Tin tức & Sự kiện

10:27 | 19/08/2020

Tàu hàng vẫn nhộn nhịp giữa mùa dịch

Ghi nhận tại các ga Yên Viên, Đông Anh, Hà Nội đầu tháng 8/2020, đường sắt liên tục phải tạm dừng hàng loạt tàu khách trên các tuyến do Covid-19. Tuy nhiên, các đoàn tàu hàng vẫn liên tục đổ về ga, trong đó hàng container liên vận quốc tế chiếm khối lượng khá lớn.

Tăng trưởng giữa khó khăn

Ông Nguyễn Hoàng Thanh, Phó tổng giám đốc Công ty CP Vận tải và thương mại đường sắt (Ratraco) cho biết, hàng từ các nơi theo tàu tập kết về ga, sau đó sẽ lập đoàn tàu sang Trung Quốc, từ Trung Quốc lại đi tiếp sang các nước Trung Á và châu Âu.

Đến nay, Ratraco đã thực hiện vận chuyển hàng hóa sang các nước như: Mông Cổ, Kazakhstan, Uzbekistan, Nga, Tajikistan, Ba Lan, Anh, Đức… Các mặt hàng gồm hàng điện tử, hàng dệt may, giầy da, hóa mỹ phẩm, hàng thực phẩm đông lạnh, trái cây.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, Ratraco đã khai thác từ 2-3 đôi tàu/ tuần, mỗi đôi tàu từ 26 - 30 container. Sản lượng hàng xuất là 851 container, chủ yếu là các mặt hàng hàng điện tử, hàng trái cây như: mít, thanh long, xoài... Sản lượng hàng nhập là 840 container, trong đó có mặt hàng sữa từ Nga được bắt đầu khai thác từ tháng 3/2020.

Ông Lê Quang Dân, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cũng cho hay, doanh thu 6 tháng vận tải hàng hóa tăng trưởng 12% so cùng kỳ. Trong đó, sản lượng hàng liên vận quốc tế chiếm tỷ lệ khá lớn. Như tuyến Hà Nội - Lào Cai, duy trì tốt đôi tàu hàng chuyên tuyến Khai Viễn (Trung Quốc) - Hải Phòng chạy hàng ngày với mặt hàng phân bón DAP từ Trung Quốc nhập về và mặt hàng lưu huỳnh quá cảnh cảng Hải Phòng xuất sang Trung Quốc.

Theo ông Nguyễn Chính Nam, Trưởng ban Kế hoạch Kinh doanh Tổng công ty Đường sắt VN, trong bối cảnh vận tải hành khách gặp nhiều khó khăn, ngành Đường sắt chuyển hướng đẩy mạnh vận tải hàng hóa, trong đó thúc đẩy hàng liên vận quốc tế hai chiều.

"Nhiều năm nay, chúng tôi là khách hàng của đường sắt, chủ yếu thuê dịch vụ vận chuyển trọn gói, kể cả làm thủ tục hải quan bên Việt Nam đối với hàng thủy sản đông lạnh từ miền Nam ra xuất khẩu sang Trung Quốc. Đi bằng đường sắt đỡ tốn kém chi phí và thời gian hơn nhiều, hơn nữa dịch vụ vận chuyển, logistics của đường sắt khá tốt, chúng tôi rất yên tâm", Ông Nguyễn Quang Tùng, Tổng giám đốc Công ty TNHH giao nhận TSY.

Các doanh nghiệp đã cho ra nhiều sản phẩm vận tải liên vận quốc tế hấp dẫn, đúng thời điểm nên thu hút được khách hàng. Điển hình như tàu chở container lạnh tự phát điện để vận chuyển hàng đông lạnh, trái cây xuất nhập khẩu.

Riêng 6 tháng đầu năm 2020, mặc dù tình hình kinh tế - xã hội nhiều khó khăn vì dịch Covid-19, nhu cầu vận tải trong nước giảm nhưng hàng xuất nhập qua 2 cửa khẩu đường sắt vẫn đạt 421 nghìn tấn, tăng 10% so với cùng kỳ.

