Ủy ban QLVNN: Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023
Chiều 14/7, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023. Đồng chí Nguyễn Hoàng Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đồng chí Lê Văn Châu – Phó Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương; các đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Hồ Sỹ Hùng và Đỗ Hữu Huy; đại diện lãnh đạo các Vụ chức năng, Văn phòng và Trung tâm Thông tin (Ủy ban); đại diện lãnh đạo 19 Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc Ủy ban và toàn thể công chức, viên chức và người lao động Ủy ban.
Trình bày Báo cáo 6 tháng của Ủy ban, đồng chí Phạm Tuấn Anh – Vụ trưởng Vụ Tổng hợp cho biết: Được sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ; sự đồng hành, ủng hộ của các Bộ, cơ quan, địa phương có liên quan, Ủy ban và 19 tập đoàn, tổng công ty trực thuộc đã chủ động, quyết liệt, xác định trọng tâm, trọng điểm, linh hoạt, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành, phối hợp triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác 6 tháng đầu năm 2023.
Theo đó, Ủy ban đã ban hành kịp thời, đầy đủ các chương trình, kế hoạch cần thiết, bám sát chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế, xã hội của cả nước, làm cơ sở cho việc chỉ đạo và triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác của Ủy ban và các Tập đoàn, Tổng công ty. Chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan và các Tập đoàn, Tổng công ty cập nhật quy hoạch các ngành, lĩnh vực được cấp có thẩm quyền quyết định để tiếp tục hoàn thiện Chiến lược tổng thể đầu tư phát triển doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban. Chỉ đạo các Tập đoàn, Tổng công ty xây dựng, báo cáo để Ủy ban phê duyệt theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển 05 năm giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch sắp xếp và Đề án cơ cấu lại giai đoạn 2021-2025.
Quang cảnh hội nghị
Bên cạnh đó, Ủy ban đã thực hiện đầy đủ, đúng quy định của pháp luật chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với 19 Tập đoàn, Tổng công ty được giao quản lý. Chỉ đạo quyết liệt, sát sao các Tập đoàn, Tổng công ty thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2023 và phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư góp phần thực hiện kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, bảo đảm cung cấp các mặt hàng thiết yếu, các cân đối lớn cho nền kinh tế (đặc biệt trong thời gian qua là điện, than, khí và xăng dầu); đẩy mạnh đầu tư vào các dự án quan trọng trong lĩnh vực năng lượng, hạ tầng giao thông quốc gia, chuyển đổi số, viễn thông và công nghệ thông tin, vận tải, cung ứng các nguyên liệu đầu vào quan trọng cho sản xuất. Lãnh đạo Ủy ban đã tổ chức nhiều đoàn công tác làm việc nắm tình hình, tháo gỡ khó khăn, chỉ đạo định hướng hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư tại các Tập đoàn, Tổng công ty. Lãnh đạo Ủy ban trực tiếp kiểm tra, đôn đốc tại các dự án đầu tư trọng điểm về năng lượng và hạ tầng giao thông quốc gia; phối hợp với Bộ Công Thương làm việc, chỉ đạo 3 Tập đoàn Petrovietnam, TKV, EVN, tăng cường phối, kết hợp để bảo đảm cung cấp đủ than và khí cho sản xuất điện; chỉ đạo quyết liệt, sát sao 3 Tập đoàn năng lượng bảo đảm duy trì công suất phát điện trong giai đoạn thiếu hụt về điện.
Ngoài ra, Ủy ban cũng tập trung chỉ đạo các Tập đoàn, Tổng công ty thực hiện công tác sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp Thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật. Thực hiện công tác tổ chức bộ máy, cán bộ; hành chính, quản trị theo quy định; đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và quan hệ quốc tế. Xây dựng, trình Ban cán sự đảng Chính phủ Kế hoạch triển khai thực hiện ý kiến kết luận của Bộ Chính trị tại Thông báo số 5863-CV/VPTW ngày 05/01/2023 của Văn phòng Trung ương Đảng về tổng kết tình hình thực hiện Kết luận số 40-TB/TW ngày 14/9/2017 của Bộ Chính trị về thành lập cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp và vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Chủ động triển khai thực hiện bước đầu các nội dung theo Kết luận số 5863-CV/VPTW của Bộ Chính trị. Thực hiện tích cực nhiệm vụ Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo xử lý tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp ngành công thương.
