Những điều chưa biết về đoàn tàu chuyên container từ Việt Nam sang Bỉ
Tàu xuất phát từ ga Yên Viên (Việt Nam), điểm đến là thành phố Liege (Bỉ), sau đó tiếp chuyển container bằng đường bộ đến điểm đích là thành phố Rotterdam (Hà Lan). Thành phần đoàn tàu gồm 23 container 40 feet, vận chuyển các loại hàng hóa như dệt may, da giày.
Ông Nguyễn Hoàng Thanh, Phó TGĐ Công ty Ratraco - doanh nghiệp đảm nhận thực hiện vận chuyển về phía đường sắt Việt Nam cho biết, hành trình đoàn tàu sẽ đến Trịnh Châu (tỉnh Hà Nam, Trung Quốc) và kết nối vào đoàn tàu Á - Âu để đến điểm đích.
Theo hành trình, tàu sẽ đến Trịnh Châu và kết nối toàn bộ 23 toa xe chở cotainer vào đoàn tàu Á - Âu của Trung Quốc để đi tiếp sang Kazakhstan, qua các nước: Nga - Belarus - Ba Lan - Đức rồi vào Bỉ. Tổng thời gian vận chuyển nếu thuận lợi dự kiến cho toàn bộ hành trình Việt Nam - Bỉ khoảng 25 ngày", ông Thanh thông tin.
“Nói là đoàn tàu chạy thẳng từ Việt Nam đi Bỉ nhưng vẫn kết nối vào tàu Trung Quốc là do đoàn tàu chuyên container sang đến châu Âu của Trung Quốc tối thiểu vận chuyển 41 container và có một điểm xuất phát, một điểm đến. Nhưng đoàn tàu này từ Việt Nam sang có 23 container nên sẽ phải kết nối vào đoàn tàu chuyên container Á - Âu với điểm xuất phát là từ Trịnh Châu, điểm đến là thành phố Liege, không trả hàng các ga dọc tuyến”, ông Thanh giải thích.
Giao - nhận trọn gói “door to door”
Ông Thanh cho biết thêm, đây là đoàn tàu container đầu tiên do Công ty Ratraco kết hợp với các doanh nghiệp vận chuyển, giao - nhận các nước cung cấp chuỗi dịch vụ logistics cho khách hàng từ Việt Nam đến Bỉ.
Trong đó, đường sắt Việt Nam phụ trách vận tải từ Việt Nam sang Trung Quốc, đối tác Trung Quốc đảm nhận vận tải từ Trung Quốc đến Bỉ và sau khi hàng đến Bỉ thì đối tác gom hàng - giao hàng sẽ tổ chức phân phối đến các điểm yêu cầu của khách hàng.
Đường sắt Việt Nam cung cấp toàn bộ dịch vụ hậu cần tại Việt Nam như xuống các cảng để lựa vỏ container, kiểm tra vỏ container và đưa đến các nhà máy để đóng hàng, sau đó đưa về ga tập kết và vận chuyển bằng đường sắt đến ga lập tàu Yên Viên, từ đó sang Trung Quốc để đi tiếp Bỉ.
Về thủ tục, khách hàng tự mở tờ khai xuất khẩu tại nhà máy, còn đường sắt thực hiện các thủ tục hải quan còn lại như xuất hàng tại ga cửa khẩu.
Ông Thanh cho biết, để theo dõi hành trình đoàn tàu, khi tàu xuất phát tại Trung Quốc bắt buộc . Còn từ Việt Nam sang Trung Quốc thì tùy theo lựa chọn dịch vụ của khách hàng, nếu khách hàng có nhu cầu, đường sắt sẽ lắp thiết bị định vị trên container. Trường hợp không có nhu cầu nhưng khi khách hàng cần thông tin vị trí đoàn tàu, đường sắt Việt Nam vẫn sẽ thông báo cho khách hàng.
“Không riêng đoàn tàu này, với các đoàn tàu khác đi châu Âu hiện Đường sắt Việt Nam đang khai thác như đi Nga, Ba Lan, Đức hoặc ngược lại, Đường sắt Việt Nam phối hợp với các đối tác giao - nhận, vận chuyển các nước để cung cấp sản phẩm trọn gói “door to door” cho chủ hàng”, ông Thanh nói và cho biết thêm, chủ hàng cũng có thể lựa chọn các dịch vụ riêng lẻ như: Vận chuyển đường sắt, thủ tục xuất - nhập khẩu, giao hàng...
Hiện nay, Ratraco và đối tác châu Âu đang bắt đầu xây dựng kế hoạch và tổ chức vận chuyển 8 chuyến mỗi tháng xuất phát tại Việt Nam. Dự kiến đoàn thứ hai xuất phát tại Yên Viên ngày 27/7 với các sản phẩm điện tử; đoàn thứ 3 xuất phát ngày 3/8.