Tin tức & Sự kiện

15:14 | 06/06/2012

Lãnh đạo ĐSVN kiểm tra công tác thực hiện kế hoạch SXKD ở Liên hiệp Sức kéo ĐS

Ngày 31-5-2012, đồng chí Phạm Công Trịnh – Phó Tổng giám đốc ĐSVN kiểm tra công tác thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh vận tải năm 2012, tình hình sử dụng vốn vay ngắn hạn phục vụ SXKD; công tác khai thác, vận dụng đầu máy của Liên hiệp Sức kéo ĐS. 

Trong thời gian qua, Liên hiệp Sức kéo ĐS đã triển khai, cụ thể hóa nội dụng văn bản 904/ĐS–KDVT tới các xí nghiệp đầu máy (ĐM) làm cơ sở xây dựng kế hoạch vận dụng ĐM năm 2012 theo số đôi tàu đăng ký vận dụng khai thác của các công ty vận tải ĐS; đồng thời, yêu cầu các xí nghiệp ĐM tính toán lại các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật (KTKT), sản lượng sản phẩm tác nghiệp và chi phí sản xuất năm 2012 phù hợp với các yếu tố chi phí mà ĐSVN đã giao cho Liên hiệp Sức kéo ĐS trong năm 2012. Sau khi các xí nghiệp ĐM báo cáo kế hoạch vận dụng ĐM, cung cấp sức kéo theo số đôi tàu các công ty vận tải ĐS đã đăng ký, Liên hiệp Sức kéo ĐS tổ chức thẩm định và giao kế hoạch SXKD năm 2012 tới từng xí nghiệp ĐM trên cơ sở văn bản 904/ĐS–KDVT. Tuy nhiên, khi cân đối giữa nhiệm vụ sản xuất trong toàn Liên hiệp Sức kéo ĐS với chi phí ĐSVN giao tại văn bản 904/ĐS–KDVT đã phát sinh một số khó khăn. Cụ thể: Với yếu tố vật liệu (phụ tùng cung cấp cho công tác sửa chữa ĐM), năm 2012 do tích lũy km chạy nên sản lượng sửa chữa ĐM, nhất là các cấp sửa chữa lớn từ cấp R2 đến cấp Rk tăng đột biến so với năm 2011, cụ thể: cấp R2 đến cấp Rk năm 2011 thực hiện sửa chữa 209 ĐM (cấp R2 là 123 ĐM, cấp R3 là 1 ĐM, cấp Rk 58 ĐM). Kế hoạch năm 2012 sửa chữa cấp R2 đến Rk là 257 ĐM, tăng 48 ĐM (cấp R2 tăng 13 ĐM, cấp R3 tăng 9 ĐM, cấp Rk tăng 26 ĐM) đã làm tăng chi phí phụ tùng đối với công tác sửa chữa ĐM trên 23 tỷ đồng. Năm 2012, các ĐM đến hạn phải thay mâm bánh xe và băng đa bánh xe là 71 lượt ĐM; trong đó, có 10 ĐM phải vào xưởng sửa chữa lớn (SCL) thay mâm bánh xe và 61 ĐM trong kế hoạch sửa chữa thường xuyên (việc thay mâm bánh xe không phải thay thường xuyên hàng năm mà từ 8 đến 10 năm mới đến hạn độ phải thay mới). Theo tính toán, kinh phí thay mâm và băng đa bánh xe xấp xỷ 22 tỷ đồng (SCL 3,244 tỷ đồng, chi phí trong vận doanh 18,753 tỷ đồng). Năm 2012, nhiệm vụ ĐSVN giao triển khai sử dụng thiết bị đuôi tàu (TBĐT) thay thế toa trưởng tàu hàng trên tất cả các tuyến ĐS; vì vậy, chi phí cho việc sửa chữa và bảo dưỡng TBĐT dự kiến khoảng 1,25 tỷ đồng. Theo tính toán, tổng chi phí về yếu tố vật liệu so với kế hoạch ĐSVN giao Liên hiệp Sức kéo ĐS năm 2012 thiếu khoảng 43,01 tỷ đồng.

Hiện nay, bình quân chi phí để mua nhiên liệu chạy tàu ở Liên hiệp Sức kéo ĐS khoảng 80 tỷ đồng/tháng; trong khi đó, kinh phí tạm ứng của các công ty vận tải ĐS chuyển (trả) cho Liên hiệp Sức kéo ĐS mới chỉ đủ mua nhiên liệu chạy tàu, chưa có kinh phí để mua phụ tùng và chi phí phục vụ sản xuất. Trong kế hoạch năm 2012, Liên hiệp Sức kéo ĐS đã đề nghị ĐSVN điều chỉnh, bổ sung chi phí lãi vay vốn lưu động cho Liên hiệp Sức kéo ĐS.

Đối với công tác khai thác, vận dụng ĐM ở Liên hiệp Sức kéo ĐS vẫn còn một số bất cập, khó khăn. Chỉ tính trong tháng 5-2012 (từ ngày 1 đến 18-5-2012), tổ chức chạy 8 đôi tàu HBĐ (Đông Hà – Bỉm Sơn) thì phải ghép ĐM 10 chuyến tàu để có ĐM kéo tàu gây lãng phí nhiên liệu, tăng chi phí tiền lương, chi phí sức kéo. Việc sử dụng ĐM dồn ở một số ga không hiệu quả…

Sau khi nghe báo cáo của Liên hiệp Sức kéo ĐS, ý kiến đại diện các phòng, ban…, Phó Tổng giám đốc ĐSVN Phạm Công Trịnh biểu dương Liên hiệp Sức kéo ĐS đã tích cực, khẩn trương, chủ động, đảm bảo cung cấp đủ ĐM kéo tàu khách, tàu hàng, phục vụ thoi dồn… Hiện nay, một số điểm lượng hàng hóa sụt giảm, bất bình hành dẫn đến công tác điều phối ĐM, điều động nhân công lái tàu, phụ lái tàu… chưa hợp lý, gây lãnh phí sức kéo, lãng phí nhiên liệu, nhân lực. Để có cơ sở phân tích tiêu hao nhiên liệu, chi phí nhân công, quy kết trách nhiệm cá nhân, tập thể…, Phó Tổng giám đốc đề nghị Liên hiệp Sức kéo ĐS, các ban chức năng ĐSVN thống kê cụ thể các chuyến tàu phải ghép ĐM; số lần đã tổ chức cho ban lái tàu lên ban, đưa ĐM ra kho nhưng phải bãi bỏ (trả ĐM về kho) do bãi bỏ tàu hàng. Về những ý kiến đề xuất, kiến nghị của Liên hiệp Sức kéo ĐS (bỏ ĐM dồn tại một số ga, sử dụng ĐM tàu đường dài để kiêm dồn dọc đường, chất lượng hãm đoàn xe hàng, xử lý chất thải, công tác điều hành chỉ huy chạy tàu, điều chỉnh chi phí…), Phó Tổng giám đốc yêu cầu các ban chức năng ĐSVN khẩn trương xem xét, tham mưu kịp thời cho lãnh đạo ĐSVN để tháo gỡ khó khăn, đảm bảo công tác SXKD Liên hiệp Sức kéo ĐS đúng chỉ tiêu kế hoạch ĐSVN đã giao…