Tin tức & Sự kiện

23:15 | 08/12/2022

Nâng cao năng lực vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt đến năm 2030

Tại công văn 8216/VPCP-CN ngày 7/12/2022, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam vừa có ý kiến về phương án nâng cao năng lực vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt đến năm 2030.

Cụ thể, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương lập các quy hoạch theo quy định để cụ thể hóa Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ).

Bộ Giao thông vận tải quyết định và chịu trách nhiệm toàn diện về việc cho phép một số ga đường sắt được tạm khai thác hoạt động liên vận quốc tế.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có kế hoạch đầu tư phương tiện, thiết bị đảm bảo hiệu quả đầu tư kết cấu hạ tầng, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa liên vận quốc tế.

Các bộ, cơ quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có liên quan phối hợp thực hiện phương án nâng cao năng lực vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt.

Được biết, trước đó Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa chính thức có công văn trình Thủ tướng Chính phủ phương án nâng cao năng lực vận tải liên vận quốc tế bằng đường sắt đến năm 2030.

Mục tiêu chính của phương án này là nhằm nâng sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu bằng đường sắt từ 1,1 triệu tấn vào năm 2021 lên 4 - 5 triệu tấn vào năm 2030, trong đó, hàng đi tuyến Bắc - Nam, Hà Nội - Đồng Đăng đạt sản lượng 3 triệu tấn/năm; tuyến Hải Phòng - Yên Viên - Lào Cai là 1,5 triệu tấn/năm.

Ngoài việc đầu tư tăng năng lực kết cấu hạ tầng khu ga liên vận đường sắt quốc tế, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT chịu trách nhiệm công bố các ga có hoạt động liên vận đường sắt quốc tế tương tự công bố cảng biển quốc tế, cảng hàng không quốc tế.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam rà soát, có kế hoạch đầu tư phương tiện, thiết bị, bao gồm đầu máy, toa xe đủ tiêu chuẩn đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa liên vận quốc tế.

Trước đó, tại Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 7/3/2022, Chính phủ đã giao Bộ GTVT chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nghiên cứu, xây dựng phương án nâng cao năng lực, sản lượng vận tải đường sắt liên vận quốc tế phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3/2022.

Trong phương án đã được tiếp thu hoàn chính trên cơ sở góp ý của 7 bộ, ngành liên quan, Bộ GTVT cho biết, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tình hình chính trị thế giới tiếp tục biến động, giá nhiên liệu tăng cao làm chi phí vận tải đường bộ tăng, dẫn đến xu hướng chuyển dịch sang vận tải đường sắt.

Đặc biệt, trong bối cảnh các tập đoàn đa quốc gia tái cơ cấu chuỗi cung ứng, nhu cầu vận chuyển hàng hóa liên vận quốc tế bằng đường sắt giữa Việt Nam - Trung Quốc và quá cảnh đi châu Âu, Nga, Mông Cổ, các nước Trung Á tăng cao nhằm tận dụng ưu thế về tốc độ so với hàng hải và lợi thế về chi phí so với vận tải hàng không.

Ông Nguyễn Hoàng Thanh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại đường sắt (Ratraco) - đơn vị đang khai thác thành công tuyến vận tải đường sắt quốc tế từ ga Yên Viên tới Liege (Bỉ) - cho biết, kể từ khi thiết lập đoàn tàu đầu tiên vào tháng 7/2021 đến nay, Ratraco liên tục nhận được đơn hàng vận chuyển, gồm điện tử, hàng dệt may, giày da, hóa mỹ phẩm, thực phẩm đông lạnh, trái cây.

Hiện tuyến vận tải liên vận quốc tế đường sắt của Ratraco được quá cảnh Trung Quốc sang Nga, EU, xuất phát tại ga Yên Viên vào ngày thứ Tư và Chủ nhật hằng tuần theo phương thức vận chuyển container hàng liên vận quốc tế đến ga Đông Anh/Yên Viên bằng toa xe khổ 1 m, thực hiện tiếp chuyển sang toa xe đường sắt Trung Quốc khổ 1,435 m, rồi quá cảnh qua Trung Quốc theo tuyến Đông Anh/Yên Viên - Đồng Đăng - Bằng Tường.

