Thủ tướng Phạm Minh Chính: Thúc đẩy các dự án giao thông chiến lược, biểu tượng cho quan hệ Việt Nam-Trung Quốc
Sáng 27/6, tại Bắc Kinh, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị hợp tác Việt Nam-Trung Quốc về phát triển hạ tầng chiến lược giao thông và vai trò của các doanh nghiệp Việt Nam-Trung Quốc.
Kinh nghiệm Trung Quốc: Muốn làm giàu trước tiên hãy làm đường
Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm quý, bài học hay về phát triển hạ tầng chiến lược giao thông, đề xuất các định hướng, nhiệm vụ, giải pháp, nhất là những bài học về chuyển giao công nghệ và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực đường sắt mà Trung Quốc có thế mạnh.
Các đại biểu hai bên thống nhất cao về sự cần thiết và ý nghĩa quan trọng của việc đẩy mạnh hợp tác phát triển hạ tầng chiến lược giao thông giữa hai nước, của việc hợp tác giữa hai cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc.
Hội nghị cũng thống nhất khẳng định phát triển hạ tầng chiến lược giao thông là nhu cầu khách quan, cần thiết và là nền tảng giúp tăng cường kết nối giữa hai nước, tạo thuận lợi cho thương mại, kinh tế, du lịch và giao lưu nhân dân, mang lại lợi ích to lớn cho hai nước.
Các đại biểu đánh giá thời gian qua, quan hệ hợp tác Việt Nam-Trung Quốc trong phát triển hạ tầng chiến lược giao thông được quan tâm triển khai và đạt một số kết quả cụ thể.
Thủ tướng kêu gọi các tập đoàn, doanh nghiệp lớn (cả nhà nước và tư nhân) của Trung Quốc tham gia đầu tư, đấu thầu, xây dựng các công trình, dự án lớn trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là các lĩnh vực đột phá như giao thông, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, năng lượng tái tạo
Theo đó, kết nối giao thông giữa hai nước đã đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và nhu cầu vận tải hàng hóa giao thương giữa hai nước. Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã trúng thầu và tham gia thi công các công trình giao thông quan trọng của Việt Nam. Việc nghiên cứu, xây dựng các dự án hợp tác về kết nối hạ tầng chiến lược giao thông được đẩy nhanh hơn.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, nhu cầu vốn phát triển giao thông của Việt Nam rất lớn và đa dạng trên cả 5 lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông. Đây là thách thức đối với Chính phủ và các bộ ngành của Việt Nam, nhưng là cơ hội của doanh nghiệp Trung Quốc và Việt Nam.
Bộ trưởng khẳng định, Bộ GTVT sẵn sàng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Trung Quốc tham gia các dự án, khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc liên doanh với đối tác là doanh nghiệp Việt Nam để hợp tác đầu tư, xây dựng, chuyển giao công nghệ, đào tạo cán bộ trong các lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực đường sắt và đường bộ.
Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Trương Quốc Thanh dẫn câu ngạn ngữ Trung Quốc "muốn làm giàu trước tiên hãy làm đường"; cho biết, những năm qua Trung Quốc đã phát triển hệ thống giao thông thông suốt, an toàn, bền vững, hiệu quả cao với hệ thống đường bộ cao tốc, đường sắt cao tốc, sân bay, cảng biển hàng đầu thế giới.
Bên cạnh đó, Trung Quốc đã vươn ra hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực giao thông tại một số nước trong khu vực như Campuchia, Indonesia, Lào.
Nhấn mạnh Việt Nam là đối tác quan trọng, Phó Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Trương Quốc Thanh hoan nghênh các cơ quan, doanh nghiệp hai nước cùng nhau thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực, nhất là hợp tác phát triển giao thông, kết nối giao thông giữa hai nước; cho rằng, cùng với vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp Nhà nước, cần huy động các doanh nghiệp tư nhân hai bên vào nhiệm vụ quan trọng này.
Lĩnh vực đột phá, khả thi và mang tính biểu tượng
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong chuyến công tác lần này, ông và các lãnh đạo Trung Quốc đã thống nhất nhiều nội dung quan trọng thúc đẩy tăng cường hợp tác, trong đó có lĩnh vực quan trọng là phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng chiến lược giao thông.
Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển và kết nối hạ tầng chiến lược giao thông Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vừa tạo điều kiện thuận lợi để hai nước giao thương hàng hóa, giao lưu đi lại của người dân, vừa là cơ sở kết nối hai nước với khu vực và thế giới.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Quốc Thanh hoan nghênh các cơ quan, doanh nghiệp hai nước cùng nhau thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực, nhất là hợp tác phát triển giao thông, kết nối giao thông giữa hai nước
Kết nối giao thông chiến lược cũng là lĩnh vực đột phá, khả thi và mang tính biểu tượng để góp phần tiếp tục triển khai, cụ thể hóa nhận thức chung cấp cao, các định hướng chỉ đạo chiến lược của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, nhất là Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác Hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược theo phương hướng "6 hơn".
