Người dân thuận lợi khi mua vé tàu Tết Giáp Thìn 2024
Theo kế hoạch, đúng 8 giờ sáng 20/10 mới mở bán chính thức, nhưng ngay từ 6 giờ, đã có khá đông hành khách đến ga để lấy số thứ tự mua vé tàu Tết Giáp Thìn 2024. Không khí nhà ga khá nhộn nhịp, bởi chỉ trong giờ đầu mở bán đã có khoảng 300 hành khách tới lấy số thứ tự mua vé, đông hơn nhiều so với năm trước.
Để quy trình mua vé được nhanh chóng, Chi nhánh vận tải đường sắt Sài Gòn đã chuẩn bị sẵn các phiếu để khách hàng điền thông tin trước khi đến quầy mua vé. Lực lượng hướng dẫn, thanh niên tình nguyện và an ninh trật tự được bố trí đầy đủ để hỗ trợ khách hàng.
Dịp Tết năm nay, ngành đường sắt dự kiến cung ứng khoảng hơn 200.000 chỗ, với 390 chuyến tàu; mỗi người được mua tối đa 10 vé mỗi chiều. So với năm trước, giá vé Tết Nguyên đán 2024 tăng từ 1-4%, tùy theo ghế ngồi, loại tàu. .
Vé cá nhân được bán qua các kênh: website www.dsvn.vn, vetau.com.vn, giare.vetau.vn; tại các nhà ga, các điểm bán vé và đại lý bán vé thuộc đường sắt Việt Nam; ứng dụng ví điện tử Momo, VNPay, ZaloPay, ViettelPay, app bán vé tàu trên thiết bị di động; Tổng đài bán vé Sài Gòn 19001520, Hà Nội 19000109…
Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Chi nhánh vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết, tính đến 10 giờ sáng 20/10, hệ thống bán vé ghi nhận gần 16.300 vé được đặt thành công; trong đó, có 9.000 vé tàu trước Tết, 7.300 vé tàu sau Tết. Số vé đã thực hiện thanh toán là hơn 13.700 vé.
Trước đó, từ ngày 15/10 đến ngày 19/10, ngành đường sắt mở bán vé tập thể cho các đối tượng ưu tiên thuộc các đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, trường đại học, cao đẳng, khu công nghiệp, khu chế xuất, các tổ chức xã hội… với số vé đã bán ra trong 5 ngày là 3.400 vé.
Những khuyến cáo đến hành khách
Theo Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn, những năm gần đây, vào những dịp lễ, Tết, trên các trang mạng xã hội xuất hiện hiện tượng bán lại vé tàu, hoặc giả làm nhân viên đại lý, nhân viên đường sắt nhận tiền mua vé của khách rồi sau đó cắt liên lạc. Do vậy, ngành Đường sắt khuyến cáo, hành khách không nên mua vé tàu được rao bán trên mạng xã hội.
Hành khách chỉ được vào ga và đi tàu trong trường hợp thông tin trên giấy tờ tùy thân của hành khách trùng khớp với thông tin trên Thẻ lên tàu, bao gồm họ và tên, số CCCD/ CMND/ giấy khai sinh/ hộ chiếu.
Ngoài ra, trên mạng xã hội xuất hiện một số website bán vé tàu giống tên miền website của ngành Đường sắt. Do vậy, nhiều hành khách, đặc biệt là khách nước ngoài đã hiểu nhầm website đó là của ngành Đường sắt và mua vé với giá cao hơn so với quy định.
Để bảo đảm quyền lợi cho hành khách, tránh mua phải vé giả, hoặc vé không đúng với quy định, ngành Đường sắt hướng dẫn hành khách kiểm tra lại vé điện tử của mình trên website bán vé của đường sắt.
Người dân cần hết sức chú ý bởi vé mua từ “cò mồi”, “chợ đen” sẽ không có giá trị đi tàu. Hiện, ngành Đường sắt cũng đã giới hạn số lượng vé bán cho mỗi lượt mua nhằm ngăn chặn các vấn đề có thể xảy ra.