Phó TGĐ Đặng Sỹ Mạnh chủ trì Hội nghị Tổng kết công tác chống xóc lắc năm 2018
Sáng ngày 21/11/2018, Phó TGĐ Đặng Sỹ Mạnh đã chủ trì Hội nghị Tổng kết công tác chống xóc lắc, đảm bảo chạy tàu êm thuận năm 2018. Tại Hội nghị, các đại biểu đã được lắng nghe chia sẻ về những khó khăn, thuận lợi trong công tác bảo trì kết cấu hạ tầng ĐS, những ảnh hưởng và hiệu quả của công tác chống xóc lắc đến sản xuất kinh doanh… nhằm tìm ra các giải pháp phù hợp chống xóc lắc, đảm bảo chạy tàu êm thuận trong năm 2019. Các đơn vị trực tiếp tham luận tại Hội nghị gồm các Công ty CP ĐS: Hà Hải, Hà Ninh, Nghệ Tĩnh, Nghĩa Bình, Sài Gòn, Phân ban Quản lý KCHTĐS KV1, KV2, Chi Nhánh Xí nghiệp ĐM Đà Nẵng và Công ty CP vận tải ĐS Sài Gòn…
Mạng lưới đường sắt do Tổng công ty được giao quản lý gồm 15 tuyến đường sắt với tổng chiều dài 2.647,466 km; 511,340 km đường ga; 1.840 cầu, 39 hầm cùng 621 ĐN có gác, 380 đường ngang CBTĐ và 488 ĐN biển báo… Kết cấu hạ tầng đường sắt hầu hết là lạc hậu, chắp vá và chưa được vào cấp kỹ thuật, cụ thể: Các tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai, Hà Nội - Đồng Đăng và các đoạn tuyến qua đèo tuyến Thống nhất (Đồng Giao, Khe Nét, Hải Vân, đèo Cả ...) có nhiều đường cong bán kính nhỏ (100 m), độ dốc lớn và dài, ảnh hưởng lớn đến tốc độ chạy tầu và sức kéo đầu máy. Nhiều chủng loại tà vẹt; ray mòn, tật, rỗ… Nền đường qua nhiều khu vực có địa hình phức tạp về địa chất nên thường xuyên không ổn định. Thêm vào đó, với số lượng các điểm giao cắt lớn, đa số các điểm giao cắt không đảm bảo đủ tiêu chuẩn kỹ thuật quy định... Đặc biệt, trên các tuyến còn tồn tại nhiều lối đi dân sinh do người dân tự mở đẫn đền tình trạng đọng nước, phụt bùn nền đá, gây xóc lắc mạnh khi tàu qua…
Phó TGĐ Đặng Sỹ Mạnh chủ trì Hội nghị
Xác định việc giảm thiểu xóc lắc, đảm bảo chạy tàu êm thuận là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng phục vụ hành khách, trong những năm qua, Tổng công ty ĐSVN đã triển khai nhiều giải pháp cấp bách. Đặc biệt, trong năm 2018, Tổng công ty đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc chế độ kiểm tra định kỳ, sửa chữa kịp thời các vị trí cầu, đường xuống cấp, không đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, nhằm giảm thiểu các nguyên nhân gây xóc, lắc tạo êm thuận cho các đoàn tàu, phòng ngừa các tai nạn, trở ngại chạy tàu do chủ quan gây ra. Thành lập các đoàn kiểm tra áp máy kiểm tra đường trên các tuyến đường sắt. Tổ chức đo kiểm tra đường bằng máy đo EM 120 trên 6 tuyến đường sắt: Yên Viên - Lào Cai, Hà Nội - Đồng Đăng, Gia Lâm - Hải Phòng, Đông Anh - Quán Triều, Bắc Hồng - Văn Điển và Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh 3 tháng/một lần; đồng thời hướng dẫn các đơn vị phân khai tỷ lệ nhân công chữa xấu để xây dựng kế hoạch sửa chữa chống xóc lắc theo địa chỉ trong phương án tác nghiệp quý.
