Tin tức & Sự kiện

09:03 | 02/10/2014

Quy định về thời giờ làm việc, nghỉ ngơi của các chức danh phục vụ chạy tàu: Cần sửa đổi xuất phát từ đặc thù SXKD vận tải ĐS

Những năm qua, ngành ĐS đã ban hành các văn bản quy định thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với các đối tượng, chức danh cụ thể, đồng thời có nhiều giải pháp nâng cao đời sống, cải thiện điều kiện làm việc, sinh hoạt nhằm giảm bớt khó khăn cho người lao động. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện có nhiều bất cập nảy sinh từ thực tiễn cũng như từ việc thực hiện các văn bản pháp luật hiện hành nên Tổng công ty ĐSVN đang tiến hành rà soát, phát hiện những bất cập của các văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời sửa đổi, bổ sung nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi, sức khỏe người lao động.

Thực trạng


Công đoàn ĐSVN đã tiến hành khảo sát tại một số đơn vị và trên các đoàn tàu. Qua báo cáo của các cơ sở và thực tế khảo sát cho thấy những bất cập trong thực hiện các quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của các chức danh phục vụ chạy tàu.


Đối với nghề công nhân lái tàu, công việc lái tàu được Nhà nước xếp vào đối tượng lao động thuộc danh mục nghề công việc “đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm”. Ngành ĐS cũng đã ban hành các văn bản qui định cụ thể về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của công nhân lái tàu. Tuy nhiên, tình trạng quá giờ lao động đối với công nhân lái tàu khá phổ biến ở tất cả các xí nghiệp đầu máy do yêu cầu thực tế công việc. Theo số liệu thống kê, có rất nhiều ban lái tàu có thời gian làm việc trên 20 giờ; nhiều công nhân lái tàu có thời gian làm việc trên 195 giờ/tháng. Về thực hiện thời giờ nghỉ ngơi của công nhân lái tàu, các XNĐM đã thực hiện nghiêm chỉnh quy định về việc quản lý các ban lái tàu nghỉ tại các khu vực lưu trú; đảm bảo nghỉ đủ 6 giờ trước khi lên ban hoặc ít nhất bằng hành trình trước liền kề; các ban lái tàu đều được nghỉ ngơi tại chỗ để đảm bảo sức khỏe lên ban lái tàu. Mặt khác, tại văn bản số 797/ĐS-TCCB ngày 10/04/2014 về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch sử dụng lao động hàng năm quy định thời gian chờ đợi (bao gồm cả thời gian chờ tránh tàu khác, hoặc chờ tàu vượt) đối với lái tàu: không coi là thời gian làm việc, nhưng được quy đổi để tính bổ sung tiền lương. Quy định này trái với nhiều quy định khác đã ban hành vì trong thời gian chờ đợi tránh vượt tại ga, lái tàu vẫn phải làm việc như kiểm tra, xử lý các bộ phận hỏng hóc của đầu máy, phải quản lý trang thiết bị, dụng cụ, hàng hóa, toa xe, đoàn tàu và liên hệ với nhà ga, điều độ nắm kế hoạch...

 

Phucvu-HK-04

 Cần sửa đổi, bổ sung các qui định về thời giờ làm việc và nghỉ ngơi của các chức danh phục vụ chạy tàu để đảm bảo sức khỏe người lao động và hiệu quả trong công việc.

 


Đối với các chức danh làm việc trên tàu khách, thực hiện biểu tác nghiệp của các tổ tàu hiện nay, nhiều tổ tàu đã không thể bố trí lên, xuống ban vào ban ngày cho nhân viên phục vụ được; chỉ bố trí 2 nhân viên ở 2 xe liền kề thay nhau từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau dẫn đến thời gian làm việc liên tục của nhân viên phục vụ quá dài. Thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi được chia ra theo khu đoạn, thời gian quá ngắn, bị “cắt vụn” (theo biểu đồ chạy tàu). Nhân viên xuống ban chưa kịp nghỉ ngơi (vì không thể ngủ ngay được khi xuống ban) thì đã lên ban. Ngoài ra, thời gian xuống ban không được trọn vẹn vì còn phải hỗ trợ cho nhân viên lên ban ở những ga có tác nghiệp phục HK và vẫn phải chịu trách nhiệm mọi mặt tại toa mình phụ trách; do đó không có thời gian được nghỉ ngơi thực sự (không làm việc).


