Tin tức & Sự kiện

08:33 | 15/08/2014

Nhìn lại 1 năm bàn giao mác tàu SE

Ngày 1/4/2013, Tổng công ty ĐSVN chính thức giao 2 công ty VTHK ĐS Hà Nội, Sài Gòn quản lý 4 mác tàu SE theo nguyên tắc mỗi công ty quản lý trọn vẹn 2 mác tàu SE (4 ram xe mỗi mác tàu) – có thể nói đây là một trong những bước chuẩn bị cho việc tiến tới hoạt động theo mô hình công ty cổ phần của 2 công ty (năm 2015) theo Đề án Tái cơ cấu Tổng công ty ĐSVN giai đoạn 2012-2015, đồng thời nhằm nâng cao chất lượng phục vụ HK, tạo dựng thương hiệu riêng.

Khi thực hiện giao mác tàu, đã không tránh khỏi một số băn khoăn, nghi ngờ: Liệu có dẫn tới sự cạnh tranh không lành mạnh? Liệu có đem lại hiệu quả như mong muốn?... Thực tiễn hơn một năm thực hiện triển khai giao mác tàu SE một cách thông suốt, chất lượng phục vụ trên các mác tàu này ngày càng được nâng lên… đã trả lời cho những băn khoăn đó.

 

HK-lentau

Hướng dẫn hành khách lên tàu.


Vượt qua khó khăn


Căn cứ vào xác định doanh thu, hành trình các mác tàu cũng như các ý kiến, đề xuất của các công ty, Tổng công ty ĐSVN đã giao: Công ty VTHK ĐS Hà Nội phụ trách, quản lý, khai thác 2 mác tàu SE1/2 và SE5/6; Công ty VTHK ĐS Sài Gòn phụ trách mác tàu SE3/4 và SE7/8. Mục tiêu đặt ra khi giao mác tàu SE cho 2 công ty vận tải phụ trách là vậy nhưng vẫn còn không ít vấn đề cần giải quyết sao cho việc triển khai được thông suốt, thuận lợi như: sự chênh lệch về chất lượng, số lượng giữa các ram xe của các mác tàu thuộc 2 công ty quản lý; giá vé các mác tàu khác nhau dẫn đến doanh thu khác nhau; các yếu tố hành trình, các ga đỗ nhận trả khách theo biểu đồ chạy tàu của mỗi mác tàu, phương án bán vé của các mác tàu ảnh hưởng lớn đến doanh thu… Để giải quyết các vấn đề trên và cũng để đảm bảo các công ty quản lý các đôi tàu hiệu quả, không ảnh hưởng nhiều đến doanh thu, đặc thù trong công tác quản lý, vận dụng và sửa chữa toa xe… của các đơn vị; Tổng công ty ĐSVN đã qui định: Tổng công ty ĐSVN quản lý, ban hành giá vé tàu Thống Nhất; các công ty vận tải quản lý phương án bán vé các mác tàu do công ty quản lý cả 2 chiều; công tác phục vụ ăn uống trên mác tàu SE của công ty nào quản lý thì các đơn vị thành viên thuộc công ty đó đảm nhiệm…


Mặc dù đã có những bước chuẩn bị chu đáo nhưng thời gian đầu sau khi chính thức giao mác tàu, 2 công ty vẫn gặp những khó khăn, nhất là về kỹ thuật toa xe. Do các công ty có biện pháp quản lý kỹ thuật, vật tư, phụ tùng toa xe khác nhau nên sau khi bàn giao đã có “độ vênh” giữa toa xe đang quản lý và toa xe tiếp nhận, phải mất thời gian tìm hiểu, điều chỉnh. Ngoài ra, doanh thu các mác tàu do Công ty VTHK ĐS Sài Gòn quản lý cao hơn doanh thu các mác tàu do Công ty VTHK ĐS Hà Nội quản lý, yếu tố này càng khiến người khác “nghi ngờ” sẽ có “sự cạnh tranh không lành mạnh” giữa 2 công ty, đặc biệt trong công tác bán vé tại ga. Tuy nhiên, qua khảo sát, tính toán cụ thể doanh thu từng mác tàu, từng vòng quay, nguyên nhân chính là do giá vé tàu SE3/4 cao nhất trong khi giá vé tàu SE5/6 thấp hơn SE7/8; vì vậy Tổng công ty ĐSVN đã điều chỉnh giá vé các mác tàu.


Đặc biệt, để đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất của các bộ phận, các chức danh liên quan và đảm bảo công tác phục vụ vận tải thuận lợi, thu hút HK, góp phần nâng doanh thu từng công ty nói riêng và toàn ngành nói chung, 2 công ty đã họp bàn và thống nhất ký Quy chế phối hợp tổ chức quản lý và khai thác các ram tàu SE và các ram tàu TN quay chung với những qui định cụ thể, chi tiết về cắt, nối xe, phương án bán vé, vận chuyển hành lý… Ngoài ra, đến đợt phục vụ vận chuyển HK dịp cao điểm hè, lễ, Tết… 2 công ty thống nhất trao đổi phối hợp xây dựng phương án phù hợp, đảm bảo hiệu quả SXKD.


