Tin tức & Sự kiện

12:05 | 24/04/2014

Nỗ lực “gỡ” khó cho vận tải hàng hóa ĐS

Từ đầu tháng 4-2014, Bộ GTVT đã triển khai cân tải trọng phương tiện giao thông đường bộ trên phạm vi toàn quốc. Nhiều chủ hàng “trung thành” với đường bộ bấy lâu nay phải quay sang tìm phương tiện vận tải khác thay thế bởi giá cước vận chuyển đường bộ tăng lên nhiều lần do phải chở đúng tải trọng - Một trong những phương tiện được chủ hàng ưu tiên lựa chọn chính là tàu hỏa. Tuy nhiên, sau hơn hai tuần qua, dư luận xã hội và nhiều chủ hàng lại phàn nàn, kêu ca vì vận chuyển hàng hóa bằng ĐS quá khó, không xin được toa xe để xếp hàng. Để có cái nhìn đa chiều, xin giới thiệu với bạn đọc thực trạng trong công tác vận tải hàng hóa bằng ĐS những ngày qua do phóng viên Báo ĐSVN đã tìm hiểu và tổng hợp.

Hàng hóa tăng vẫn bất bình hành


Từ nhiều năm qua, vận tải ĐS luôn ở trong tình trạng bất bình hành cả về hàng hóa và hành khách, trong đó tồn tại cả bất bình hành theo mùa vụ, theo chiều và theo tuyến đường. Từ đầu tháng 4-2014, nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng ĐS tăng cao nhưng cũng không thoát khỏi tình trạng bất bình hành nói trên. Theo tìm hiểu của chúng tôi qua các chủ hàng và tại các trọng điểm về hàng hóa của ngành ĐS, nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng ĐS từ đầu tháng 4/2014 tăng khoảng 20% đến 30% so với trước đó và tập trung ở một số mặt hàng chủ yêu như, gạo, đường, cao su. Điều đáng nói là hàng hóa vẫn tăng ở một chiều và một vài tuyến nhất định.
Đối với tuyến Bắc - Nam, hàng hóa vẫn tăng nhiều ở chiều Nam ra Bắc và phần lớn đều có nhu cầu vận chuyển lên tuyến phía Tây để xuất khẩu đi Trung Quốc (chiếm trên 40% khối lượng vận chuyển). Trong khi đó, nhu cầu vận chuyển hàng hóa chiều vào gần như không biến động nhiều, chỉ xuất hiện thêm một khối lượng không nhiều mặt hàng đạm, xi măng từ khu vực Ninh Bình, Bỉm Sơn đi các tỉnh miền Trung.


Đối với tuyến Hải Phòng, nhu cầu vận chuyển mặt hàng gạo tăng cao (trước đây mặt hàng này rất ít); tuy nhiên cũng chỉ tập trung nhu cầu đi Lào Cai. Các tuyến đường khác như: Hà Nội - Đồng Đăng, Đông Anh- Quán Triều, Kép - Hạ Long nhu cầu vận chuyển hàng hóa gần như không biến động và ở mức thấp, kể cả hàng từ khu vực phía Nam và Hải Phòng đi Đồng Đăng, Quán Triều rất ít.
Với sự tăng cao về nhu cầu vận chuyển hàng hóa, cộng thêm bất bình hành lớn về luồng hàng như hiện nay chắc chắn tạo ra nhiều khó khăn trong công tổ chức sản xuất kinh doanh vận tải ĐS, đặc biệt là việc đáp ứng nhu cầu của khách hàng.


“Nhiều sông… đổ về một suối”


Nhu cầu vận chuyển hàng hóa tăng cao quả là điều đáng mừng đối với các nhà kinh doanh vận tải ĐS. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy hàng hóa từ các tuyến ĐS lại chủ yếu tập trung đi về một hướng - tuyến ĐS phía Tây, thì đây lại là một khó khăn lớn đối với công tác tổ chức sản xuất kinh doanh vận tải ĐS, đặc biệt là đối với công nghệ ĐS đơn như hiện nay.


Theo tìm hiểu của chúng tôi, tuyến ĐS phía Tây là tuyến ĐS có năng lực thông qua thấp nhất trong 5 tuyến ĐS. Trong điều kiện bình thường, năng lực thông qua của tuyến ĐS phía Tây đạt khoảng 17 đôi tàu/ngày đêm. Tuy nhiên hiện nay, Tổng công ty ĐSVN đang triển khai thi công sửa chữa, nâng cấp ĐS trên toàn tuyến và một số ga trọng điểm dẫn đến năng lực thông qua của tuyến này giảm, chỉ còn khoảng 15 đôi tàu/ngày đêm.

 

Tauhang-LaoCai

Tàu hàng vào Ga Lào Cai.