Bên cạnh đó, Tổng công ty cũng thực hiện việc giao kế hoạch sửa chữa khẩn cấp đột xuất theo kết quả kiểm tra của các đoàn kiểm tra và kiểm tra định kỳ tại đơn vị; Xây dựng định mức lao động riêng, cụ thể cho từng hạng mục công việc; chú trọng việc thi công cơ giới như: Chèn đường bằng máy chèn Brad, máy chèn Trung Quốc; xiết phụ kiện bằng máy; mài ray; nâng mối gục… Ưu tiên sửa chữa các vị trí hư hỏng cục bộ như: Mối đá trài, nền đá sơ cứng, khe hở ray rộng quá tiêu chuẩn, thay đảo ray mòn quá tiêu chuẩn và các đường cong bán kính nhỏ trái chiều liên tiếp…
Đánh giá về công tác chống xóc lắc tại các đơn vị, ông Đặng Sỹ Mạnh cho biết, trong năm qua, các đơn vị đã chủ động, chú trọng đến công tác sửa chữa chống xóc lắc đảm bảo chạy tàu êm thuận; tuy nhiên qua kết quả kiểm tra thực tế tại một số đơn vị thì công tác quản lý, bảo trì KCHT đặc biệt là công tác chống xóc lắc vẫn còn một số tồn tại như: Việc điều tra, lập kế hoạch sửa chữa chống xóc lắc (tỷ lệ 10-12% nhân công) trong phương án tác nghiệp quý chưa thực sự tỷ mỷ, chi tiết; chất lượng sửa chữa ở các đơn vị Cung đường còn nhiều hạn chế, không duy trì được chất lượng sau mỗi lần sửa chữa… Một số đơn vị chưa chú trọng việc thi công cơ giới trong duy tu và sửa chữa chống xóc lắc; nhân công đầu tư cho công tác duy tu ở một số đơn vị còn quá ít (cá biệt có cung đường chỉ có từ 4-5 nhân công thực hiện công tác duy tu), vì vậy buông lỏng hoặc không tổ chức sửa chữa các điểm sai...
Kết quả kiểm tra máy đo cho thấy, về số điểm sai bình quân/km, đa số các đơn vị đã đảm bảo được yêu cầu quý sau, giảm hơn quý trước; tuy nhiên về số điểm sai bình quân so với chỉ tiêu của Tổng công ty thì hầu hết các đơn vị đều không đáp ứng yêu cầu; chỉ riêng Công ty CP ĐS Quảng Bình là giảm so với yêu cầu (58,13 điểm/60,00 điểm - giảm 1,87 điểm/km)…
Năm đơn vị được tặng Giấy Khen của Tổng công ty vì làm tốt công tác chống xóc lắc năm 2018
Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Minh Khôi - Trưởng ban Quản lý kết cấu hạ tầng chỉ rõ, nguyên nhân chính do kết cấu hạ tầng (KCHT) đường sắt hầu hết lạc hậu, chắp vá. Tình trạng nền đường yếu, nền đá xơ cứng, bình diện phức tạp, kiến trúc tầng trên đường sắt chưa đồng nhất, còn nhiều chủng loại vật tư khác nhau, ray mòn tật nhiều, vật tư đã sử dụng nhiều năm gây biến dạng kiến trúc tầng trên, nhiều đường cong… Cùng với đó là việc còn tồn tại quá nhiều lối đi tự mở qua đường sắt khiến nền đường thường xuyên bị đọng nước, phụt bùn gây xóc mạnh. Tuy nhiên, về chủ quan, ông Khôi cũng thừa nhận, các đơn vị bảo trì chưa quan tâm đúng mức đến công tác này, chưa coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. “Phải xác định làm công tác chống xóc lắc trên nền kết cấu hạ tầng hiện tại, chứ không phải cứ trông chờ vào thay vật tư mới, thiết bị mới là hết xóc lắc…” – ông Khôi khẳng định.
Đồng quan điểm đó, ông Đới Sỹ Hưng - Kiểm soát viên chuyên trách Tổng công ty Đường sắt VN cho rằng, xóc lắc là tiệm cận của mất an toàn, tiệm cận của tai nạn vì vậy cần xây dựng lộ trình chống xóc lắc lâu dài, bền vững; đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải đẩy mạnh cơ giới hoá, hiện đại hoá trong duy tu, bảo trì đường sắt. “Nên đặt mục tiêu cơ giới hóa toàn bộ các tác nghiệp bảo dưỡng, bảo trì KCHT đường sắt, sử dụng lao động chân tay chỉ là hỗ trợ. Khi đó mới tạo áp lực đối với tổng công ty và cả các công ty bảo trì đầu tư máy móc, thiết bị” - ông Hưng nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, Phó TGĐ Đặng Sỹ Mạnh đã trao Bằng khen của Tổng công ty cho 5 tập thể (gồm các Công ty CP ĐS: Quảng Bình, Thanh Hóa, Bình Trị Thiên, Hà Ninh, Quảng Nam – Đà Nẵng) đã có thành tích trong công tác chống xóc lắc, đảm bảo chạy tàu êm thuận năm 2018.
Với mục tiêu phấn đấu cơ giới hóa, hiện đại hóa trong duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng ĐS, chiều cùng ngày, Phó TGĐ Đặng Sỹ Mạnh cũng đã chủ trì buổi tọa đàm về công tác sử dụng máy, thiêt bị thi công kiểm tra chuyên dùng trong bảo trì KCHT ĐS với sự tham gia của nhiều đối tác trong nước và nước ngoài như: Pháp, Đức, Bỉ…