Tổ chức thành công Hội nghị Người lao động năm 2023
Chiều 9/10, tại Hà Nội, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) tổ chức Hội nghị Người lao động năm 2023. Tham dự Hội nghị có Ông Lê Mạnh Tùng – Vụ trưởng Vụ Công nghệ và Hạ tầng, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp dự Hội nghị. ông Huỳnh Thanh Xuân - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; bà Trần Thị Thanh Hà - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; ông Vũ Trí Thắng - Ủy viên Ban Chấp hành, Trưởng Ban Dân vận (Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương). Về phía VNR, có ông Đặng Sỹ Mạnh – Chủ tịch Hội đồng thành viên; ông Hoàng Gia Khánh – Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban Tổng giám đốc; ông Mai Thành Phương – Chủ tịch Công đoàn Đường sắt Việt Nam cùng các Thành viên Hội đồng thành viên, Ban Tổng giám đốc, đại diện các Ban chức năng và đơn vị thành viên của Tổng công ty.
Bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động
Báo cáo tại Hội nghị, ông Mai Thành Phương – Chủ tịch Công đoàn Đường sắt Việt Nam cho biết: Giai đoạn 2020-2022 là thời gian rất khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải nói chung cũng như VNR do ảnh hưởng của đại dịch Covid- 19 nên hoạt động vận tải thực hiện cầm chừng và có thời điểm phải dừng hoạt động. Về kết quả sản xuất – kinh doanh, năm 2020, doanh thu đạt 1.729 tỷ đồng, năm 2021 đạt 4.011 tỷ đồng, năm 2022 đạt 5.519 tỷ đồng. Về chỉ số an toàn chạy tàu, số vụ tai nạn giảm 1,1%; số người chết giảm 18%; số người bị thương giảm 20,2% trong giai đoạn 2020 – 2022.
Ông Mai Thành Phương – Chủ tịch Công đoàn Đường sắt Việt Nam báo cáo tại Hội nghị |
Trong giai đoạn này, để hoạt động sản xuất - kinh doanh thích ứng với đại dịch, ngay từ những ngày đầu năm 2021, Tổng công ty đã xác định chuyển dịch trọng tâm từ vận tải hành khách sang vận tải hàng hóa để duy trì sản xuất, bù đắp sự sụt giảm mạnh của vận tải hành khách và giảm thiểu ảnh hưởng của dịch đến hoạt động sản xuất – kinh doanh.
Từ tháng 5/2022, hoạt động của Tổng công ty đã bắt đầu phục hồi sau khi đại dịch Covid- 19 được kiểm soát, bên cạnh sự tăng trưởng của vận tải hàng hoá, vận tải hành khách tăng cao, do bố trí biểu đồ, lịch trình và lựa chọn tuyến vận tải hợp lý, khoa học phù hợp với nhu cầu của hành khách và năng lực phục vụ.
Trong giai đoạn này, Tổng công ty đã tích cực nghiên cứu và đưa vào khai thác thêm các sản phẩm vận tải để phục vụ nhu cầu của khách hàng. Về vận tải hàng hóa, đã đưa vào khai thác đoàn tàu container Liên vận quốc tế đi Bỉ và đoàn tàu chở container đầu tiên từ Hà Nội đi Trùng Khánh (Trung Quốc) chạy thẳng châu Âu. Về hành khách, VNR đưa vào khai thác một số sản phẩm dịch vụ mới được các công ty cổ phần vận tải, Sở du lịch địa phương và công ty du lịch phối hợp thực hiện sau thời gian dịch, góp phần đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ vận tải hành khách và tăng doanh thu đặc biệt là tuyến Hà Nội - Hải Phòng vẫn đang thu hút lượng hành khách rất lớn vào dịp cuối tuần.
VNR đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào quản trị và tổ chức sản xuất vận tải để nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng và hiệu quả hoạt động quản trị của doanh nghiệp như không ngừng hoàn thiện và bổ sung tính năng cho Hệ thống bán vé điện tử; đưa vào sử dụng Hệ thống quản trị vận tải hàng hóa, phần mềm cơ báo điện tử, phần mềm thanh toán và đối chiếu sản phẩm tác nghiệp giữa Tổng công ty và các đơn vị... Kết quả sản xuất – kinh doanh của các công ty cổ phần vận tải tăng trưởng bình quân 14,8% cùng kỳ năm sau so với năm trước đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.
