Tin tức & Sự kiện

14:44 | 06/03/2013

Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh Chiến lược phát triển GTVT

*Tập trung, ưu tiên nâng cấp, hiện đại hóa tuyến ĐS Bắc-Nam hiện tại.

*Tiếp tục nghiên cứu xây đường sắt tốc độ cao.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh Chiến lược phát triển GTVT ViệtNam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.


Theo đó, đến năm 2020, hệ thống GTVT nước ta cơ bản đáp ứng được nhu cầu về vận tải hàng hóa và hành khách với chất lượng tốt và giá cả hợp lý, bảo đảm an toàn, thuận lợi, kiềm chế tiến tới giảm tai nạn giao thông và hạn chế ô nhiễm môi trường.


Hình thành được một hệ thống GTVT hợp lý giữa các phương thức vận tải, phát triển một cách đồng bộ, từng bước tiến tới hiện đại nhằm góp phần đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.



Đến năm 2020, tổng khối lượng vận chuyển hành khách là 6.240 triệu hành khách, trong đó đường bộ đảm nhận 86,0-90,0%; đường sắt 1,0-2,0%; đường thủy nội địa 4,5-7,5% và hàng không 1,0-1,7%. Tổng khối lượng vận chuyển hàng hóa là 2.090 triệu tấn, trong đó đường bộ đảm nhận 65,0-70,0%; đường sắt 1,0-3,0%; đường thủy nội địa 17,0-20,0%; đường biển 9,0-14,0% và hàng không 0,1-0,2%.


Về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trục dọc Bắc -Nam, ưu tiên đầu tư, hoàn thành nâng cấp và mở rộng quốc lộ 1 với quy mô 4 làn xe. Tập trung đầu tư xây dựng trước một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyếnBắc-Namvới thời gian phù hợp có xét đến hiệu quả chung của việc khai thác các đoạn tuyến quốc lộ 1 song hành. Đầu tư nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh và nâng cấp đoạn qua Tây Nguyên. Lựa chọn đầu tư những đoạn có nhu cầu trên tuyến đường bộ ven biển gắn với đê biển.


Bên cạnh đó, tập trung, ưu tiên nâng cấp, hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc-Nam hiện có. Tiếp tục nghiên cứu các phương án khả thi để có kế hoạch đầu tư xây dựng phù hợp đường sắt tốc độ cao.


Chiến lược cũng đề cập việc nghiên cứu xây dựng mới một số đoạn tuyến đường sắt: Vũng Áng - Cha Lo (Mụ Giạ), nối các tỉnh Tây nguyên, phục vụ khai thác và sản xuất alumin - nhôm tại các tỉnh Tây nguyên, nối Tây nguyên với cảng biển.


Đối với các thành phố lớn, phát triển mạnh hệ thống xe buýt, nhanh chóng đầu tư xây dựng các tuyến vận tải công cộng khối lượng lớn như đường sắt trên cao và tàu điện ngầm để đạt tỷ lệ đảm nhận vận tải hành khách công cộng 25-30%.


Bên cạnh đó, kiểm soát sự phát triển của xe máy, xe ô tô cá nhân, đặc biệt ở Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.