Hiệu quả thiết thực


“Việc bàn giao mác tàu tạo điều kiện cho 2 công ty có sản phẩm riêng để thi đua xây dựng thương hiệu, xây dựng hình ảnh đối với từng mác tàu, hình ảnh nhân viên phục vụ, từ đó nâng cao chất lượng phục vụ”. – ông Đinh Văn Sang, Phó Tổng giám đốc Công ty VTHK ĐS Sài Gòn cho biết. Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Bính – Phó Tổng giám đốc Công ty VTHK ĐS Hà Nội cho rằng: “Đây là cạnh tranh về ý thức, tư duy của lãnh đạo, đội ngũ phục vụ sao cho khẳng định màu sắc riêng, chất lượng phục vụ của từng đơn vị cũng như hình ảnh ngành ĐS nói chung nên trong quản lý chỉ đạo, 2 công ty đều lấy kết quả thu hút HK, nâng cao doanh thu chung là hiệu quả cao nhất”. Chính vì vậy, việc mỗi công ty xây dựng, triển khai các biện pháp trong quản lý mác tàu cùng sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời đã đưa việc giao mác tàu nhanh chóng đi vào ổn định, thông suốt và đem lại hiệu quả thiết thực.


Về quản lý toa xe của các mác tàu được giao, 2 công ty chủ động cắt giảm hoặc nối thêm toa xe do công ty mình quản lý, khai thác nên đạt hiệu quả cao hơn trong khai thác toa xe, nhất là điều chỉnh linh hoạt theo nhu cầu thực tiễn. Khi vào chiến dịch vận tải, việc quay nhanh ram xe, quay chung, cắt chặng được suôn sẻ, thống nhất cao hơn. Các công ty cũng chủ động hơn trong công tác chỉnh bị, nâng cao chất lượng toa xe phục vụ HK, như: Công ty VTHK ĐS Hà Nội đưa các toa xe đẹp nhất, phù hợp nhất vào các mác tàu được giao; Công ty VTHK ĐS Sài Gòn thực hiện đợt chỉnh bị đặc biệt và các biện pháp kỹ thuật để chống lướt hãm toa xe với mác tàu SE3/4 v.v…


Về công tác bán vé, 2 công ty nghiên cứu thực hiện các biện pháp và phối hợp thực hiện các phương án theo đợt, “mùa vụ” sao cho vừa tạo điều kiện thuận lợi, đáp ứng tối đa nhu cầu HK vừa đạt hiệu quả cao về doanh thu. Đó là: thống nhất bán vé cắt chặng sớm trong đợt vận chuyển hè phục vụ khách du lịch đường ngắn để chủ động bán vé nối chặng sớm nên tỷ lệ lấp chỗ của các mác tàu tương đối cao; dành một chỗ nhất định để bán cho HK đi chặng xa cận ngày…


Hiệu quả rõ nét của việc bàn giao mác tàu là chất lượng phục vụ được nâng cao – kết quả từ việc 2 công ty thi đua thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng phục vụ. Với Công ty VTHK ĐS Sài Gòn là đầu tư các trang thiết bị phục vụ HK, từ các chi tiết nhỏ nhất phải đảm bảo kỹ, mĩ thuật; triệt để chống mùi hôi đoàn tàu, đồng thời tạo hương thơm đoàn tàu; xây dựng và ban hành các quy chuẩn trong công tác phục vụ từ trang phục, tư thế, tác phong đến thái độ giao tiếp, ứng xử với HK… Với Công ty VTHK ĐS Hà Nội là tập trung đội ngũ nhân viên phục vụ có trình độ, kỹ năng giao tiếp tốt phục vụ HK trên các mác tàu được giao; tập trung các điều kiện tốt nhất cho công tác phục vụ trên 2 mác tàu; tăng cường công tác kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh, bổ cứu các tồn tại, thiếu sót; phun hóa chất khử mùi trong các toa xe…


Theo ông Nguyễn Văn Bính, với quan điểm coi Công ty VTHK ĐS Sài Gòn là người bạn phải thi đua trong SXKD, từ đó với tinh thần cầu thị, Công ty VTHK ĐS Hà Nội đã học tập đơn vị bạn trong công tác nâng cao chất lượng phục vụ như đội ngũ nhân viên phục vụ HK chính quy hơn về tác phong, trang phục, quy trình… Bản thân nhân viên phục vụ cũng học tập kinh nghiệm của đồng nghiệp ở đơn vị bạn trong công việc; đồng thời khi chính quy hơn về trang phục, đội hình, qui trình sẽ thôi thúc lòng tự trọng của nhân viên, từ đó trong giao tiếp, phục vụ HK cũng lịch sự, chu đáo hơn.


Theo lộ trình, từ năm 2015, 2 công ty VTHK ĐS Hà Nội, Sài Gòn sẽ chuyển đổi thành công ty TNHH MTV và đầu năm 2016 sẽ chuyển đổi thành các công ty cổ phần. Để chuyển đổi và hoạt động theo mô hình mới, còn rất nhiều việc phải làm, nhiều khó khăn, thách thức, nhưng hiệu quả tích cực của hơn 1 năm “tập dượt” quản lý mác tàu vừa qua sẽ là một trong những tiền đề để 2 công ty tự tin hơn với mô hình mới.


TT