Tin tức & Sự kiện

12:02 | 17/12/2015

Tổng công ty ĐSVN tham dự Hội thảo Tạo điều kiện thuận lợi và định giá các dịch vụ ĐS dọc theo Mạng ĐS xuyên Á

Từ ngày 9 - 11/12/2015, Đoàn công tác của Tổng công ty ĐSVN đã tham dự Hội thảo Tạo điều kiện thuận lợi và định giá các dịch vụ ĐS dọc theo Mạng ĐS xuyên Á do UNESCAP (Ủy ban kinh tế xã hội châu Á – Thái Bình Dương của Liên hợp quốc) và UIC (Hiệp hội ĐS quốc tế) đồng tổ chức tổ chức tại Bangkok, Thái Lan. 

Hội nghị nhằm thúc đẩy hợp tác phát triển ĐS, hiện thực hóa tầm nhìn vận tải liên vận đa phương thức đồng bộ và hệ thống logistics cho khu vực đã được các Bộ trưởng GTVT thống nhất trong Tuyên bố Busan về phát triển giao thông tại Châu Á – Thái Bình Dương tháng 11/2006 và Tuyên bố Bangkok về phát triển giao thông tại Châu Á – Thái Bình Dương tháng 3/2012.

Đây là hội thảo lần thứ 4 được UNESCAP và UIC đồng tổ chức với sự hỗ trợ tài chính của Chỉnh phủ Liên bang Nga. Tới dự Phiên họp có gần 50 đại biểu đại diện cho các nước châu Á – Thái Bình Dương và các tổ chức quốc tế như: UNESCAP, UIC, OTIF (Tổ chức liên chính phủ về vận tải liên vận quốc tế ĐS), AITD (Viện phát triển giao thông châu Á), CCTT (Ủy ban điều phối vận tải liên Sibêri), ACCC (Ủy ban tiêu dùng và cạnh tranh Úc)...

Trong ngày đầu tiên, Hội thảo tập trung giới thiệu mô hình tính toán “Chi phí đoàn tàu” từ điểm tới điểm do chuyên gia kinh tế vận tải Ông Peter Hodgkingson, người trực tiếp xây dựng mô hình, trình bày về các nội dung như: quan hệ giữa chi phí và giá ĐS, chuẩn bị kế hoạch kinh doanh và marketing ĐS, thẩm định đầu tư vốn, mục đích, ứng dụng và các cấu phần của mô hình tín toán chi phí.

UNESCAP xây dựng mô hình tính toán “Chi phí đoàn tàu” từ điểm tới điểm nhằm cung cấp một công cụ dễ áp dụng, dễ cập nhật để các ĐS có thể tính toán đủ các chi phí liên quan đến vận hành một đoàn tàu từ ga đến ga. Chi phí đoàn tàu là thông tin đầu vào quan trọng để Ban lãnh đạo ĐS xây dựng kế hoạch kinh doanh, đánh giá các khoản đầu tư hiệu quả, các chỉ tiêu cần điều chỉnh nhằm đạt được hiệu quả kinh doanh tốt nhất.

Phiên bản 1 của Mô hình này đã được UNESCAP công bố từ năm 1997 (trong khu vực ASEAN có ĐS Malaysia đang áp dụng), phiên bản 2 của Mô hình được nâng cấp, hoàn thiện vào năm 2014 bổ sung thêm khả năng tính toán các chi phí cố định. Phiên bản 2 có 5 mô đun dưới định dạng excel gồm: dữ liệu hệ thống, tàu containers (gồm container đơn và container  đôi), tàu hàng phổ thông, tàu hàng siêu trường - siêu trọng, tàu khách (gồm tàu khách do đầu máy kéo và tàu EMU). Phần mềm chương trình tính toán và tài liệu hướng dẫn sử dụng mô hình (khoảng 80 trang) được công bố công khai trên website của UNESCAP http://www.unescap.org/our-work/transport/trans-asian-railway. Tại đây, các đại biểu đã được hướng dẫn thực hành thử nghiệm mô hình trực tiếp trên máy tính và thảo luận các nội dung liên quan.

