Tin tức & Sự kiện

08:43 | 06/05/2014

Kiểm soát tải trọng đường bộ: Đường sắt “chia lửa” với đường bộ

Chiến dịch siết chặt hoạt động xe quá tải trọng, quá khổ trên toàn quốc của Bộ GTVT từ 1/4/2014 vô hình đã đẩy giá cước vận tải đường bộ tăng cao. Kiểm soát tải trọng sẽ dẫn đến việc phải chở đúng tải trọng nên các doanh nghiệp vận tải “mượn gió bẻ măng” thi nhau tăng giá cước, có những nơi tăng tới 2 đến 3 lần so với trước. Trước tình hình đó, nhiều doanh nghiệp đã chủ động thay đổi phương thức vận tải hàng hóa từ vận chuyển bằng đường bộ sang các loại hình vận tải khác, trong đó vận tải ĐS được đặc biệt quan tâm vì giá cước rẻ, độ an toàn cao, khả năng vận chuyển hàng hóa số lượng lớn…

Hướng tới đảm bảo bình đẳng


Đáp ứng sự phát triển KTXH đất nước, đảm bảo kết cấu hạ tầng giao thông phát triển bền vững, lâu dài, Bộ GTVT đã chủ trương tăng cường kết nối, nâng cao năng lực và hiệu quả của các phương thức vận tải khối lượng lớn để giảm áp lực cho vận tải đường bộ. Một mạng lưới giao thông hoàn chỉnh và hiện đại đang hình thành với các tuyến đường bộ, ĐS, đường biển, hàng không… theo hướng mở rộng về quy mô, tăng cường khả năng kết nối và nâng cao về chất lượng.


Tuy nhiên, với tỷ lệ vận tải trên 90% lượng hành khách và gần 80% hàng hóa, thị trường vận tải đang có xu hướng “đường bộ hóa” ngày càng rõ nét. Xu hướng mất cân đối giữa các loại hình vận tải xảy ra ở tất cả các tuyến vận tải chính. Trên tuyến Bắc – Nam, vận tải đường bộ chiếm tỷ lệ gần 86% với hành khách, 84% vận tải hàng hóa; tuyến Hà Nội – Lạng Sơn trên 99% vận tải khách, 84% vận tải hàng hóa và tuyến Hà Nội – Hải Phòng cũng lên tới 97% vận tải khách, gần 70% vận tải hàng hóa. Nguyên nhân trực tiếp của tình trạng “đường bộ hóa” là do các doanh nghiệp vận tải đường bộ, tài xế ô tô thông qua việc chở hàng hóa quá tải trọng cho phép để giảm giá cước, tăng tính cạnh tranh. Còn nguyên nhân sâu xa phải thẳng thắn thừa nhận là do trong một thời gian dài chúng ta “buông” việc kiểm soát tải trọng đối với vận tải đường bộ. Tình trạng này đã và đang bộc lộ rõ nhược điểm như: phá hủy, gây hư hỏng nghiêm trọng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tai nạn giao thông đường bộ, khả năng đảm nhiệm vận tải nguồn hàng lớn kém…


Nhằm tạo sự bình đẳng đối với các loại hình vận tải, hoàn chỉnh và hiện đại mạng lưới giao thông, tăng sự kết nối giữa các loại hình vận tải khác nhau, giảm chi phí vận tải và gia tăng sức cạnh tranh khi tham gia thị trường quốc tế, trong thời gian qua, Bộ GTVT đã thực hiện thắt chặt công tác kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ và đã đạt được kết quả bước đầu. Nhu cầu vận tải đang chuyển dần từ vận tải đường bộ sang các loại hình vận tải ĐS, đường thủy nội địa, đường biển, đường hàng không…

 

ga-CangHPhong

Tàu hàng tại ga cảng Hải Phòng.


Cơ hội cho vận tải ĐS…


Chiến dịch siết chặt hoạt động xe quá tải trọng, quá khổ trên toàn quốc của Bộ GTVT từ 1/4/2014 vô hình đã đẩy giá cước vận tải đường bộ tăng cao. Kiểm soát tải trọng sẽ dẫn đến việc phải chở đúng tải trọng nên các doanh nghiệp vận tải “mượn gió bẻ măng” thi nhau tăng giá cước, có những nơi tăng tới 2 đến 3 lần so với trước. Trước tình hình đó, nhiều doanh nghiệp đã chủ động thay đổi phương thức vận tải hàng hóa từ vận chuyển bằng đường bộ sang các loại hình vận tải khác, trong đó vận tải ĐS được đặc biệt quan tâm vì giá cước rẻ, độ an toàn cao, khả năng vận chuyển hàng hóa số lượng lớn…


Theo đại diện của Tổng công ty Mía đường Việt Nam, sau khi thực hiện kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ, Tổng công ty này đã không thuê doanh nghiệp vận tải đường bộ vận chuyển hàng hóa vì giá cước vận tải tăng quá cao mà chủ động tìm đến và ký hợp động vận chuyển hơn 10.000 tấn đường với Tổng công ty ĐSVN.