Đối với các chức danh làm việc theo ban tại các nhà ga, điểm tuần gác, các quy định lên ban làm việc (ban ghép) từ 24 giờ trở lên như một số chế độ ban đang áp dụng là không phù hợp với tâm sinh lý con người vì thời gian lên ban làm việc của người lao động quá dài. Người lao động ngoài việc thực hiện các tác nghiệp trực tiếp vẫn phải thường trực trông coi, bảo dưỡng thiết bị, làm vệ sinh khu vực làm việc... Bên cạnh đó, không được bố trí nghỉ ngơi thực sự, phải trực từ khi lên ban đến lúc xuống ban là rất mệt mỏi. Đặc biệt, đối với các chức danh như gác ghi hiện nay tại các ga cấp 4 đang áp dụng chế độ 2 ban ghép (24/24 giờ) nhưng làm việc trong điều kiện chòi ghi chật hẹp, đa số không có nước, nơi vệ sinh; trong khi đó mật độ gián cách các đoàn tàu dày (tuyến ĐS Thống Nhất trên 30 đoàn tàu/ngày đêm) nên ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động…


Cần sửa đổi xuất phát từ đặc thù SXKD vận tải ĐS


Với những đặc thù của SXKD vận tải ĐS hiện nay thì việc sửa đổi, bổ sung các qui định về thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi của các chức danh phục vụ chạy tàu sao cho đảm bảo sức khỏe người lao động và hiệu quả công việc, tạo điều kiện thuận lợi trong quản lý, điều hành của các đơn vị; đồng thời không trái với các quy định pháp luật hiện hành là bài toán khó. Tại hội thảo, đại diện các đơn vị cũng đã phân tích cụ thể những điểm bất cập của các văn bản ngành ĐS ban hành so với thực tế cũng như các văn bản pháp luật và đề xuất, kiến nghị các nội dung sửa đổi để vừa thống nhất giữa các văn bản ngành ĐS, vừa phù hợp theo luật định; ngoài ra, cũng kiến nghị những nội dung nhằm đảm bảo quyền lợi người lao động. Đối với công việc lái tàu, nên quy định thời gian chờ tránh, vượt là thời gian làm việc; có quy định cụ thể chế độ đãi ngộ đối với các ban lái tàu tàu hàng, nhất là trong việc chạy tàu đúng giờ; đầu tư bố trí thêm các điểm lên, xuống ban có đầy đủ điều kiện cơ sở vật chất để khắc phục tình trạng quá giờ lao động cho công nhân lái tàu…


Với các chức danh làm việc trên tàu khách, cần xác định cụ thể khoảng thời giờ làm việc (tối đa và tối thiểu) trong 1 ban công tác, thời gian nghỉ ngơi phù hợp của các chức danh trên tàu phù hợp hơn với nhịp sinh học của người lao động. Để giải quyết thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi của nhân viên trên tàu, có thể thực hiện phương án: định biên 1 nhân viên/ xe làm các tác nghiệp đón tiễn hành khách ở ga khởi hành và ga cuối cùng. Sau khi ổn định, hành khách ở ga khởi hành có thể tiến hành chia cụm 2 xe có 1 nhân viên trực làm việc và tác nghiệp đón tiễn khách ở các các dọc đường để thay nhau nghỉ ngơi, đảm bảo bố trí thời gian nghỉ ngơi tối thiểu 4 giờ. Trong thời gian lên ban, nhân viên phục vụ chịu trách nhiệm các tác nghiệp trong cụm xe phụ trách (nhân viên xuống ban được nghỉ ngơi thực sự). Xem xét giảm bớt tác nghiệp chuẩn bị hai đầu cho các chức danh làm việc trên tàu Thống Nhất; nên tập trung chuyên môn hóa một số bộ phận thực hiện các tác nghiệp đầu, cuối như có bộ phận chuyên trách làm công tác vệ sinh, thay chăn ga, gối đẹm, kiểm tra, nghiệm thu công tác chỉnh bị, sửa chữa... để tổ tàu lên ban chỉ nhận tàu của bộ phận này trước giờ tàu chạy một thời gian cần thiết…


Từ phân tích và đề xuất, kiến nghị của các đại biểu, có thể thấy ngoài việc đầu tư, có quỹ lương để cải thiện điều kiện làm việc, nghỉ ngơi và thu nhập cho người lao động thì tăng lao động cũng là một giải pháp hữu hiệu cho việc đảm bảo thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi của các chức danh phục vụ vận tải: đủ nhân lực bố trí chia ban, kíp phù hợp với qui định pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, lại nảy sinh mâu thuẫn: tăng nhân lực trong điều kiện thực tế sản xuất, sản lượng, doanh thu Tổng công ty ĐSVN hiện nay sẽ dẫn đến giảm mạnh thu nhập người lao động. Vì vậy, phát biểu tại hội thảo, đồng chí Trần Ngọc Thành – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty ĐSVN đã nhấn mạnh: Công đoàn cùng các ban chuyên môn và các đơn vị cần tham mưu, đề xuất nội dung chỉnh sửa với quan điểm: cần xuất phát từ đặc thù của ngành ĐS để đề xuất, kiến nghị nội dung chỉnh sửa sao cho đảm bảo mục tiêu: sử dụng ít lao động nhưng nâng cao năng suất, hiệu quả công việc, từ đó nâng cao thu nhập người lao động.