Sơ đồ mạng ĐS xuyên Á

Trong ngày thứ 2, Hội thảo tiếp tục tập trung thảo luận về chi phí ĐS với các báo cáo của các chuyên gia trình bày kinh nghiệm của các nước trên thế giới về tầm quan trọng trong việc xây dựng một ngành ĐS mạnh với vai trò của con người, giá thuê kết cấu hạ tầng cho vận tải hàng hóa bằng ĐS ở châu Âu, nâng cao hiệu quả kinh doanh logistics của Tổng công ty ĐS Hàn Quốc, kinh nghiệm của Tổng công ty ĐS Úc trong việc quản lý KCHT và tính giá thuê kết cấu hạ tầng ĐS, chính sách giá cước và chi phí vận tải hàng hóa ĐS ở Trung Quốc, dịch vụ vận tải hàng hóa ĐS ở châu Âu tập trung vào định hướng khách hàng và đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đầu tư của tập đoàn Geodis (thuộc ĐS quốc gia Pháp) vào khu vực UNESCAP và viễn cảnh phát triển trong tương lai.

Kết luận ngày họp thứ 2 là cần thực hiện một dự án toàn cầu của UIC về chi phí ĐS nhằm xác định giải pháp tốt nhất và chiến lược chi phí tối ưu phù hợp với thực tiễn của từng ĐS. Tất cả đại biểu tham dự tích cực nâng cao nhận thức ĐS là phương tiện an toàn và phương thức vận tải bền vững nhất, là loại hình vận tải của tương lai. Các nước cần có các biện pháp để khuyến khích phát triển ngành vận tải ĐS thân thiện với môi trường như áp thuế môi trường đánh vào các phương tiện vận tải gây ô nhiễm nhằm giảm chi phí cho người sử dụng ĐS, thúc đẩy phát triển ĐS, cân bằng thị phần vận tải để bảo vệ trái đất.

Trong ngày cuối cùng, Hội thảo tập trung vào chủ để tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải ĐS dọc tuyến ĐS xuyên Á. Các đại biểu đã trình bày báo cáo tập trung vào các vấn đề quản lý hành chính, thủ tục qua biên giới và hải quan như các vấn đề KCHT trong khu vực châu Á, thách thức trong việc khai thác mạng ĐS xuyên Á, xây dựng khung thể chế các tiêu chuẩn kỹ thuật và vận hành tối thiểu cần có trong vận tải liên vận ĐS quốc tế, hiện trạng và các vấn đề chính trong kết nối ĐS khu vực ASEAN, thách thức của vận tải liên vận ĐS quốc tế ở Nam Á và khai thác ĐS xuyên Siberi. Tiếp đó, đại diện của 6 nước gồm Bangladesh, Cămpuchia, Indonesia, Mông Cổ, Thái Lan và Việt Nam đã trình bày báo cáo về hiện trạng ĐS cũng như các thách thức gặp phải liên quan đến việc tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải ĐS cả trong nước và liên vận quốc tế.

Hội thảo nhất trí rằng cần thiết phải phối hợp để thúc đẩy hơn nữa vai trò vận tải ĐS trong các Mục tiêu phát triển bền vững của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Việc áp dụng các công ước quốc tế về vận tải liên vận phải được phối hợp không những về các vấn đề kỹ thuật như sự tương thích về khổ đường, đầu tư cho các đoạn tuyến còn thiếu (trong mạng ĐS xuyên Á) mà còn về các vấn đề liên quan đến con người, mô hình kinh doanh, tài chính, an ninh/an toàn, tạo điều kiện thuận lợi về hải quan và chia sẻ thông tin với việc ứng dụng nhanh các công nghệ thông tin mới.

Hàn Như Quỳnh