Thực tế thời gian qua cho thấy, trước thời điểm Bộ GTVT triển khai kiểm soát chặt tải trọng phương tiện giao thông đường bộ (nhu cầu vận chuyển hàng hóa chưa tăng cao) thì năng lực chạy tàu trên tuyến ĐS phía Tây cũng đã ở tình trạng không dư thừa. Cụ thể: hàng ngày trên tuyến chạy thường xuyên 5 đôi tàu khách; 6 đến 7 đôi tàu vận chuyển apatit - đây là mặt hàng chiến lược với kế hoạch trên 1,7 triệu tấn/năm; 2 đôi tàu chuyên luồng, chuyên tuyến Hải Phòng - Lào Cai; ngoài ra còn các tàu hàng thường, tàu vận chuyển vật tư vật liệu phục vụ thi công trên tuyến;…


Như vậy có thể thấy, gần đây khi nhu cầu vận tải hàng hóa tăng cao lại tập trung từ tất cả các tuyến về tuyến ĐS phía Tây - “nhiều sông đổ về một suối” thì tất yếu dẫn đến việc ách tắc cục bộ; việc ĐS chưa đáp ứng được hết nhu cầu vận chuyển của một số chủ hàng, đặc biệt là các chủ hàng vận chuyển ngắn đường từ các ga khu vực Thanh Hóa, Nam Định, Việt Trì… đi Lào Cai sẽ là điều khó tránh khỏi.


Giải pháp trước mắt và lâu dài


Khi nhu cầu vận tải hàng hóa tăng cao, Tổng công ty ĐSVN đã xác định cần tổ chức tốt công tác sản xuất kinh doanh vận tải để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa của nền kinh tế, chia sẻ và giảm tải cho vận tải đường bộ, đồng thời cũng là cơ hội để tăng sản lượng và doanh thu vận tải hàng hóa. Chính vì vậy, Tổng công ty ĐSVN đã quyết liệt chỉ đạo, nhanh chóng triển khai nhiều giải pháp linh hoạt nhằm nâng cao hiệu quả công tác điều hành, tổ chức sản xuất kinh doanh vận tải. Cụ thể như: chỉ đạo ưu tiên cấp xếp hàng đi xa, điều xe GG một số ngày từ khu vực phía Bắc vào khu vực phía Nam để cấp xếp; chỉ đạo đôn đốc dỡ hàng để lấy xe cấp lại; tăng cường sửa chữa các toa xe cắt móc dọc đường nhanh trả vận dụng, đưa các toa xe đến hạn sửa chữa và đôn đốc sửa chữa nhanh; chỉ đạo quyết liệt việc dỡ hàng tại các ga…


Để đáp ứng nhu cầu về xe xếp từ khu vực Hải Phòng, Bỉm Sơn, Ninh Bình đi Lào Cai, Tổng công ty ĐSVN đã cho phép các đơn vị sử dụng luồng xe H, N vận chuyển apatit để xếp hàng đi khu vực Xuân Giao, vừa giải quyết được nhu cầu của chủ hàng, vừa tận dụng được luồng xe rỗng để tăng sản lượng.


Về việc tổ chức dỡ hàng, giải phóng nhanh toa xe tại khu vực Lào Cai, Tổng công ty ĐSVN đã chỉ đạo Công ty VTHK ĐS Hà Nội làm việc với Công ty CP Apatit Việt Nam và Vinalines Logistics đề nghị phối hợp, tạo điều kiện đưa xe hàng vào dỡ tại ĐS công nghệ Mỏ và cảng ICD nhằm giảm tải cho Ga Lào Cai. Còn tại Ga Lào Cai, Tổng công ty ĐSVN cũng đã chỉ đạo Công ty VTHK ĐS Hà Nội lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng phục vụ dỡ hàng cả ngày lẫn đêm; bố trí thêm lực lượng tổ chức xếp dỡ, đầu tư 2 dây chuyền xếp dỡ cơ giới để tăng năng lực dỡ hàng, giảm thời gian quay vòng toa xe và giảm chi phí xếp dỡ cho chủ hàng,…


Về lâu dài, Tổng công ty ĐSVN đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công sửa chữa, nâng cấp tuyến ĐS phía Tây (khi hoàn thành sẽ tăng năng lực thông qua từ 15% đến 30%); đầu tư dự án đóng mới 250 toa xe hàng và kêu gọi chủ hàng tham gia cải tạo toa xe đáp ứng nhu cầu vận chuyển; đầu tư thiết bị bốc xếp cơ giới tại các ga hàng hóa lớn để tăng năng lực xếp dỡ; tiến hành khảo sát nhu cầu vận chuyển để xây dựng phương án mở rộng ga hàng hóa lớn, xây dựng đường, bãi xếp dỡ nhằm tăng thị phần vận tải ĐS.


Với các giải pháp đồng bộ, từ công tác chỉ đạo điều hành đến công tác đầu tư phát triển về lâu dài, tin rằng công tác vận tải hàng hóa ĐS thời gian tới sẽ có nhiều cải thiện, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng và giảm tải cho phương tiện giao thông đường bộ.


Văn Duy