Tổng kết công tác phòng chống bão lũ năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024
Hôm nay ngày 28/5, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác phòng, chống lụt bão; ứng phó sự cố thiên tai, cứu nạn trong hoạt động Đường sắt năm 2023 và triển khai nhiệm vụ phòng, chống lụt bão; ứng phó sự cố thiên tai, cứu nạn trong hoạt động Đường sắt năm 2024 tại TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Hội nghị tổ chức nhằm đánh giá và phân tích những tồn tại, hạn chế từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm để xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác phòng chống lụt, bão và ứng phó sự cố thiên tai, cứu nạn năm 2024 và các năm tiếp theo ngày một hiệu quả hơn và an toàn hơn.
Theo thống kê, năm 2023 có tổng cộng có 05 cơn bão, 03 áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, trong đó chỉ có cơn bão số 01 có tên quốc tế (TALIM) suy yếu thành ATNĐ đi sâu vào các tỉnh Cao Bằng - Lạng Sơn gây ra 01 đợt mưa lớn ở Bắc Bộ và 01 ATNĐ đi vào đất liền các tỉnh Quảng Trị -Thừa Thiên Huế. Ngoài ra, khu vực miền núi phía Bắc và miền Trung còn chịu nhiều ảnh hưởng của các đợt không khí lạnh tăng cường gây ra các đợt mưa lớn kéo dài. Kết cấu hạ tầng đường sắt trên các tuyến đường sắt chịu nhiều thiệt hại, có một số vị trí bị hư hỏng ảnh hưởng đến hoạt động giao thông đường sắt phải tổ chức cứu chữa, khắc phục hậu quả và chuyển tải hành khách trong nhiều ngày. Đường sắt đã phải huy động nhân lực, máy móc tổng lực để thi công khấn trương không kể ngày đêm để nhanh chóng thông đường.
Bên cạnh đó, phát sinh thêm chi phí trong công tác vận tải khi tàu phải dừng chạy tàu, chuyển tải hành khách, phục vụ hành khách khi chờ thông đường… Các công ty vận tải đường sắt cũng thất thu do tắc đường, phải dừng chạy tàu...
Phát biểu tại hội nghị, Lãnh đạo Tổng công ty ghi nhận và đánh giá cao tinh thần khẩn trương, quyết liệt của Ban chỉ đạo và các đơn vị đường sắt không quản ngày đêm thi công liên tục để nhanh chóng khắc phục, thông đường sớm. Có được kết quả này là do các đơn vị đường sắt đã chủ động, đổi mới trong công tác phòng chống PCLB với việc xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể hơn ở tất cả các khâu: điều hành chạy tàu, vận tải, hạ tầng…
Thời gian tới, cần tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai chi tiết, trên cơ sở rà soát thực trạng kết cấu hạ tầng đường sắt, lưu ý những vị trí xung yếu cần khắc phục trước; bám sát diễn biến thời tiết để tổ chức chạy tàu, điều hành chạy tàu hợp lý, tránh để tàu chạy vào vùng nguy hiểm, tránh được những thiệt hại hay ách tắc về tàu khách.
Kết luận hội nghỉ, Tổng công ty ĐSVN giao các đơn vị lập kế hoạch, phương án PCLB, ứng phó sự cố, thiên tai; chủ động tổ chức lực lượng ứng cứu kịp thời, thường xuyên tổ chức tập huấn công tác PCLB; liên tục theo dõi và cập nhật tình hình thời tiết... góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam năm 2024.
Sau hội nghị, Lãnh đạo Tổng công ty ĐSVN đi kiểm tra hạ tầng và công tác phục vụ hành khách tại ga Nha Trang. Trước đó, ga Nha Trang là 1 trông 4 nhà ga được Tổng công ty ĐSVN đầu tư nâng cấp, đưa vào khai thác phục vụ phòng VIP để phục vụ hành khách.