Năm 2024 quyết tâm nâng sản lượng vận chuyển apatit
Chiều ngày 23/1/2024, Tổng công ty ĐSVN và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã tổ chức hội nghị sơ kết công tác vận chuyển apatit và phân bón, hóa chất năm 2023 và kế hoạch vận chuyển năm 2024. Ông Hoàng Gia Khánh - Tổng giám đốc ĐSVN và ông Phùng Quang Hiệp - Tổng giám đốc VINACHEM đồng chủ trì hội nghị.
Để đạt được khối lượng vận chuyển apatít tăng trưởng cao, bảo đảm an toàn chạy tàu, an toàn hàng hóa (apatít), ngay từ đầu năm 2023, VNR và VINACHEM đã thành lập Ban chỉ đạo phối hợp vận chuyển apatít gồm lãnh đạo chủ chốt của các đơn vị tham gia vận chuyển apatít. Ban chỉ đạo đã bám sát tình hình sản xuất, kịp thời tham mưu giải quyết các sự cố, ách tắc, trở ngại phát sinh trong quá trình vận chuyển, yêu cầu các đơn vị có biện pháp khắc phục ngay những tồn tại, bất cập…
Theo thống kê năm 2023, tổng khối lượng vận chuyển cả Apatit và sản phẩm khác bằng đường sắt của các đơn vị thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đạt 1.093.736 tấn bằng 103% cùng kỳ năm 2022.
Công ty CPVT ĐS Hà Nội đã cố gắng nâng cao chất lượng toa xe vận chuyển, giữ ổn định giá cước và có chính sách hợp lý trong vận chuyển đối với các đơn vị thuộc Tập đoàn HCVN nhất là với mặt hàng phân bón so với mặt bằng chung giá cước vận tải ĐS. Bên cạnh đó, phối hợp với Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam nhằm kiểm soát tốt trọng tải xếp hàng, kiểm soát hiệu quả thời gian toa xe trong đường sắt công nghệ mỏ (năm 2023 là 25,2 giờ, giảm nhẹ so với 2022); lên kế hoạch ưu tiên sử dụng kho bãi đường sắt trong vận chuyển, lưu kho sản phẩm cho các đơn vị thuộc Tập đoàn HCVN, giảm áp lực vận chuyển, tập kết hàng theo mùa vụ...
Trong năm qua, hai bên đã bước đầu đẩy mạnh việc hợp tác phát triển, tăng cường mối quan hệ và phát huy tiềm năng giữa các đơn vị hai bên trong ưu tiên sử dụng sản phẩm, dịch vụ của nhau như Thỏa thuận hợp tác giữa Công đoàn ĐSVN và Công ty Cổ phần Xà phòng Hà Nội, ưu đãi tốt về giá đến tất cả cấp Công đoàn...
Về kế hoạch năm 2024, các đơn vị thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã sơ bộ đăng ký kế hoạch vận chuyển Apatit năm 2024 với tổng khối lượng là 1.105.000 tấn. Mặt hàng phân bón hóa chất và sản phẩm khác các đơn vị tùy theo thực tế sản xuất, tiêu thụ và nhu cầu thị trường sẽ đăng ký theo từng quý, quý I và II/2024 các đơn vị đã đăng ký 44.600 tấn và 55.100 tấn. Cả năm phấn đấu đạt 250.000 tấn. Như vậy với tổng khối lượng vận chuyển Apatit và sản phẩm khác dự kiến theo kế hoạch năm 2024 khoảng 1.355.000 tấn, bằng 123,8% so với thực hiện năm 2023 (1.093.736 tấn).
Để phấn đấu thực hiện vận chuyển hết khối lượng đã đề ra cho năm 2024, các đơn vị thuộc 2 ngành cần thực hiện tốt một số công việc sau:
Về phía ĐSVN, VNR cam kết đảm bảo cấp đủ hành trình; chỉ đạo các công ty CPVTĐS ưu tiên cấp tối đa toa xe về số lượng và chất lượng cấp xếp Apatit và vận chuyển sản phẩm khác của các nhà máy phân bón theo kế hoạch và nhu cầu đột xuất.
Chỉ đạo Công ty CPVTĐS Hà Nội tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, đồng thời chủ động trao đổi xây dựng chính sách giá cước ổn đinh, thực hiện vận chuyển trọn gói, linh hoạt với từng nhà máy, từng tuyến đường và mặt hàng. Ổn định giá cước năm 2024, đồng thời trong điều kiện đảm bảo hiệu quả kinh doanh có chính sách phù hợp giảm giá vận chuyển các mặt hàng phân bón cho các đơn vị thuộc Tập đoàn HCVN. Cân đối lượng xe cấp lên đường sắt mỏ bình hành thời gian, đủ về số lượng theo nhu cầu kế hoạch tạo điều kiện cho công tác giao nhận, giảm thời gian toa xe trong đường sắt CN mỏ; tiếp tục quan tâm cải thiện tốt hơn chất lượng toa xe hàng...
Về phía Tập đoàn HCVN chỉ đạo các đơn vị thành viên xây dựng cụ thể, rà soát kế hoạch vận chuyển tổng thể lượng apatit năm 2024, chốt sản lượng cần vận chuyển theo cơ cấu từng loại quặng từng Quý để có kế hoạch chính xác nhất đảm bảo hiệu quả trong hợp tác vận chuyển giữa hai Bên, đề nghị bám sát và thông báo với phía Đường sắt khi có biến động để phối hợp thực hiện.
Các đơn vị thuộc Tập đoàn HCVN tiếp tục rà soát nhu cầu sửa dụng kho bãi đường sắt trong vận chuyển hàng hóa theo tuyến đường, khu vực vận chuyển; xem xét việc ký hợp đồng trực tiếp với các Công ty CPVTĐS, tận dụng ưu thế mỗi bên để tối ưu hiệu quả trong sản xuất kinh doanh và tăng sản lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt.
Thông qua Ban chỉ đạo và Tổ thường trực, các Nhà máy sản xuất phân bón cần thông tin kịp thời cho phía Tổng công ty ĐSVN về các sự cố, trở ngại... ảnh hưởng đến sản xuất hoặc các trường hợp phải ngừng, giảm lượng quặng tiếp nhận để điều chỉnh kế hoạch chạy tàu cho phù hợp, hiệu quả.