Về kết quả thực hiện quy chế trả lương, thưởng, nội quy quy chế, hợp đồng lao động, chế độ chính sách đối với người lao động, tiền lương bình quân năm 2020 là 7.299.000 đồng/tháng, năm 2021 là 7.689.000/tháng, năm 2022 là 9.728.000 đồng/tháng.
Về nhiệm vụ và giải pháp sản xuất - kinh doanh giai đoạn 2023 – 2025, VNR sẽ tập trung khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng đường sắt được Nhà nước giao, tạo thêm việc làm và thu nhập cho người lao động; tổ chức kinh doanh vận tải đảm bảo hiệu quả sử dụng tốt nhất sức kéo, sức chở hiện có. Thực hiện xong phương án cơ cấu lại doanh nghiệp, đơn vị thuộc Tổng công ty tại Văn bản số 303/TTg-ĐMDN, ngày 07/04/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Đảm bảo các doanh nghiệp và đơn vị được cơ cấu lại đi vào hoạt động ổn định, phát triển có hiệu quả.
Ông Hoàng Gia Khánh – Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban Tổng giám đốc VNR báo cáo về công tác giải quyết kiến nghị của người lao động tại Hội nghị |
Về những nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn tới, VNR sẽ bám sát phương hướng, nhiệm vụ cấp trên giao để xây dựng Nghị quyết về nhiệm vụ công tác hàng năm. Chủ động, quyết liệt chỉ đạo các đơn vị, Người đại diện triển khai thực hiện hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch từng năm để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác đảm bảo an toàn giao thông đường sắt; thực hiện Chính qui - Văn hóa - An toàn. Tập trung xây dựng các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ, công tác bán hàng, chăm sóc khách hàng nhằm tăng năng lực cạnh tranh và thị phần vận tải. Phấn đấu khôi phục sản xuất vận tải về bằng và vượt giai đoạn chưa có dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, VNR sẽ tích cực, chủ động báo cáo, giải trình với các cấp có thẩm quyền để xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cụ thể hóa cơ chế, chính sách về ưu đãi, hỗ trợ trong hoạt động đường sắt theo Luật Đường sắt 2017 bảo đảm tính đồng bộ, khả thi, minh bạch và ổn định. Xây dựng phương án huy động các nguồn vốn cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt, đầu tư mới phương tiện vận tải để thay thế những phương tiện đã hết niên hạn sử dụng, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ vận tải; thúc đẩy việc xã hội hóa đầu tư, khai thác và kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt. Ngoài ra, Tổng công ty cũng tập trung đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đổi mới trong công tác quản lý, điều hành, sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Tiếp tục đổi mới, cơ cấu lại doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh, đảm bảo việc làm và cải thiện đời sống người lao động. Nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu đổi mới và phát triển của Tổng công ty, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, theo Nghị quyết số 17-NQ/ĐU của Ban Chấp hành Đảng bộ VNR về chiến lược phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2023-2023, tầm nhìn đến năm 2025 của Tổng công ty.
Đổi mới, trách nhiệm vì quyền lợi của người lao động và sự phát triển của Đường sắt Việt Nam
Phát biểu tại Hội nghị, bà Trần Thị Thanh Hà - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: Giai đoạn 2020 - 2022, cả nước nói chung và VNR nói riêng chịu ảnh hưởng lớn của đại dịch Covid-19, song được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, các Bộ ngành và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo và sự cố gắng nỗ lực của gần 2,5 vạn cán bộ, người lao động, Tổng công ty đã từng bước vượt qua khó khăn, cơ bản hoàn thành những nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội đã đề ra.
Bà Trần Thị Thanh Hà - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu tại Hội nghị |
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá cao những kết quả mà VNR đạt được trong giai đoạn 2020 – 2022. Tổng công ty đã duy trì và tổ chức tốt các phong trào thi đua trong công nhân viên chức lao động. Hoạt động sản xuất – kinh doanh của Tổng công ty gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, đến nay, đã bắt đầu phục hồi; vận tải hành khách và hàng hóa đã tăng trưởng so với cùng kỳ. Kết quả sản xuất – kinh doanh của Công ty mẹ đã phục hồi và phát triển. Mặc dù chịu thiệt hại nặng nề do dịch Covid-19, nhưng VNR đã dành một phần nguồn lực, phục vụ công tác vận chuyển vật tư, trang thiết bị y tế, lương thực, thực phẩm, phục vụ các tỉnh miền Nam chống dịch; đồng thời, phối hợp với các địa phương đưa người dân về quê...