Vươn dài đến châu Âu

Theo ông Nguyễn Chính Nam, với hàng hóa đi nước thứ ba, Việt Nam có một số mặt hàng truyền thống là chè khô, dưa chuột muối xuất đi các nước Trung Á bằng đường sắt nhưng sản lượng thấp.

Từ tháng 5/2017, khi Công ty Ratraco khai trương dịch vụ vận chuyển hàng hóa liên vận quốc tế bằng container từ Việt Nam đi Trung Quốc và quá cảnh Trung Quốc đi các nước thứ ba và ngược lại, phương thức vận chuyển này được mở rộng.

Trong năm 2019, Việt Nam đã chạy được 111 đoàn tàu container qua cửa khẩu Đồng Đăng - Bằng Tường, trong đó hướng Việt Nam - Trung Quốc là 60 đoàn chuyên chở 1688 TEU; hướng Trung Quốc - Việt Nam là 51 đoàn, chuyên chở 1.300 TEU.

Tàu liên vận quốc tế

Ngoài ra, còn có các container chuyên chở theo cụm đi theo các đoàn tàu khác. Trong đó số lượng container quá cảnh Trung Quốc đi đến Thành Đô và Trùng Khánh để nối vào đoàn tàu Trung Quốc - châu Âu là 1.524 TEU. Riêng 6 tháng đầu năm 2020, số container xuất đạt 2.895 TEU, số container nhập đạt 2.858 TEU.

Bà Hàn Như Quỳnh, Trưởng ban Hợp tác quốc tế - Khoa học công nghệ, Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, Đường sắt Việt Nam là thành viên chính thức Tổ chức Hợp tác đường sắt OSJD từ năm 1956. OSJD hiện có tới 28 nước thành viên.

Tổng chiều dài đường sắt khai thác của các nước thành viên đạt hơn 276.000 km, có khả năng vận chuyển khoảng 5 tỷ tấn hàng hóa, khoảng 3,5 tỷ lượt hành khách. Đây là những thuận lợi lớn để đường sắt Việt Nam hợp tác với các đường sắt các nước tổ chức, thúc đẩy vận chuyển liên vận quốc tế.

Theo ông Hoàng Thanh, tuyến vận tải đường sắt từ Việt Nam quá cảnh Trung Quốc, Kazakhstan đi Nga, các nước Trung Á và châu Âu được ví là “con đường tơ lụa”. Bên cạnh đó còn có các tuyến vận tải đường sắt tiềm năng khác như: chạy thẳng Trung Quốc - Nga - châu Âu, Trung Quốc - Mông Cổ - Nga - châu Âu...

“Lợi thế của vận tải đường sắt là vận tải khối lượng lớn, đi xa và độ an toàn vượt trội. Thời gian đi bằng đường sắt chỉ từ 18-20 ngày so với 40-45 ngày nếu đi bằng đường biển sẽ là lợi thế cạnh tranh lớn, nhất là với các mặt hàng cần điều kiện bảo quản tốt, thời gian đưa hàng nhanh”, ông Thanh phân tích và cho biết, doanh nghiệp đường sắt Việt Nam liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp vận tải, giao nhận hàng hóa ở các nước để cung cấp cho khách hàng dịch vụ trọn gói, bao gồm cả vận chuyển hai đầu, khai báo hải quan, chuyển tải qua các ga biên giới, giám sát vận chuyển, nhận - giao hàng đến tận kho... rất thuận tiện cho khách hàng.

Không chỉ nhận vận chuyển hàng bằng đường sắt đi các nước, đường sắt Việt Nam còn nhận vận chuyển đa phương thức: đường sắt - đường sắt, đường sắt - đường bộ, đường sắt - đường biển.

“Hiện chúng tôi đang xúc tiến để có thể chạy tàu hàng quá cảnh bằng đường sắt từ Thái Lan, Lào sang Trung Quốc, từ Trung Quốc sang Campuchia và ngược lại. Bên cạnh đó, đang xúc tiến khai thác vận chuyển hàng LCL (hình thức vận chuyển đóng chung hàng lẻ của nhiều chủ hàng vào container - PV) từ Nga về, dự kiến cuối tháng 9 sẽ chạy chuyến đầu tiên. Đây là loại hàng lần đầu tiên đường sắt Việt Nam khai thác.”, ông Thanh cho biết thêm.

Theo GTVT