Tin tức & Sự kiện

10:44 | 10/07/2014

Khai thác hiệu quả tàu hàng chuyên tuyến: Đảm bảo lợi ích từ 2 phía

Tổ chức chạy tàu chuyên tuyến, chuyên luồng là phương thức vận chuyển mang lại hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo tương đối hài hòa giữa lợi ích của ĐS và lợi ích của khách hàng. Tàu hàng chuyên tuyến đã tiếp cận được xu thế chung của xã hội. Các chủ hàng, các đại lý đi gom hàng vận chuyển, ĐS với vai trò là chủ phương tiện vận chuyển hỗ trợ một phần chi phí gom hàng cho các chủ hàng, đại lý. Năm 2014, tàu chuyên tuyến đã phát triển nhanh trên cả 2 lĩnh vực: tuyến vận chuyển và số lượng đôi tàu. Công tác tổ chức, khai thác vận chuyển hàng hoá bằng tàu chuyên tuyến đã thu được những kết quả khả quan.

Tàu chuyên tuyến: Ưu điểm và hạn chế


Năm 2010, khi mới tổ chức triển khai chạy tàu chuyên tuyến, tuyến Hải Phòng – Lào Cai, ĐSVN chỉ tổ chức chạy 2 đôi/tuần, đến nay, hiện đang thực hiện 7 đôi/tuần; tuyến Bắc – Nam, ban đầu chỉ chạy 9 đôi/tuần, hiện đang chạy 35 đôi/tuần… Về thành phần đoàn tàu, đa số các đôi tàu chuyên tuyến Bắc Nam có 17 toa xe hàng (không có toa trưởng tàu), tổng trọng đoàn tàu tối đa không quá 800 tấn. Quý 2/2014, tại Ga Sóng Thần (ga lập tàu hàng chuyên tuyến) đã xếp 206,170 tấn hàng hóa đi bằng tàu chuyên tuyến, doanh thu đạt hơn 83 tỷ đồng. So với cùng kỳ, tấn xếp hàng hóa tàu chuyên tuyến tăng 27 % và doanh thu tăng 14%. So với quý 1/2014, sản lượng, doanh thu hàng hóa đi bằng tàu chuyên đều tăng 51%. Có thể nhận thấy, việc chạy tàu chuyên tuyến là một động lực cơ bản để duy trì việc thực hiện ổn định Biểu đồ chạy tàu (BĐCT) hàng tuyến Bắc Nam. Sau khi tổ chức chạy tàu chuyên tuyến, tình trạng mất cân đối về luồng hàng trên tuyến ĐS Bắc Nam đã giảm nhiều. Do đã mua cước trọn gói đoàn tàu, dù chạy rỗng vẫn phải trả cước nên chủ hàng rất tích cực trong công tác tìm kiếm, khai thác luồng hàng, tạo ra chân hàng, luồng hàng ổn định, tăng khối lượng hàng hóa vận chuyển. Với tàu chuyên, tốc độ chuyên chở hàng hóa đạt trên 580 km/ngày, thời gian quay vòng ĐMTX tàu chuyên tuyến giảm xuống còn 3 ngày. Đặc biệt, việc khai thác tàu chuyên tuyến đã trực tiếp nâng cao sản lượng doanh thu đối với các ga lập tàu (Giáp Bát, Sóng Thần, Yên Viên, Lào Cai, Hải Phòng…)…

 

xephang-GaSongThan

Xếp hàng lên tàu chuyên tuyến ở Ga Sóng Thần.