Ông Phạm Ngọc Tuyến – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Bắc cho biết, khó khăn nhất của Tổng công ty Lương thực miền Bắc là vận chuyển lương thực từ cảng Hải Phòng về các tỉnh, đặc biệt là tuyến Lào Cai. Việc vận chuyển bằng đường bộ tại thời điểm này rất khó khăn do giá cước quá cao nên Tổng công ty mong muốn được sử dụng ĐS để thực hiện vận chuyển hàng hóa. Tổng công ty Hóa chất dầu khí đạm Phú Mỹ cũng đang rà soát lại tất cả các tuyến đường, triệt để vận tải hàng hóa bằng ĐS, đường sông.


Tổng giám đốc Tổng công ty ĐSVN, ông Nguyễn Đạt Tường khẳng định, đây thực sự là cơ hội cho ngành vận tải ĐS. Mặc dù nhu cầu vận tải hàng hóa bằng ĐS tăng, nhưng luồng hàng vẫn bất bình hành, tuy vậy Tổng công ty ĐSVN vẫn quyết định chưa tăng giá cước vận tải hàng hóa nhằm cùng chia sẻ, tháo gỡ khó khăn về áp lực giá cho chủ hàng trong thời điểm này.


Nhưng cũng là thách thức


Tuy nhiên, cùng với cơ hội là nhu cầu vận tải tăng cao của khách hàng, khi mà nhiều chủ hàng liên tục tìm đến các phương thức vận tải khác sau khi Bộ GTVT triển khai mạnh mẽ kiểm soát tải trọng vận tải đường bộ, thì xuất hiện cùng với đó cũng là những thách thức đặt ra không những đối với vận tải đường thủy nội địa, hàng hải... mà ngay cả đối với Tổng công ty ĐSVN trong việc tìm giải pháp để đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh việc nghiên cứu, tổ chức lại công tác chạy tàu hợp lý để tăng năng lực vận tải ĐS thì “nút thắt” lớn nhất hiện nay để giải bài toán tăng năng lực vận tải ĐS vẫn là kết cấu hạ tầng ĐS. Hiện chúng ta vẫn đang phải khai thác vận tải ĐS trên một hệ thống kết cấu hạ tầng ĐS lạc hậu, đó là hệ thống đường đơn, khổ 1 mét từ thời Pháp để lại. Từ đó đến nay hầu như không được đầu tư xây dựng, phát triển thêm, nên tốc độ và số lượng chuyến tàu thông qua là rất hạn chế. Khai thác vận tải ĐS hiện tại của Tổng công ty ĐSVN đã chạm mức trần về năng lực thông qua của các tuyến ĐS, nhất là vào mùa cao điểm đi lại của nhân dân trong dịp nghỉ hè, lễ, Tết âm lịch. Hiện nay, hành trình Bắc – Nam của tàu khách là 30 – 40 giờ nhưng vận tải hàng hóa còn lâu hơn do tàu hàng phải đỗ ở nhiều ga, nhường đường cho tàu khách. Việc bóc dỡ các tuyến ĐS kết nối với các cảng biển trong những thập kỷ 80 của thế kỷ trước đã và đang làm giảm lợi thế của vận tải ĐS hiện tại, khi mà vận tải ĐS không thể tiếp cận trực tiếp với hàng hóa tại các cảng biển, mà phải trung chuyển qua phương thức vận tải khác trước khi đến với ĐS, dẫn đến cước phí vận chuyển tăng cao.


Trao đổi về những khó khăn trong công tác vận tải hàng hóa, Tổng Giám đốc Tổng công ty ĐSVN Nguyễn Đạt Tường cho biết, hệ thống cơ sở hạ tầng ĐS lạc hậu, không đồng bộ đã ảnh hưởng lớn đến công tác vận tải của Tổng công ty. Hiện nay, tải trọng cầu đường cho phép khu đoạn từ Hà Nội đến Vinh là 4,2 tấn/m, trong khi từ Vinh đến Đà Nẵng là 4,1 tấn/m, từ Đà Nẵng đến Sài Gòn là 3,6 tấn/m nên việc chở hàng suốt đã không tận dụng được tối đa năng lực vận chuyển trên tuyến ĐS. Bên cạnh đó việc chậm dỡ của các chủ hàng cũng dẫn đến tình trạng đọng dỡ. Đặc biệt, tuyến phía Tây có thời điểm đọng 400 đến 500 toa xe.