Về thời gian vận chuyển, tàu xuất phát tại ga Yên Viên sẽ đến ga Almaty (Kazakhstan) sau 12 - 14 ngày, đến ga Moscow (Nga) sau 23 - 25 ngày, đến ga Duisburg (Đức) sau 25 - 26 ngày.

“Có thể, hiệu quả kinh tế trực tiếp từ việc chạy tàu liên vận qua đường sắt Trung Quốc đi châu Âu chưa lớn, nhưng ở tầm vĩ mô, hiệu quả lan tỏa rất lớn, vì sẽ thêm một kênh vận chuyển hữu hiệu cho hàng xuất khẩu của Việt Nam”, ông Nguyễn Ân, chuyên gia đường sắt đánh giá.

Đã cân đối được vốn

Trong công văn trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT cho biết, quá trình đầu tư tăng năng lực kết cấu hạ tầng khu ga đường sắt sẽ được chia làm 2 giai đoạn.

Giai đoạn I (2022 - 2025), Bộ GTVT sẽ huy động khoảng 3.500 tỷ đồng từ ngân sách để tập trung nâng cấp 7 ga đường sắt liên vận quốc tế hoặc được quy hoạch là ga liên vận quốc tế, gồm: Đồng Đăng, Lào Cai, Kép, Vật Cách, Kim Liên, Diêu Trì, Sóng Thần.

Hiện tại, trên các tuyến đường sắt phía Bắc, có ga 2 (Đồng Đăng, Vật Cách) đã cân đối được vốn, lên kế hoạch đầu tư trong giai đoạn 2022 - 2024 với chi phí 470 tỷ đồng. Trên tuyến đường sắt Bắc - Nam, 2 ga Kim Liên (Đà Nẵng) và Sóng Thần (Bình Dương) đã được lên kế hoạch đầu tư trong giai đoạn 2022 - 2025 với kinh phí khoảng 2.300 tỷ đồng.

Các hạng mục chủ yếu được đầu tư, nâng cấp tại các ga này là cải tạo các kho hàng hiện hữu; xây mới bãi hàng container theo tiêu chuẩn mặt đường sân bay; bổ sung đường sắt trong ga, khu chỉnh bị đầu máy - toa xe.

“Đây là nhu cầu đầu tư tối thiểu để có thể nâng năng lực khai thác đường sắt liên vận quốc tế lên 4 -5 triệu tấn vào năm 2030, trước khi ngành đường sắt nhận được nguồn lực lớn hơn”, lãnh đạo Bộ GTVT thông tin.

Theo Bộ GTVT, vấn đề cần kíp nhất lúc này là công bố các ga có hoạt động liên vận đường sắt quốc tế tương tự công bố cảng biển quốc tế, cảng hàng không quốc tế.

Hiện trên hệ thống đường sắt Việt Nam có 14 ga có nhu cầu vận tải liên vận quốc tế, trong đó có 7 ga đã công bố liên vận quốc tế, 7 ga chưa được công bố (Đông Anh, Kép, Sen Hồ, Kim Liên, Diêu Trì, Trảng Bom, Vật Cách).

“Nếu không được công bố ga liên vận quốc tế sẽ không đủ điều kiện mở chi nhánh hải quan tại các ga, làm hạn chế hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, năng lực vận tải bằng đường sắt. Việc công bố ga liên vận quốc tế không gây thất thoát, lãng phí, nhưng mang lại lợi ích lớn cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, khai thác hiệu quả các ga đường sắt hiện có, giảm chi phí vận tải, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”, ông Nguyễn Danh Huy, Thứ trưởng Bộ GTVT thông tin.