Thủ tướng đánh giá, những năm qua, với tư duy và tầm nhìn vượt trội, Trung Quốc đã tập trung phát triển hệ thống giao thông đường bộ và đường sắt hoàn chỉnh, đồng bộ, hiện đại, hoàn chỉnh có quy mô lớn, với công nghệ tiên tiến, chiều dài đứng đầu thế giới.
Việt Nam mong muốn tham khảo kinh nghiệm, hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực hạ tầng chiến lược giao thông.
Theo Thủ tướng, Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng gần gũi, tiềm năng hợp tác giao thông là rất lớn trong cả 05 phương thức vận tải (đường sắt, hàng không, đường biển, đường bộ, đường sông).
Hai nước có những tiềm năng, thế mạnh có thể bổ trợ, hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực này. Trung Quốc có công nghệ, kinh nghiệm, tiềm lực tài chính, nhiều doanh nghiệp lớn; Việt Nam có nhu cầu lớn về phát triển trong khi nguồn lực, kinh nghiệm, công nghệ, nhân lực còn hạn chế. Hai bên cũng có quyết tâm chính trị cao, thể hiện qua nhiều thỏa thuận cấp cao, nhiều hiệp định hợp tác đã được ký kết.
Bên cạnh những kết quả đạt được mà các đại biểu đã chỉ ra, Thủ tướng cho rằng kết quả hợp tác kết nối hạ tầng chiến lược giao thông vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và mong muốn của hai bên.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại hội nghị
Sau khi phân tích một số nguyên nhân chính dẫn tới những tồn tại, hạn chế nêu trên, Thủ tướng chỉ ra một số bài học kinh nghiệm.
Theo đó, cần quán triệt nghiêm túc và triển khai hiệu quả định hướng chỉ đạo chiến lược của hai đồng chí Tổng Bí thư; cam kết của hai bên về phát triển hạ tầng chiến lược giao thông. Cần sự chung tay, vào cuộc chủ động, tích cực của các bộ, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân, đẩy mạnh hợp tác công tư, với tinh thần chân thành, cầu thị, cùng hợp tác, cùng phát triển, cùng thắng, bảo đảm thực chất, hiệu quả.
Cùng với đó, kịp thời sửa đổi, ban hành các cơ chế, chính sách đủ mạnh, có tính cạnh tranh, hấp dẫn cao để thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông kết nối 2 nước.
Cùng với các cơ chế hợp tác, phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ sản phẩm theo tinh thần đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện, đã thực hiện là phải có kết quả lượng hóa được; đồng thời, phải tăng cường đôn đốc, kiểm tra giám sát thực hiện và linh hoạt điều chỉnh phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tiễn.
Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Đặng Sỹ Mạnh phát biểu tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty ĐSVN Đặng Sỹ Mạnh cho biết "Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050,Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cụ thể: đến năm 2030 sẽ nâng cấp cải tạo khoảng 2.400 km, xây dựng mới khoảng 2.300 km. Tầm nhìn đến năm 2050 sẽ hoàn thành các tuyến đường sắt trên các hành lang trọng yếu. Mạng đường sắt Việt Nam cũng sẽ được kết nối xuyên Á, kết nối Á-Âu thông qua đường sắt Trung Quốc tại các ga cửa khẩu Đồng Đăng, Lào Cai, Móng Cái; kết nối qua Lào tại Mụ Giạ và Lao Bảo, qua Campuchia tại Lộc Ninh".
Tổng công ty đường sắt Việt Nam không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, sản lượng vận tải khách, hàng, đặc biệt là hàng liên vận quốc tế. Song song với đó, lĩnh vực công nghiệp cơ khí, sản xuất, lắp ráp đầu máy, toa xe sẽ định hướng phát triển sử dụng năng lượng sạch cho các tuyến đường sắt cũ và sức kéo điện cho các tuyến đường sắt mới. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đang tích cực chuẩn bị cho việc vận hành đường sắt tốc độ cao.
Việt Nam - Trung Quốc núi sông liền nhau, đề nghị cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp hai bên nâng tầm kết nối chiến lược thúc đẩy hợp tác, đẩy mạnh kết nối giao thông nhất là kết nối đường sắt. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam luôn mong muốn và sẵn sàng hợp tác chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan, doanh nghiệp Trung Quốc.