Đối với 19 Tập đoàn và Tổng công ty, mặc dù chịu ảnh hưởng ở mức độ khác nhau bởi dịch Covid-19 và những biến động quốc tế phức tạp, bất lợi, có doanh nghiệp bị lỗ, giảm vốn chủ sở hữu, nhưng các doanh nghiệp đều nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, nắm bắt, tận dụng mọi thời cơ, có nhiều giải pháp quyết liệt, linh hoạt, nhạy bén trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư và thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao. Về cơ bản, các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh tổng hợp của 19 Tập đoàn, Tổng công ty có tăng trưởng; hiệu quả ổn định; một số Tập đoàn, Tổng công ty đạt hiệu quả cao, tăng trưởng khá nhanh. Ước tính kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu đạt 580.490 tỷ đồng (53,7% kế hoạch năm, tăng 4% so với cùng kỳ); tổng lợi nhuận trước thuế (không tính EVN) đạt 18.195 tỷ đồng (56,7% kế hoạch năm); tổng nộp ngân sách đạt 33.520 tỷ đồng (tăng 2 % so với cùng kỳ).
Thông qua hoạt động sản xuất, kinh doanh, các Tập đoàn, Tổng công ty tiếp tục giữ vị trí, vai trò nòng cốt trong nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng; bảo đảm cung cấp các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu, các cân đối lớn cho nền kinh tế. Đẩy mạnh đầu tư phát triển; trong đó, nhiều dự án lớn, quan trọng có tính kết nối, lan tỏa, tạo tiền đề và động lực cho phát triển các ngành, lĩnh vực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ của cả nước; đặc biệt là trong các lĩnh vực năng lượng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, viễn thông, công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Đồng chí Đặng Sỹ Mạnh – Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trình bày tham luận tại Hội nghị |
Trình bày tham luận tại Hội nghị, đồng chí Đặng Sỹ Mạnh – Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết: Về kết quả sản xuất - kinh doanh 6 tháng đầu năm, sản lượng VNR đạt 4.086,6 tỷ đồng, tương đương 115,4% so với cùng kỳ năm 2022. Doanh thu đạt 3.763,9 tỷ đồng, tương đương 119,6% so với cùng kỳ năm 2022. Kết quả khả quan trên thể hiện sự đồng lòng và quyết tâm của hơn 2,1 vạn cán bộ công nhân viên, lao động ngành đường sắt, không ngừng tập trung nâng cao chất lượng, gia tăng dịch vụ vận tải đường sắt. Nhiều sản phẩm vận tải hành khách được nghiên cứu, đưa vào khai thác phục vụ và đã nhận được phản hồi tích cực. Về vận tải hàng hóa, ngoài việc tổ chức khai thác các đoàn tàu hàng chuyên tuyến, tàu hàng nhanh, container và chạy thêm đoàn tàu liên khu đoạn, VNR đã tích cực nghiên cứu, triển khai nhiều giải pháp để nâng cao sản lượng vận tải hàng hóa, nâng cao năng lực vận tải Liên vận Quốc tế bằng đường sắt.
Hoạt động đường sắt luôn cần sự điều hành tập trung thống nhất, đồng bộ từ hạ tầng, vận tải, cơ khí công nghiệp, kết nối các phương thức khác. Trong thời gian qua, Đảng, Quốc Hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã dành sự quan tâm rất lớn cho đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng đường sắt, điển hình là gói 7.000 tỷ đồng nâng cấp đường sắt quốc gia, các gói trong kế hoạch trung hạn 2021- 2026, và phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 của TTCP số 1769 ngày 19/10/2021, kèm với lộ trình thực hiện theo QĐ 396 ngày 17/4/2023 của TTCP, đặc biệt là Kết luận số 49 ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển giao thông đường sắt đến 2030, tầm nhìn đến 2045. UBQLV cũng đang xem xét trình duyệt về chiến lược phát triển 10 năm, kế hoạch 5 năm, đề án tái cơ cấu VNR giai đoạn 2021 – 2025.