Tuy nhiên, trong công tác tổ chức chạy tàu hiện vẫn còn tồn tại một số khó khăn, bất cập: Việc ký hợp đồng tàu hàng chuyên tuyến với thành phần đoàn tàu khác nhau về chủng loại toa xe dẫn đến việc khó quay chung ram xe nên chưa cố định được ram xe tàu chuyên. Bên cạnh đó, do năng lực Ga Sóng Thần có hạn nên các đoàn tàu đến Ga Giáp Bát hoặc Yên Viên phải giải thể và lập lại tàu khi xuất phát. Tỷ lệ tàu chuyên tuyến đến đúng giờ thấp, dẫn đến thường xuyên phải thay ram xe. Tình trạng cấp thiếu toa xe xếp hàng vẫn xảy ra đã làm giảm hiệu quả của tàu chuyên tuyến. Chất lượng toa xe còn hạn chế, xảy ra nhiều sự cố trong quá trình vận dụng… Khi tàu hàng chuyên tuyến về chậm giờ so với BĐCT, mặc dù đã được ga cộng thêm thời gian xếp dỡ, nhưng các khách hàng, chủ hàng vẫn bị ảnh hưởng, thiệt hại lớn do chi phí bốc xếp (150% đối với những toa xe xếp dỡ từ 19 giờ đến 22 giờ, 200% đối với những toa xe xếp dỡ sau 22 giờ)…


Để nâng cao hiệu quả tàu chuyên tuyến


Vừa qua, PV Báo ĐS đã có buổi tiếp xúc với một số khách hàng, chủ hàng (Công ty TNHH Vận tải Thuận Việt, Công ty TNHH Dịch vụ vận tải Hà Nam, Công ty TNHH Vận tải Trung Gia Long…) đã ký hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng tàu chuyên tuyến với các Công ty VTHK ĐS Hà Nội, Sài Gòn và nhận thấy: Để thực hiện hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng tàu chuyên, các khách hàng, chủ hàng đã đầu tư một lượng lớn vỏ container chuyên dụng, phương tiện xếp dỡ 2 đầu, phương tiện vận tải trung chuyển… cũng như xây dựng mạng lưới chuyên khai thác, thu gom hàng hóa để đi tàu chuyên. 6 tháng đầu năm 2014, tình trạng bất bình hành về luồng hàng thường xuyên xảy ra: chiều Hà Nội – Sài Gòn luôn thiếu hàng (tháng 6/2014, đầu Sóng Thần thiếu khoảng 400 toa xe), có toa xe chỉ xếp được 5, 6 tấn hàng, có chủ hàng phải để toa xe chạy rỗng vào Sóng Thần để lấy toa xe cấp xếp nhưng các chủ hàng không đề nghị bãi bỏ chạy tàu. Tháng 6/2014, do luồng hàng sụt giảm, có đoàn tàu chuyên tuyến chỉ lập được 11 toa, nhưng chủ hàng vẫn trả cước đủ 17 toa xe. Có thể nhận thấy, đây là sự nỗ lực của khách hàng trong cộng đồng trách nhiệm với ĐS.


Để nâng cao hiệu quả trong khai thác vận chuyển hàng hóa bằng tàu chuyên tuyến, hỗ trợ khách hàng trong việc tiếp thị, gom hàng, các chủ hàng đề nghị ngành duy trì mức giảm 8% giá cước tàu chuyên tuyến chạy suốt, giảm 4% cước với tàu chuyên cắt móc. Trong kết cấu luồng hàng của tàu chuyên tuyến Bắc Nam, hiện nay, tỷ lệ hàng hóa cần tiếp chuyển đi tiếp (sau khi kết thúc hành trình tại Giáp Bát, Yên Viên) chiếm tỷ lệ khoảng 20%. Nếu thực hiện cố định ram xe tàu chuyên tuyến, khách hàng sẽ phát sinh thêm chi phí sang toa chuyển tải tại Giáp Bát, Yên Viên. Đề nghị chỉ nên cố định ram xe tại Ga Sóng Thần, Tổng công ty ĐSVN xem xét cho phép 2 Công ty VTHK ĐS Hà Nội, Sài Gòn được vận dụng quay chung các ram xe của các đoàn tàu chuyên tuyến tại Giáp Bát, Yên Viên. Nâng tổng trọng đoàn tàu hàng chuyên tuyến lên 800 tấn (hiện nay là 762 tấn) và thu thêm cước 38 tấn hàng, duy trì ổn định giá cước tàu chuyên tối thiểu 3 tháng. Do năng lực Ga Sóng Thần có hạn, đề nghị Tổng công ty ĐSVN chỉ nên duy trì chạy 35 đôi tàu chuyên tuyến/tuần…

 

Thùy Anh