Tin tức & Sự kiện

17:25 | 03/11/2017

Triển khai các biện pháp ứng phó bão số 12 và hoàn lưu bão

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn, từ ngày 3/11/2017 đến ngày 7/11/2017, do ảnh hưởng bão số 12 (Damrey) kết hợp với không khí lạnh sẽ gây ra một đợt mưa lớn trên diện rộng tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa. Diễn biến mưa lớn còn phức tạp và kéo dài, lan rộng ra Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, miền Đông Nam bộ. Để chủ động ứng phó và hạn chế thấp nhất những thiệt hại do bão số 12 và hoàn lưu bão gây ra, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vừa ban hành Công điện khẩn. Trong đó, yêu cầu cụ thể đối với các ban các đơn vị như sau:

Đối với Tiểu ban chỉ huy phòng chống thiên tai KV2, KV3: cử người thường trực tại hiện trường để chỉ đạo công tác cứu chữa khi có sự cố xảy ra, đặc biệt lưu ý các vị trí xung yếu.

Các Công ty CP Đường sắt, CP Thông tin tín hiệu đường sắt; các Chi nhánh khai thác đường sắt tổ chức kiểm tra các vị trí xung yếu, có nguy cơ mất an toàn do mưa bão gây ra và gia cố đảm bảo an toàn; thực hiện nghiêm ngặt chế độ tuần tra, chốt gác các công trình, vị trí xung yếu, khu vực trọng điểm như: cầu, đường yếu, dễ bị ngập nước, khu vực hay xảy ra lũ quét, đá rơi, đất sụt, khu vực đường sắt ở phía hạ lưu đê, đập, hồ chứa nước... Tổ chức trực, chốt gác các điểm xung yếu, lập phương án sẵn sàng đối phó với mọi tình huống xấu có thể xảy ra khi mưa, bão để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, phương tiện, thiết bị, nhà xưởng. Các Phân ban Quản lý KCHT đường sắt khu vực cử cán bộ chỉ đạo công tác chuẩn bị, phương án cứu chữa khi có tình huống xấu do mưa, bão gây ra.

Các đơn vị thi công sửa chữa cầu đường phải có phương án đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị, vật tư thi công.

Các đơn vị vận tải hành khách, hàng hoá chuẩn bị lương thực, thực phẩm, có phương án ứng cứu khi mưa, lũ gây ra để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hành khách, hàng hoá và phương tiện. Thường xuyên phát thanh thông báo cho hành khách ở các ga và trên các đoàn tàu biết về diễn biến của bão và kế hoạch phải dừng tàu để tránh bão (nếu có)…

Các Chi nhánh đầu máy: Bố trí đủ Đầu máy để phục vụ công tác cứu chữa đảm bảo thông tàu trong thời gian nhanh nhất; Xây dựng phương án đảm bảo cho đầu máy; Quán triệt CBCNV khi lên ban phải tập trung quan sát, chấp hành nghiêm túc quy trình quy phạm, đặc biệt chú trọng công tác điều hành chạy tàu trong thời tiết mưa, bão.

Các Ban chuyên môn của Tổng công ty: Theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa, bão, chỉ đạo các đơn vị sẵn sàng vật tư, phương tiện, thiết bị, nhân lực để kịp thời ứng cứu, khắc phục sự cố do mưa, bão gây ra; Cử người thường trực 24/24 giờ để nắm bắt kịp thời thông tin về thời tiết và tham mưu Lãnh đạo Tổng công ty phương án ứng cứu khi có sự cố xảy ra.

Trung tâm điều hành vận tải: Theo dõi chặt chẽ diễn biến, đường đi của bão để chủ động điều tiết hành trình chạy tàu tại ga xuất phát, bố trí dừng tàu hợp lý tại các ga có đủ điều kiện phục vụ và bảo quản hàng hóa tốt nhất, tránh đi vào khu vực tâm bão. Đồng thời, có kế hoạch bố trí toa xe tại các khu vực có mỏ đá để kịp thời bốc xếp vật tư phục vụ công tác cứu chữa.

Các đơn vị theo dõi diễn biến của bão và thường xuyên báo cáo tình hình về thường trực Ban chỉ huy PCTT Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Hiện, TGĐ Vũ Tá Tùng đã có mặt tại khu vực Khánh Hòa để trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo triển khai các biện pháp ứng phó bão số 12 và hoàn lưu bão.