Theo đồng chí Đặng Sỹ Mạnh, sự quan tâm đó đã và sẽ từng bước đồng cấp tải trọng, nâng tốc độ chạy tàu, nâng cao năng lực thông qua, tháo gỡ dần các điểm nghẽn vận tải tại các khu ga, đảm bảo an toàn; tạo tiền đề cơ bản cho việc tổ chức hiệu quả vận tải hàng hóa và hành khách, tăng sản lượng doanh thu và từng bước nâng cao thị phần vận tải đường sắt, hạ giá thành logictics, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Quyết liệt, chủ động, linh hoạt trong điều hành thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hoàng Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp ghi nhận và biểu dương cán bộ, công chức, viên chức của Ủy ban, các tập đoàn, tổng công ty đã có nhiều cố gắng, phát huy vai trò, đóng góp vào kết quả công tác chung của Ủy ban và các Tập đoàn, Tổng công ty; đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm một số cân đối lớn, quan trọng của nền kinh tế.
Đồng chí Nguyễn Hoàng Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phát biểu kết luận Hội nghị |
Theo đánh giá của đồng chí Nguyễn Hoàng Anh, Ủy ban và 19 Tập đoàn, Tổng công ty đã bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ khẩn trương xây dựng và ban hành kịp thời, đầy đủ các chương trình, kế hoạch; làm cơ sở cho việc chỉ đạo và triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác của Ủy ban và các Tập đoàn, Tổng công ty. Các doanh nghiệp trực thuộc Ủy ban đã nỗ lực và quyết tâm cao độ, vượt qua khó khăn, thách thức, quyết liệt, chủ động, linh hoạt trong điều hành thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2023, bảo đảm cung cấp các mặt hàng thiết yếu, các cân đối lớn cho nền kinh tế. Các Tập đoàn, Tổng công ty đã đẩy mạnh đầu tư phát triển; trong đó, nhiều dự án lớn, quan trọng có tính kết nối, lan tỏa, tạo tiền đề và động lực cho phát triển các ngành, lĩnh vực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ của cả nước; đặc biệt là trong các lĩnh vực năng lượng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, viễn thông, công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, với vai trò cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban đã tổng hợp, đánh giá, phân tích và tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo xử lý có nhiếu tiến bộ đối với các dự án, doanh nghiệp; đang chỉ đạo các doanh nghiệp tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, ý kiến góp ý của các Bộ, cơ quan, hoàn thiện báo cáo về Phương án xử lý 3 dự án: Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên (TISCO 2), Dự án Nhà máy Thép Việt Trung (VTM) và Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS).
Để góp phần thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước năm 2023 và hoàn thành nhiệm vụ công tác năm 2023 của Ủy ban, đồng chí Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, Ủy ban tập trung triển khai thực hiện Kế hoạch thực hiện ý kiến kết luận số 5863-CV/VPTW ngày 05/01/2023 của Bộ Chính trị về tổng kết tình hình thực hiện thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp sau khi được Ban Cán sự đảng Chính phủ ban hành. Cập nhật quy hoạch các ngành, lĩnh vực được cấp có thẩm quyền quyết định để hoàn thiện Chiến lược tổng thể đầu tư phát triển doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty phấn đấu hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đầu tư, sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp năm 2023 ở mức cao nhất; chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng, đạt giá trị giải ngân vốn đầu tư cao nhất có thể đối với các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án lớn, quan trọng trong lĩnh vực năng lượng, hạ tầng giao thông quốc gia.
Các Tập đoàn, Tổng công ty cần phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2023; nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; bảo toàn, phát triển vốn và các nguồn lực Nhà nước giao. Bảo đảm cung cấp các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu, các cân đối lớn cho nền kinh tế; đặc biệt là điện, than, xăng dầu. Khắc phục ngay các tổ máy sự cố tại các Nhà máy điện của EVN, Petrovietnam và TKV để nâng công suất phát điện. Bảo đảm phối hợp nhịp nhàng giữa 3 tập đoàn TKV, EVN, Petrovietnam trong cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy điện. Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) và Tổng công ty Cà phê việt Nam (Vinacafe) cần có các giải pháp quyết liệt hơn nữa để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư, công tác thanh quyết toán; phối hợp với các địa phương, cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ giải phóng, bàn giao mặt bằng dự án. Tập trung cao độ nguồn lực để bảo đảm các mốc tiến độ thực hiện đối với những dự án lớn, quan trọng.