Tổng công ty ĐSVN dâng hương tưởng nhớ các liệt sỹ xây dựng tuyến Đường sắt phía Tây
Ngày 25/7, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức Lễ dâng hương tại Khu tưởng niệm TNXP Đường sắt Tuyến Đường sắt Yên Bái – Lào Cai (Yên Bái) và Nghĩa trang Cán bộ công nhân Đội cầu Trần Quốc Bình (Thành phố Lào Cai). Dẫn đầu đoàn dâng hương là đồng chí Đặng Sỹ Mạnh – Phó Bí thư phụ trách Đảng bộ; Thành viên Hội đồng thành viên; Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.
Đoàn còn có các đồng chí đại diện Đảng ủy, Chuyên môn, Công đoàn, và Đoàn Thanh niên Tổng công ty ĐSVN; cùng các đơn vị: Công ty Cổ phần Đường sắt Yên Lào, Công ty Cổ phần Đường sắt Vĩnh Phú, Công ty Cổ phần TTTHĐS Hà Nội, Công ty Cổ phần VTĐS Hà Nội, Chi nhánh Khai thác Đường sắt Hà Lào, Chi nhánh Khai thác Đường sắt Lào Cai, Chi nhánh Xí nghiệp Đầu máy Yên Viên.
Đoàn dâng hương tại Khu tưởng niệm TNXP Đường sắt Tuyến Đường sắt Yên Bái – Lào Cai (Yên Bái)
Sau năm 1954 hiệp định Giơ-ne-vơ ngừng bắn, lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết và có hiệu lực, sau 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân pháp của nhân dân ta thắng lợi. Nghe theo tiếng gọi của Đảng, vâng lời Bác dạy: “Khi cần thanh niên có; việc gì khó có thanh niên”; các anh chị em thanh niên Hải phòng tuổi 18- 20 đã xung phong tình nguyện ra nhập đội ngũ thanh niên xung phong Việt Nam. Tháng 3-1955 Tổng cục đường sắt tiến hành khởi công khôi phục tuyến đường sắt Yên Bái-Lào Cai; tại đoạn đường sắt Yên Bái - Lào Cai ba công trường CT12, CT13 và CT14 được ra đời. Hàng trăm thanh niên đã hăng hái tình nguyện lên đường làm nhiệm vụ đến những nơi khó khăn, đi xây dựng các tuyến đường sắt.
TGĐ Đặng Sỹ Mạnh thắp hương tưởng niệm TNXP Đường sắt Tuyến Đường sắt Yên Bái – Lào Cai
Để sớm hoàn thành tuyến đường sắt Hà Nội- Lào Cai, Tổng cục đường sắt chủ trương thành lập lại công trường đá Trái Hút và lấy đội thanh niên xung phong CT14 Hải Phòng làm nòng cốt để xây dựng công trường. Với nhiệm vụ khai thác cung cấp đá phục vụ cho việc khôi phục đoạn đường sắt Yên Bái- Lào Cai. Trong thời gian này do điều kiện làm việc khó khăn, thời tiết khắc nghiệt, sinh hoạt thiếu thốn, dịch bệnh, tai nạn bom mìn do chiến tranh để lại, nhiều anh chi em thanh niên xung phong đã đổ máu, hy sinh trong khi làm nhiệm vụ để góp phần hoàn thành việc khôi phục tuyến đường sắt Hà Nội- Lào Cai.
Tới dâng hương tưởng nhớ các Cán bộ công nhân đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ thi công xây dựng Cầu Làng Giàng -Tuyến Đường sắt Yên Bái – Lào Cai, đoàn công tác được ôn lại lịch sử chiến đấu và xây dựng tuyến đường sắt Phía Tây của Đội cầu Trần Quốc Bình.
Đầu năm 1958 Tổng cục Đường sắt quyết định khởi công xây dựng công trình cầu Làng Giàng bắc qua sông Hồng để nối tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai vào Mỏ quặng Apatit Cam Đường, Lào Cai phục vụ cho việc chuyên chở quặng Apatit đến cơ sở sản xuất và Cảng Hải Phòng. Trong quá trình thi công cầu Làng Giàng CBCNV trên công trường làm việc, ăn nghỉ trong điều kiện vô cùng gian khổ và thiếu thốn, trong một đêm mưa gió, toàn bộ lán công trường và hơn 30 Anh Chị em công nhân làm cầu Làng Giàng bị lũ cuốn trôi, vị trí công nhân bị lũ cuốn trôi tại cầu Suối Ngàn, Thôn cửa Ngòi, xã Cam đường, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai (nay thuộc tổ 10 - Phường Bình Minh - TP Lào Cai).
Đoàn dâng hương tưởng nhớ cán bộ công nhân Đội cầu Trần Quốc Bình tại Nghĩa trang Thống Nhất, TP. Lào Cai
Sau cơn lũ đi qua Ban chỉ huy công trường đã huy động lực lượng tìm kiếm, tìm thấy hơn 20 thi thể công nhân bị lũ cuốn trôi và đã đưa về mai táng nằm rải rác tại khu vực gần công trường thi công tại Thôn cửa Ngòi, xã Cam đường, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, số còn lại thi thể không tìm thấy được. Sau này một số Gia đình có công nhân bị hy sinh đã lên cất bốc chuyển phần mộ về quê an táng.
Năm 1986 Ủy ban nhân dân xã Cam Đường đã tiến hành cất bốc 12 phần mộ chuyển lên chôn cất tại đồi Lương Trung, xã Cam đường – Huyện Bảo Thắng - Tỉnh Lào Cai. Được sự nhất trí của Lãnh đạo Tổng công ty ĐSVN, lãnh đạo địa phương, ngày 21 tháng 7 năm 2021 Công ty CPĐS Yên Lào đã tổ chức di dời 12 phần mộ về Nghĩa trang Thống nhất (Nghĩa trang Thành phố Lào Cai).
Tổng công ty ĐSVN luôn quan tâm đến các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, đặc biệt trong dịp kỷ niệm Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7. Các thế hệ cán bộ nhân viên Đường sắt mãi mãi khắc ghi công lao của các thế hệ cha anh đi trước, đã hy sinh để xây dựng cho ngành đường sắt. Các anh, các chị đã làm nên những trang sử vàng truyền thống, một ý chí đoàn kết, kiên cường, sáng tạo của thanh niên xung phong là một phần của Lịch sử Đường sắt Việt Nam.