Triển khai nhanh tuyến đường sắt Hà Nội-Lào Cai-Hải Phòng
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, thể hiện mong muốn và quyết tâm hợp tác cao của các doanh nghiệp Trung Quốc và Việt Nam trong phát triển hạ tầng chiến lược giao thông của Việt Nam, nhất là các dự án kết nối giao thông giữa hai nước.
Thủ tướng cho biết, ông cảm nhận được nhận thức chung các doanh nghiệp đều muốn cụ thể hoá thoả thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước bằng sản phẩm cụ thể.
Với mục tiêu kết nối thông suốt các loại hình giao thông gắn với chuyển đổi số, phát triển xanh theo xu thế thế giới, Thủ tướng cho rằng cần cùng nhau hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để phát triển nhanh, bền vững các lĩnh vực ưu tiên, trọng tâm. Trong đó, phải có các chính sách khuyến khích về thuế, phí, lệ phí…
Cùng với đó, phải hoàn thiện các quy hoạch, xây dựng các dự án, đề án, có giải pháp cụ thể về tài chính, công nghệ, quản lý…; bổ sung, hoàn thiện các hiệp định giữa hai nước để triển khai bài bản, các bộ, ngành liên quan phải có thoả thuận để hỗ trợ doanh nghiệp.
Đồng thời, huy động các nguồn lực đa dạng, gồm nguồn lực Nhà nước, nguồn lực nhân dân, doanh nghiệp, vốn vay… Thủ tướng cho biết, cùng với ưu tiên từ ngân sách Nhà nước, đầu tư nhà nước, Việt Nam chú trọng thu hút nguồn vốn từ các doanh nghiệp hai bên cho các dự án kết nối hạ tầng giao thông 2 nước, thúc đẩy hình thức đối tác công tư PPP.
Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị phía Trung Quốc tăng cường hợp tác, hỗ trợ Việt Nam về nguồn vốn ưu đãi, công nghệ tiên tiến, đào tạo nhân lực, quản trị thông minh trong lĩnh vực hạ tầng giao thông chiến lược.
Thủ tướng kêu gọi các tập đoàn, doanh nghiệp lớn (cả nhà nước và tư nhân) của Trung Quốc tham gia đầu tư, đấu thầu, xây dựng các công trình, dự án lớn trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là các lĩnh vực đột phá như giao thông, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, năng lượng tái tạo.
Trong đó, với lĩnh vực giao thông, Thủ tướng đề nghị rút kinh nghiệm từ các dự án trước đây, điều chỉnh cách làm, đổi mới tư duy, sáng tạo trong lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện, kịp thời tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc để làm tốt hơn, hiệu quả hơn trong các kế hoạch, dự án sắp tới với tinh thần chân thành, hiệu quả, tin cậy, không để dàn trải, kéo dài, đội vốn, chống tiêu cực, tham nhũng.
Về một số định hướng hợp tác kết nối chiến lược giao thông trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị sớm triển khai ba dự án kết nối đường sắt khổ tiêu chuẩn (Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng; Lạng Sơn-Hà Nội; Móng Cái-Hạ Long-Hải Phòng), trước mắt triển khai nhanh tuyến Hà Nội-Lào Cai-Hải Phòng.
Về đường sắt đô thị, phát huy thành công của tuyến Cát Linh Hà Đông, tiếp tục phối hợp triển khai các dự án đường sắt đô thị tại Thủ đô Hà Nội và TPHCM; trong đó, khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc tham gia theo hình thức PPP.
Về đường hàng không, cần thúc đẩy mở rộng các đường bay kết nối giữa hai nước, tăng tần suất các chuyến bay có nhu cầu cao, có chính sách khuyến khích du lịch Việt Nam và Trung Quốc.
Về đường bộ, đẩy mạnh triển khai các dự án đường bộ kết nối giữa hai nước, đặc biệt là các tuyến đường bộ cao tốc kết nối và các cầu đường bộ biên giới.
Nhấn mạnh các cơ quan phía Việt Nam luôn sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ với doanh nghiệp. Thủ tướng cho rằng, qua hội nghị này đã thu lượm được nhiều kinh nghiệm, định hướng, gợi mở về xây dựng cơ chế, chính sách quản lý tạo cơ hội cho doanh nghiệp tốt hơn.
Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục thể hiện khí thế cao, quyết tâm lớn, "biến không thành có, biến không thể thành có thể", "chỉ bàn làm, không bàn lùi", đẩy mạnh hơn nữa hợp tác theo hình thức liên danh và liên doanh; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", "cùng lắng nghe và thấu hiểu, cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động, cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển", hướng tới có ngày càng nhiều các công trình hợp tác biểu tượng giữa hai nước, vì lợi ích của hai nước, nhân dân hai nước, tạo việc làm sinh kế cho người dân, xây dựng đất nước phát triển vững mạnh, đi lên chủ nghĩa xã hội.