Ngoài ra, cho dù giá cước vận chuyển trực tiếp trên ĐS thấp hơn rất nhiều so với các loại hình vận tải khác nhưng cước xếp, dỡ tại các cảng lại rất cao (mà vấn đề này lại không do Tổng công ty ĐSVN quyết định) nên trên cùng một quãng đường, cước vận tải bằng ĐS bao giờ cũng cao hơn đường bộ.


Ông Phạm Công Trịnh - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty ĐSVN cho biết, trên tổng cước vận chuyển container từ khi rời khỏi tàu biển lên cảng, từ đó lên toa xe chở đến ga Yên Viên, từ ga này về đến kho hàng của chủ hàng thì cước vận chuyển bằng ĐS từ ga Hải Phòng đến ga Yên Viên chỉ bằng 1/4 tổng số tiền cước phí vận chuyển chủ hàng phải trả. Còn thực tế chủ hàng phải trả thêm hai lần cho việc thuê cẩu nâng hạ và thuê xe trung chuyển hai đầu mới về được kho hàng.


Chủ động tháo gỡ khó khăn, “chia lửa” với đường bộ

 
Trước thách thức do nhu cầu vận tải, nhất là vận tải hàng hóa bằng ĐS tăng cao, cũng như những bất cập về năng lực vận tải ĐS, hiện nay Tổng công ĐSVN đã và đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả khai thác vận tải trong điều kiện kết cấu hạ tầng hiện có. Một trong bước đi đã thực hiện từ 1/4/2014 là việc Tổng công ty ĐSVN tổ chức, sắp xếp lại khối vận tải ĐS (nằm trong lộ trình thực hiện Đề án tái cơ cấu Tổng công ty ĐSVN giai đoạn 2012-2015), sao cho công tác vận tải, trong đó có vận tải hàng hóa ĐS phải đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Tiến hành giảm bớt các đầu mối giao tiếp với khách hàng, rà soát, đơn giản hóa thủ tục, tạo sự thuận tiện cho khách hàng đến tìm hiểu và ký hợp đồng; tổ chức các đoàn công tác trực tiếp đến với các chủ hàng lớn, chủ hàng truyền thống để cung cấp thông tin và hướng dẫn những thay đổi trong quá trình kinh doanh vận tải hàng hóa cho phù hợp với tổ chức mới của khối vận tải ĐS. Về điều hành, tổ chức chạy tàu, Tổng công ty ưu tiên cấp xe xếp hàng đối với khách hàng đi đường dài; linh hoạt trong điều hành, cấp xe, sử dụng xe để vừa giải quyết nhu cầu khách hàng, lại vừa tận dụng chiều kéo toa xe rỗng để chở hàng; đầu tư trang bị thêm phương tiện xếp dỡ hàng hóa tại một số ga hàng hóa trọng điểm, làm việc với các chủ hàng để phối hợp chặt chẽ trong việc dỡ hàng tại ga nhằm nhanh chóng giải phóng toa xe… Đồng thời tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án cải tạo, nâng cấp trên các tuyến ĐS.


Với những giải pháp đã thực hiện, công tác kinh doanh vận tải hàng hóa tháng 4/2014 đã có những tiến triển rõ rệt. Theo số liệu từ Trung tâm Điều hành Vận tải ĐS, tính từ 1/4/2014 đến ngày 28/4/2014, tấn xếp hàng hóa thực hiện đạt 590.184 tấn, tăng 9,9%; doanh thu đạt 151,582 tỷ đồng, tăng 16,78% so với tháng 3/2014;…


Hiện nay, Tổng công ty tiếp tục khảo soát để đầu tư nâng cấp hệ thống kho, bãi, mở rộng một số ga hàng hóa, đầu tư trang thiết bị xếp dỡ hàng hóa, đóng mới 250 toa xe hàng. Đồng thời đề xuất Bộ GTVT cho phép đầu tư nâng cấp đồng bộ tải trọng cầu đường trên toàn tuyến; khẩn trương triển khai thực hiện dự án về cải tạo, nâng cấp 10 ga (kéo dài đường ga và đặt thêm các đường ga) trên đoạn tuyến Sài Gòn - Nha Trang nhằm tăng năng lực thông qua… Về lâu dài, chắc chắn rất cần sự đầu tư từ Nhà nước để tạo sự phát triển mang tính đột phá về kết cấu hạ tầng ĐS.


Ngô Vinh