Thủ tướng đề nghị nghiên cứu dự án đường sắt nối TP. HCM - Cần Thơ - Cà Mau
Ngày 21/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV theo hình thức trực tuyến.
Cuộc tiếp xúc cử tri được kết nối giữa điểm cầu trụ sở Chính phủ với điểm cầu Hội trường huyện ủy Phong Điền, TP. Cần Thơ; các điểm cầu tại hội trường UBND của 25 xã, phường, thị trấn thuộc 9 quận, huyện của TP. Cần Thơ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị phát triển kết cấu hạ tầng để để TP. Cần Thơ phát huy vai trò trung tâm, động lực phát triển vùng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng khẳng định, Cần Thơ là thành phố trực thuộc Trung ương, nằm ở vị trí trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long với nhiều tiềm năng, thế mạnh. Để TP. Cần Thơ trở thành đô thị hạt nhân vùng và thuộc nhóm các thành phố phát triển khá ở châu Á, Thủ tướng cho rằng cần sự vào cuộc, chung sức, đồng lòng và hành động quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp.
Đồng thời, cần có sự quan tâm, đầu tư thỏa đáng về cơ chế, chính sách, nguồn lực cho TP. Cần Thơ trong thời gian tới.
Thủ tướng Chính phủ cũng cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ đồng hành với Đoàn đại biểu Quốc hội, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố Cần Thơ thực hiện thắng lợi mục tiêu, kế hoạch đã đề ra, trong đó có việc thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05/8/2020 về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đặc biệt, để TP. Cần Thơ phát huy vai trò trung tâm, động lực phát triển vùng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, xã hội, hoàn thành các dự án giao thông kết nối vùng, liên vùng là điều quan trọng. Từ đó, Cần Thơ sẽ trở thành đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đề nghị nghiên cứu triển khai tuyến đường sắt nối TP. HCM với Cần Thơ, Cà Mau; phát triển đường vành đai phía tây thành phố… Đồng thời, nghiên cứu đầu tư một số cảng lớn, phát triển các khu công nghiệp, trong đó, đẩy nhanh phát triển khu công nghiệp VSIP Cần Thơ. Thủ tướng cho biết đã trao đổi với các đối tác quốc tế về triển khai một số dự án này.
Trước đó, UBND TP. Cần Thơ vừa có buổi làm việc với Ban quản lý dự án Đường sắt, Bộ Giao thông vận tải và đơn vị tư vấn về dự án tuyến đường sắt TP. HCM - Cần Thơ.
Theo báo cáo của đơn vị liên danh tư vấn lập báo cáo tiền khả thi, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt TP. HCM – TP. Cần Thơ có điểm đầu ở ga An Bình (Dĩ An, Bình Dương) và điểm cuối ga Cái Răng (quận Cái Răng, TP. Cần Thơ).
Theo Quyết định số 2563 ngày 27/8/2013 do Bộ Giao thông vận tải phê duyệt, đường sắt TP.HCM - Cần Thơ có tổng chiều dài toàn tuyến là 173,677 km, gồm 14 ga, xuất phát từ ga lập tàu An Bình (TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương) đến TP. Cần Thơ.
Dự án xây dựng tuyến đường sắt TP. HCM – Cần Thơ với tổng chiều dài toàn tuyến gần 174 km kết nối 6 tỉnh/thành được đề xuất với tổng mức đầu tư của dự án dự kiến cần khoảng 7 tỷ USD.
Lộ trình đi theo hướng tuyến dài nhằm tiếp cận các đô thị, thị xã hiện hữu của TP. HCM, Bình Dương và 4 tỉnh/thành miền Tây Nam Bộ gồm Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ.
Tại địa phận TP. Cần Thơ, tuyến có chiều dài khoảng 6,5 km. Đây là tuyến đường sắt có ray khổ đôi 1.435 mm, dành cho đường sắt tốc độ cao phổ biến trên thế giới.
Tốc độ thiết kế cho tuyến TP. HCM – Cần Thơ vào khoảng 190km/h cho tàu khách và 120km/h cho tàu hàng.
Nhờ đó, thời gian đi từ Cần Thơ đến TP. HCM và ngược lại sẽ rút ngắn chỉ còn 75 - 80 phút, thay vì mất từ 3 - 4 giờ đi đường bộ như hiện nay. Hiện, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt TP.HCM – Cần Thơ đang có hai nhà đầu tư đến từ Mỹ và Vương quốc Anh quan tâm.
Theo dự định, khi hoàn thành, nhà đầu tư khai thác 25 năm để hoàn vốn, sau đó chuyển giao Bộ Giao thông vận tải.
Giá vé được đề xuất cho từng chặng. Cụ thể TP. HCM - Long An là 120.000 đồng/vé; từ TP. HCM đi Tiền Giang 280.000 đồng/vé; TP. HCM đi Vĩnh Long 325.000 đồng/vé; TP. HCM - Cần Thơ 400.000 đồng/vé.