ cảm nhận được sự thay đổi hằng ngày khi các cây sinh trưởng tốt" - ông Tuấn nói.
Không chỉ tại phường 11 mà các phường 8, 9, 10 thuộc quận Phú Nhuận cũng kêu gọi người dân chung tay trồng hoa làm đẹp đường tàu và khu vực. Như phường 10 đã trồng hơn 500 m hoa chuông vàng, hoa chuối.
Tại quận Bình Thạnh, ông Tạ Thanh Khiêm, Chủ tịch UBND phường 13, cho biết qua phát động kêu gọi, người dân đã trồng hơn 1.000 chậu hoa mười giờ và 70 cây giáng hương dọc hành lang 1 km tuyến đường sắt. Đối với 1 km còn lại, phường sẽ kêu gọi xã hội hóa để tiếp tục phủ xanh, tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường quanh khu vực.
Du khách dễ nhận diện vùng miền qua nhìn ngắm các loài hoa tại mỗi cung đường
Hoa nối liền 34 địa phương
Đại diện Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết nhằm hưởng ứng chương trình trồng một tỉ cây xanh đang triển khai tại các tỉnh, thành, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ, làm đẹp cảnh quan và phát triển bền vững môi trường sinh thái, tháng 3-2023, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã phát động phong trào "Đường tàu - Đường hoa" trên phạm vi 34 tỉnh, thành có đường sắt đi qua. Phong trào này được thực hiện cơ bản theo mô hình xã hội hóa và dự kiến diễn ra trong 3 năm, từ tháng 3-2023 đến tháng 3-2025.
Theo đó, tại những khu ga, trụ sở làm việc của đơn vị đường sắt, các cung cầu, cung đường, trạm chắn, dải đất dọc hai bên đường sắt… các đơn vị căn cứ vào điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng xây dựng phương án và thực hiện việc trồng một loại hoa mang đặc trưng vùng miền với phương châm "Mỗi cung đường - Một loài hoa; Mỗi khu ga - Một điểm đến", giúp du khách dễ nhận diện vùng miền theo cây trồng; phù hợp với tổng thể cảnh quan xung quanh. Về lâu dài, hình thành con đường hoa dài nhất Việt Nam, trở thành điểm nhấn du lịch, thu hút du khách trong nước và quốc tế.
Ông Nguyễn Đức Tiền, Bí thư Đoàn Thanh niên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, đơn vị trực tiếp thực hiện phong trào, cho biết tuyến đường sắt Bắc - Nam dài hơn 3.000 km, đi qua 197 khu ga. Qua 5 tháng phát động, nhiều địa phương tích cực tham gia với kết quả hơn 40 km dọc tuyến đường sắt đã phủ cây xanh và nhiều loại hoa. Nhiều tỉnh, thành đã có kế hoạch ươm cây giống, tìm loại hoa để trồng trong năm nay.
"Đây là một trong những quyết tâm chính trị của tổng công ty đường sắt và tổng công ty sẽ thành lập ban chỉ đạo riêng để theo đuổi mục tiêu và kế hoạch đề ra. Về kinh phí thực hiện, chúng tôi tích cực kêu gọi sự chung tay của các địa phương, các doanh nghiệp, người dân nhằm tạo ra không khí mới và góp phần làm đẹp cho địa phương, hạn chế tình trạng xả rác trên đường ray diễn ra thường xuyên" - ông Tiền cho hay.
Thiên nhiên chạy theo bánh tàu
Về thăm quê Bình Thuận bằng tàu hỏa từ 2 tháng trước, chị Trần Cẩm Tú nói mình nhớ mãi cảm giác thú vị khi dọc hai bên đường rất đẹp bởi màu sắc của các loài hoa.
"Khi tàu đi qua đường Lê Văn Sỹ đến Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận, tôi thấy rất nhiều hoa tường vi, hoa chuối rực rỡ, sinh động như chạy theo bánh tàu. Ngắm hoa, ngắm cây xanh, cảm giác thư thái, dễ chịu lắm" - chị Tú nói đồng thời bày tỏ mong muốn lần về quê tới còn cảm nhận được những thay đổi tích cực, liền mạch hơn nữa.
Hình thành nhiều giá trị
TP HCM là địa phương được ngành đường sắt đánh giá triển khai tích cực phong trào "Đường tàu - đường hoa" trên tuyến đường sắt đi qua. Để đồng bộ, hiệu quả phong trào, Sở Xây dựng cho biết sẽ phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ đơn vị đường sắt trong việc lựa chọn và cung cấp giống cây phù hợp với điều kiện cũng như an toàn của ngành đường sắt. Bên cạnh đó, Sở Du lịch thông qua các tour du lịch để quảng bá hình ảnh "Ðường tàu - Ðường hoa" tới du khách khi đến TP HCM bằng đường sắt.
Ðồng thời, TP Thủ Ðức và UBND các quận có tuyến đường sắt đi qua kêu gọi nhân dân trên địa bàn phối hợp trồng, chăm sóc và bảo vệ hoa...