“Tổng công ty cũng tạo công ăn việc làm cho người lao động, đảm bảo thu nhập; các chế độ chính sách với người lao động được thực hiện đầy đủ; đời sống, điều kiện làm việc của người lao động được quan tâm, nhất là những nơi có nhiều khó khăn. Từ đó, tạo ra tư tưởng yên tâm phấn đấu, yêu ngành, yêu nghề của người lao động” – bà Trần Thị Thanh Hà nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, theo bà Trần Thị Thanh Hà, VNR đã thực hiện tốt quy chế dân chủ tại các cấp. 100% các đơn vị tổ chức Hội nghị Người lao động theo đúng quy định. Các vấn đề vướng mắc trong hoạt động sản xuất – kinh doanh; tâm tư, nguyện vọng của người lao động được đối thoại với lãnh đạo; các quy định, quy chế được hoàn thiện theo quy định của pháp luật, đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Để làm tốt hơn nữa vai trò đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, bà Trần Thị Thanh Hà yêu cầu các cấp công đoàn ngành đường sắt cần tập trung làm tốt vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho đoàn viên, người lao động, coi đây là điểm then chốt để đoàn viên, người lao động luôn ủng hộ, gắn bó và tin tưởng vào tổ chức Công đoàn; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong quá trình tái cơ cấu các đơn vị.
Đồng thời, VNR tiếp tục quan tâm chăm lo đời sống, cải thiện điều kiện làm việc của cán bộ, viên chức và người lao động; duy trì và phát triển các hoạt động xã hội, hoạt động chăm lo mang tính truyền thống của ngành, quan tâm kịp thời những trường hợp khó khăn, lao động nữ, lao động làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, địa bàn vùng sâu, vùng xa…; đầu tư nguồn lực thỏa đáng cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn nhất là cán bộ công đoàn cơ sở có bản lĩnh, tâm huyết, có kiến thức về ngành và lĩnh vực chuyên môn, đơn vị, có uy tín và phương pháp công tác tốt, xứng đáng là thủ lĩnh, là hạt nhân tập hợp đoàn viên, người lao động.
Ông Đặng Sỹ Mạnh – Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR phát biểu tại Hội nghị |
Phát biểu tại Hội nghị, ông Đặng Sỹ Mạnh – Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR nhận định: Giai đoạn 2020 – 2022, Tổng công ty đã trải qua nhiều khó khăn, thử thách do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Sau tái cơ cấu doanh nghiệp, Tổng công ty phải tập trung hoàn thiện công tác quản trị nội bộ, tổ chức và hoạt động sản xuất - kinh doanh của các Công ty con; do đó cơ chế mới tác động tích cực lẫn hạn chế đến hoạt động sản xuất – kinh doanh của toàn Tổng công ty cũng như việc làm và đời sống của người lao động. Sự hạn chế về năng lực nội tại, sự cạnh tranh quyết liệt với hàng không giá rẻ và đường bộ cao tốc về vận tải hành khách; với đường biển và đường bộ về vận tải hàng hóa, cùng với chính sách mậu biên tại một số cửa khẩu... đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất - kinh doanh vận tải của Tổng công ty.
“VNR tiếp tục nhận được sự ủng hộ từ các bộ, ngành và đặc biệt là Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Giao thông vận tải, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương trong thực hiện cơ cấu và sắp xếp lại Tổng công ty trong tạo dựng hành lang pháp lý để đầu tư và phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt cho tương lai. Các nút thắt về cơ sở hạ tầng phục vụ cho vận tải đã được sự quan tâm của các cơ quan nhà nước cũng như xã hội” – ông Đặng Sỹ Mạnh khẳng định.
Bên cạnh đó, công tác nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, giải quyết các kiến nghị của người lao động luôn được các cấp của Tổng công ty chú trọng, quan tâm. Các cấp công đoàn phát huy vai trò đại diện cho người lao động, tích cực, chủ động phối hợp chuyên môn thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở; nâng cao chất lượng thỏa ước lao động tập thể, tham gia với người sử dụng lao động, bảo đảm an toàn, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao phúc lợi dành cho người lao động.
Công đoàn Đường sắt Việt Nam tổ chức thực hiện “Gói an sinh công đoàn” hỗ trợ 4,1 nghìn người lao động có hoàn cảnh khó khăn với tổng kinh phí 820 triệu đồng. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, công đoàn đã tích cực, chủ động, đồng hành cùng chuyên môn trong công tác phòng, chống dịch bệnh, chăm lo sức khỏe, bảo đảm các chế độ, chính sách cho người lao động hỗ trợ kịp thời đoàn viên, người lao động với số tiền 2 tỷ đồng.
