Tin tức & Sự kiện

15:52 | 24/04/2013

Thông xe 3 cầu thi công theo Lệnh khẩn cấp của Thủ tướng Chính phủ: Chuyện cổ tích thời hiện đại

Với chúng tôi, những người được mục sở thị, được theo sát tiến độ công trình xây dựng 3 cầu đường bộ tách cầu chung đường sắt – đường bộ Tam Bạc, Thị Cầu, Đồng Nai theo Lệnh khẩn cấp của Thủ tướng Chính phủ do Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư và thi công thì việc thông xe 3 cầu đúng dịp kỷ niệm 38 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2013) và 123 năm ngày sinh Bác Hồ (19-5-1890 – 19-5-2013) sau hơn 1 năm xây dựng với bao khó khăn tưởng như khó có thể đảm bảo thời gian hoàn thành… thật sự như một câu chuyện cổ tích…

Ngày xửa ngày xưa…

Vào đầu thế kỷ 19, với việc xây dựng mạng lưới ĐS phục vụ công cuộc khai thác thuộc địa tại Việt Nam, thực dân Pháp đã xây dựng nhiều cây cầu bắc qua sông để phục vụ giao thông cả đường bộ và ĐS, trong đó có cầu chung Tam Bạc, Thị Cầu, Ghềnh.

 

CauDongNai

Cầu Đồng Nai.


Cầu Tam Bạc (người dân thành phố Hải Phòng thường gọi là cầu Quay) bắc qua sông Tam Bạc được xây dựng vào khoảng năm 1901-1902 với thiết kế nhịp cầu giữa sẽ quay ngang 90 độ trên trục giữa sông vào thời gian nhất định trong ngày, tạo lạch thông thoáng cho tàu thuyền lớn qua lại. Trong chiến tranh, cây cầu đã được cố định lại. Cầu Thị Cầu vốn được xây dựng từ năm 1901. Sau khi bị đánh sập trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, cầu đã được khôi phục và tu sửa nhiều lần. Cầu gồm 1 làn giữa dành chung cho tàu hỏa và ô tô, hai làn dành do xe máy và các phương tiện thô sơ. Đây là một trong hai cây cầu lớn bắc qua sông Cầu, nối hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, nên số lượng phương tiện lưu thông mỗi ngày qua cầu là rất lớn. Cầu Ghềnh được xây dựng khoảng năm 1902-1903. Cầu có 4 nhịp thép vòng cánh cung, nối tiếp gối lên 5 trụ bê tông cố thép, ĐS chạy giữa có lát tấm đan cho ô tô đi, 2 lan can cầu dành cho người đi bộ, xe đạp, xe máy. Cầu đã được tu bổ, nâng cấp nhiều lần, đặc biệt vào những lần rút ngắn thời gian hành trình tàu khách Thống Nhất.


Đã tồn tại hơn 1 thế kỷ nhưng những cây cầu không chỉ như những chứng nhân lịch sử trước bao thăng trầm, đổi thay của đất nước mà còn luôn đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo giao thông, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Hàng ngày có gần 20 đoàn tàu khách, tàu hàng và hàng nghìn lượt phương tiện giao thông cơ giới qua cầu. Trong khi đó lòng cầu hẹp nên thường xuyên xảy ra ùn tắc, nhất là những lúc tàu đi qua cầu. Nhiều chủ phương tiện ý thức rất kém nên thường xuyên vi phạm, nhiều khi lái xe còn văng tục, xô xát cả với nhân viên gác chắn 2 đầu cầu. Hỗ trợ nhân viên gác chắn 2 đầu cầu đảm bảo giao thông qua cầu thông suốt, an toàn còn có hệ thống đèn, tín hiệu giao thông, nhưng máy móc cũng có lúc hỏng, con người dù tinh thần trách nhiệm cao đến mấy cũng không thể bảo đảm không có lúc sơ sẩy; vì thế nguy cơ mất an toàn tại cầu chung ĐB-ĐS luôn tiềm ẩn. Đó cũng là nỗi canh cánh của ĐSVN nhưng “lực bất tòng tâm” vì không có vốn đầu tư.

 

CauTamBac

Cầu Tam Bạc.


Hẳn ai cũng nhớ câu chuyện ngụ ngôn dê đen, dê trắng qua cầu, khiến chúng tôi liên tưởng tới những phương tiện ĐS, đường bộ qua cầu chung: Tàu thì có hãm cũng phải mất 800 m mới dừng, ô tô thì chẳng dễ quay đầu trên lòng đường cầu hẹp. Thế là dê đen, dê trắng húc nhau… Tai nạn thảm khốc tại cầu Ghềnh (cầu Đồng Nai lớn) xảy ra vào tháng 2-2011 do đoàn tàu khách SE2 đâm phải 6 ô tô làm 2 người chết, 15 người bị thương do lỗi của nhiều phía nhưng cũng không thể phủ nhận nỗi canh cánh của ĐSVN về nguy cơ mất an toàn trên cầu đã hiển hiện. Dẫu kinh tế đất nước đang gặp vô vàn khó khăn, khủng hoảng trong thời gian này, nhưng sự chẳng đừng, ĐSVN đã khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải xin phép lập dự án đầu tư xây dựng 9 cầu mới để xóa bỏ tình trạng đi chung giữa đường sắt và đường bộ.


