Tuyến ĐS Thống Nhất lọt Top 10 tuyến đường sắt đẹp nhất thế giới
Hãng tin Sputnik của Nga vừa bầu chọn 10 tuyến đường sắt đẹp nhất thế giới. Trong đó, tuyến đường sắt Thống Nhất của Việt Nam vinh dự nằm trong danh sách này.
Theo Sputnik, bằng cách đi tàu Thống Nhất Bắc - Nam, khách du lịch có thể khám phá Việt Nam qua những khung cảnh thơ mộng, đặc biệt là vùng biển miền Trung hoang sơ và còn có thể tận hưởng cảm giác thoải mái trong những toa giường nằm được lắp điều hòa.
Năm 2018, Lonely Planet, một trong những nhà xuất bản sách hướng dẫn du lịch lớn nhất thế giới, đã xếp tuyến đường sắt Bắc - Nam (Việt Nam) với khoảng cách 1.726 km, đứng đầu danh sách 8 điểm đến có hành trình du lịch tàu hoả đáng trải nghiệm trên thế giới.
Nếu tàu xuất phát tại Hà Nội, khách có thể xuống ga Đồng Hới (Quảng Bình), từ đó đi tham quan vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, động Thiên Đường… Sau Quảng Bình, tàu đến tỉnh Thừa Thiên - Huế với hệ thống di tích lịch sử dày đặc cung điện, lăng tẩm, đền đài, đặc biệt là kinh thành Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới...
Từ Huế, khách có thể theo tàu qua đèo Hải Vân vào Đà Nẵng. Đây là một trong những cung đường đẹp nhất Việt Nam, vì tàu lướt qua các đồng lúa bát ngát, qua các đầm, phá mênh mông, đặc biệt qua eo biển Lăng Cô nước xanh ngắt, thơ mộng trước khi leo đèo. Qua khung cửa con tàu khi tàu chầm chậm leo đèo, khách sẽ được thưởng ngoạn sự hùng vĩ một bên là núi, một bên là vực, ngay dưới vực là biển sâu tung bọt trắng xóa, tất cả vẫn hoang sơ, vô cùng thú vị.
Đến Đà Nẵng, ngoài bờ biển dài, đẹp, thành phố này còn là điểm đến sôi động bởi các hoạt động du lịch hấp dẫn như: công viên vui chơi giải trí Bà Nà hill, Sunworld, Festival pháo hoa… Từ Đà Nẵng, khách có thể bắt xe đi tham quan phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn, đều là những di tích đặc biệt của Việt Nam. Ngoài vẻ đẹp cổ kính, còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa dải đất miền Trung.
Từ Đà Nẵng vào đến TP. Hồ Chí Minh, tàu đi qua nhiều thành phố ven biển nổi tiếng bởi bờ biển đẹp, có nhiều hoạt động du lịch biển như: lặn biển, dù bay, lướt sóng… ở Quy Nhơn, Nha Trang, Ninh Chữ (Ninh Thuận), Phan Thiết (Bình Thuận)… Trên chặng đường này, ngoài nhiều đoạn tàu đi song song với đường bờ biển, còn đi qua những vùng quê đặc trưng văn hóa, kinh tế - xã hội vùng miền như: cánh đồng cát, cánh đồng muối, vườn nho, nơi chăn thả dê, cừu…
Đường sắt có tận dụng được lợi thế?
Theo các chuyên gia, ngành đường sắt cần tận dụng tiềm năng, lợi thế về du lịch này để hút khách đi tàu. Trao đổi với Báo Giao thông, bà Phùng Thị Lý Hà, Phó TGĐ Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, lượng khách quốc tế chọn tàu hỏa làm phương tiện đi lại giữa các điểm du lịch ngày càng đông, không chỉ khách lẻ kiểu “Tây ba lô” mà cả khách đoàn của các hãng lữ hành. Có những hãng đã ký hợp đồng với công ty đến tận năm 2021 vì nhu cầu khách du lịch quốc tế muốn trải nghiệm tàu hỏa Việt Nam ngày càng nhiều.
“Đặc biệt, tàu Hà Nội - Huế - Đà Nẵng đông khách nước ngoài quanh năm. Vì thế, chúng tôi tập trung đầu tư phương tiện như toa xe đẹp, trang thiết bị tiện nghi, đưa khoang VIP 2 giường, cùng đó là các chính sách ưu đãi riêng, hướng tới đối tượng khách hàng này”, bà Hà nói.
Được biết, ngành Đường sắt đang mở rộng dịch vụ du lịch bên cạnh vận chuyển hành khách như mở quầy thông tin du lịch tại cửa vé các ga lớn để hướng dẫn, đặt khách sạn, xe miễn phí dịch vụ cho hành khách; trực tiếp tổ chức tour theo yêu cầu của hành khách; đặt, phục vụ đặc sản vùng miền trên tàu như các món ăn nổi tiếng các tỉnh…