Công đoàn các đơn vị chủ động tham gia cùng chuyên môn thăm hỏi, hỗ trợ hơn 36 nghìn lượt lao động với kinh phí hơn 5,3 tỷ đồng. Các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động tiếp tục được duy trì, mở rộng, nhất là đối với lao động nữ, con công nhân, lao động, đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn, người lao động làm việc ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa…
Cùng với triển khai sâu rộng các phong trào thi đua đã trở thành truyền thống, mang thương hiệu của ngành, của tổ chức Công đoàn như: “Lao động giỏi, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, thực hành tiết kiệm, ôn luyện lý thuyết, luyện tay nghề; Giỏi việc nước, đảm việc nhà; Xây dựng đơn vị Chính quy-Văn hóa-An toàn, Đường tàu - Đường hoa”, tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống cho người lao động "…, Công đoàn Đường sắt Việt Nam tích cực triển khai Chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động với hơn 2 nghìn sáng kiến được cập nhật, khơi dậy sức sáng tạo, tinh thần chung tay góp sức của đội ngũ đoàn viên, người lao động trong việc khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất sau đại dịch Covid-19.
Để nâng cao hơn nữa vai trò của công nhân lao động và tổ chức công đoàn, khơi dậy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm, động viên công nhân, viên chức, lao động hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh, đóng góp cho sự phát triển ổn định, bền vững của doanh nghiệp, ông Đặng Sỹ Mạnh đề nghị: Các cấp công đoàn cần tập trung mọi nguồn lực chăm lo, cải thiện điều kiện làm việc, sinh hoạt cho người lao động. Các việc làm phải cụ thể, thiết thực như: sửa chữa, cải tạo nơi lưu trú, nhà vệ sinh, bếp ăn tập thể; trang cấp thiết bị, vật dụng cải thiện điều kiện làm việc, sinh hoạt; thỏa thuận, ký kết các nội dung có lợi hơn so với quy định của pháp luật; tổ chức nghỉ dưỡng, tham quan, xây “Nhà tình thương”, sửa chữa nhà cho người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... Biểu dương, khen thưởng kịp thời người lao động, những tập thể có sáng kiến hiệu quả, thành tích nổi bật, mang lại lợi ích cho đơn vị, doanh nghiệp.
Các đại biểu tham dự Hội nghị bỏ phiếu bầu Ban Thanh tra nhân dân |
Cùng ngày, VNR tổ chức vinh danh những tập thể, cá nhân có thành tích trong phong trào thi đua và trao Giải thưởng sáng tạo đường sắt Việt Nam năm 2021 - 2022.
Ông Đặng Sỹ Mạnh – Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR trao Cờ thi đua của Chính phủ cho các đơn vị có thành tích xuất trong phong trào thi đua năm 2022 |
Ông Lê Mạnh Tùng – Vụ trưởng Vụ Công nghệ và Hạ tầng (Ủy ban) và ông Hoàng Gia Khánh – Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban Tổng giám đốc VNR trao Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc và có nhiều đóng góp vào thành tích chung của Ủy ban |
Ông Đặng Sỹ Mạnh – Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR trao Chứng nhận giải Nhất Giải thưởng sáng tạo đường sắt Việt Nam năm 2021 - 2022 |
Ông Hoàng Gia Khánh – Phó Tổng giám đốc phụ trách Ban Tổng giám đốc VNR trao Chứng nhận giải Nhì Giải thưởng sáng tạo đường sắt Việt Nam năm 2021 – 2022 |
Ông Hoàng Năng Khang - Phó Tổng giám đốc VNR trao Chứng nhận giải Ba Giải thưởng sáng tạo đường sắt Việt Nam năm 2021 – 2022 |
Ông Lương Văn Nghĩa - Phó Bí Thư Thường trực Đảng ủy VNR trao Chứng nhận giải Khuyến khích Giải thưởng sáng tạo đường sắt Việt Nam năm 2021 – 2022 |
Ông Mai Thành Phương – Chủ tịch Công đoàn Đường sắt Việt Nam trao Chứng nhận cho đơn vị có nhiều tác giả, tập thể tác giả gửi giải pháp tham dự Giải thưởng sáng tạo đường sắt Việt Nam năm 2021 - 2022 |