Tin vui đã đến, tháng 9-2011, Thủ tướng Chính phủ cho phép xây mới 3 cầu đường bộ theo lệnh khẩn cấp nhằm cấp bách giải quyết nguy cơ mất an toàn giao thông, an toàn công trình tại các cầu đi chung giữa đường bộ và ĐS, đồng thời gia cố, cải tạo cầu chung với tổng mức đầu tư hơn 1 ngàn 496 tỷ đồng.


Một kết thúc có hậu


Không phải đến công trình 3 cầu, ĐSVN mới thi công các công trình giao thông đường bộ. Thực tế, nhiều đơn vị thuộc ĐSVN đã có uy tín trong thị trường xây dựng công trình giao thông đường bộ. Các công trình cầu đường bộ Bạch Hổ (bắc qua sông Hương, TP. Huế), công trình đường cao tốc Sài Gòn – Trung Lương… có sự tham gia của các đơn vị ĐS là minh chứng. Tuy nhiên, được giao làm chủ đầu tư, tổ chức thi công công trình lớn trong thời gian ngắn như vậy thực sự là thách thức lớn với ĐSVN. Làm thế nào để công trình hoàn thành đảm bảo tiến độ, chất lượng, không phụ sự tin tưởng của Chính phủ, Bộ GTVT đòi hỏi tâm huyết, trí tuệ, công sức của lãnh đạo Đảng, Chuyên môn, Công đoàn, Đoàn TN và đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân… từ ĐSVN đến các đơn vị ĐS tham gia công trình.


Sau 3 tháng khẩn trương thiết kế, ngày 26-12-2011, Tổng công ty ĐSVN đã tổ chức khởi công, động thổ xây dựng mới 3 cầu: Tam Bạc, Đồng Nai, Thị Cầu theo Lệnh khẩn cấp của Thủ tướng Chính phủ. Theo thiết kế, cầu đường bộ Tam Bạc được xây dựng mới cách cầu cũ 16 m với chiều dài 197,9m, rộng 12m, vận tốc thiết kế 50km/h. Cầu đường bộ Thị Cầu xây dựng mới dài 572,1m, rộng 16m, vận tốc thiết kế 60km/h. Cầu đường bộ Đồng Nai xây dựng mới dài 493,1m, rộng 18m.

 

CauThiCau

Cầu Thị Cầu.


Sau lễ khởi công, các đơn vị thi công với sự chuẩn bị chu đáo, tập trung nhân lực, vật lực, máy móc thiết bị… đã nhanh chóng tiến hành thi công. Dẫu đã lường trước nhưng có lẽ cả ĐSVN và các đơn vị thực hiện công trình không thể ngờ lại nhiều khó khăn phát sinh đến thế. Đây là công trình khẩn cấp đòi hỏi gắt gao về tiến độ, vừa triển khai dự án vừa điều chỉnh, hoàn thiện thiết kế cho phù hợp với thực tế nên ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ. Như công trình cầu Tam Bạc, thi công đến tháng 9-2012, vẫn phải điều chỉnh thiết kế giảm chiều cao tĩnh không thông thuyền và nâng tốc độ dọc đường đầu cầu theo đề nghị của UBND TP. Hải Phòng. Mặt khác, những phát sinh về kỹ thuật trong quá trình thi công cũng không nhỏ; các đơn vị đã chủ động phối hợp, bàn bạc tìm giải pháp tối ưu sao cho vừa đảm bảo tiến độ, vừa đảm bảo chất lượng công trình. Nhưng khó khăn ảnh hưởng lớn nhất đến tiến độ thi công là công tác giải phóng mặt bằng do các địa phương đảm nhận. Do một số hộ dân, doanh nghiệp chưa chấp nhận đền bù hoặc cản trở, đưa ra những yêu cầu không chính đáng, do công tác cấp đất của địa phương những năm trước có sự chồng chéo sai lệch quá lớn dẫn đến mặc dù đã có phương án giải phóng mặt bằng nhưng địa phương vẫn không thể giải quyết được triệt để, bàn giao mặt bằng cho ĐSVN thi công. Như công trình cầu Tam Bạc, đầu tháng 8-2012, khi đơn vị thi công tiến hành đổ bê tông cọc nhồi phía phường Trại Chuối (quận Hồng Bàng), nhiều hộ dân phường Cát Dài (quận Lê Chân) tới ngăn cản, không cho thi công. Phải mất rất nhiều thời gian vận động, thuyết phục, với sự vào cuộc của thành phố, quận Lê Chân, lực lượng công an… sự việc mới được giải quyết. Hầu hết các hạng mục công trình 3 cầu đến cuối quý IV-2012 công tác giải phóng mặt bằng mới tạm ổn, bàn giao từng phần mặt bằng để thi công; tuy nhiên, nhiều hạng mục đến tận tháng 2-2013 vẫn chưa có mặt bằng thi công nên ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ.


Trước những khó khăn đó, một mặt các ban quản lý dự án cũng như nhà thầu tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, một mặt xây dựng các phương án thi công để bù đắp tiến độ như: không có mặt bằng tập kết vật liệu, Công ty CP Tổng công ty Công trình ĐS thuê xà lan chở vật liệu phục vụ thi công, hoặc có đơn vị chủ động thuê đất của hộ dân để làm đường công vụ triển khai thi công dự án… Khi có mặt bằng, các nhà thầu huy động máy móc, nhân lực tập trung thi công, có đơn vị thi công ngày 3 ca, có đơn vị như Công ty CP Tổng công ty Công trình ĐS, Công ty CP Đầu tư và xây dựng công trình 3 vận động anh em ăn tết tại công trường, tiếp tục công việc để đảm bảo tiến độ… Đồng thời, để khích lệ cán bộ, công nhân trên công trường khẩn trương thi công, chuyên môn, công đoàn, đoàn TN các đơn vị đã phát động các phong trào thi đua nước rút, thưởng tiến độ, chăm lo tốt đời sống… Lãnh đạo chuyên môn, Công đoàn ĐSVN thường xuyên thị sát, kiểm tra sâu sát các công trình để kịp thời chỉ đạo, có biện pháp tháo gỡ các vướng mắc, phát sinh và chăm lo, khích lệ tinh thần các CB, kỹ sư, công nhân trên công trường…


Những ngày tháng 3, không khí thi công trên công trường 3 cầu khẩn trương, gấp gáp nhưng vẫn đầy những lo âu, hồi hộp của cả ĐSVN lẫn các nhà thầu: thời hạn chỉ còn hơn 1 tháng là phải thông xe, liệu có đảm bảo thời gian và chất lượng công trình? Nhưng cuối tháng 3, các đơn vị đã hoàn thành hợp long cầu Thị Cầu, Đồng Nai và lao lắp dầm nhịp cuối cùng cầu Tam Bạc - phần việc quan trọng nhất, coi như đã đi được hơn 80% chặng đường, lãnh đạo ĐSVN mới trút được phần nào nỗi lo, vấn đề là tiếp tục khẩn trương hoàn thành các hạng mục còn lại. Cố gắng, nỗ lực hết sức, đẩy nhanh tiến độ nhưng vẫn phải đảm bảo kỹ, mỹ thuật, chất lượng và an toàn công trình là khẩu hiệu, phương châm hành động của tất cả các đơn vị lúc này.


Giờ đây, bắc qua những dòng sông thơ mộng Tam Bạc, Đồng Nai, sông Cầu, những cây cầu mới đã nên vóc nên hình, đã hiển hiện như những dải lụa tô đẹp thêm cho cảnh quan địa phương. Cùng với người dân cả nước náo nức chào mừng kỷ niệm 38 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2013) và tưởng nhớ vị Cha già dân tộc, CBCNV ĐS và cả người dân các địa phương Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, TP. HCM cũng đón chờ niềm vui mới: thông xe công trình 3 cầu, công trình hoàn thành đảm bảo tiến độ, góp phần đảm bảo an toàn giao thông cũng như phát triển KT-XH các địa phương. Đây chính là “Happy ending – một kết thúc có hậu” của câu chuyện cổ tích: Với tinh thần trách nhiệm cao nhất vì tính mạng, tài sản của người dân, của Nhà nước, đảm bảo ATGT, ĐSVN đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, làm chủ công nghệ xây dựng cầu đường bộ nói chung, công nghệ xây cầu dầm BTCT dự ứng lực đúc hẫng tiên tiến nói riêng… để hoàn thành cả 3 công trình trong một thời gian ngắn và điều quan trọng là tiếp tục khẳng định năng lực, uy tín của ĐSVN trong quản lý, chỉ đạo điều hành, thi công các dự án công trình đường bộ, từ đó mở ra những cơ hội khác: tiếp tục được Chính phủ, Bộ GTVT tin tưởng giao làm chủ đầu tư, thi công các công trình xây dựng cầu đường bộ tách cầu chung ĐS – ĐB đối với 6 cầu chung còn lại và nhiều công trình khác nữa.


Thanh Thúy