
VNR - Đại học Bách Khoa Hà Nội: Tăng cường hợp tác nghiên cứu, đào tạo phục vụ ĐS hiện hữu và ĐS tốc độ cao
Với mục tiêu tăng cường phối hợp chặt chẽ, phát huy tối đa thế mạnh và nguồn lực mỗi bên để gia tăng hiệu quả hoạt động giai đoạn 2025-2030, ngày 8/5, Tổng Công ty ĐSVN (VNR) và Đại học Bách Khoa Hà Nội (HUST) đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo phục vụ đường sắt hiện hữu và đường sắt trong tương lai. Tham dự có ông Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc HUST; ông Hoàng Gia Khánh, Tổng Giám đốc VNR, cùng Giám đốc các Viện, Trường thuộc HUST và lãnh đạo các phòng ban, đơn vị thành viên của VNR.
Phát biểu tại lễ ký kết, Giám đốc HUST Huỳnh Quyết Thắng bày tỏ ấn tượng với những chuyển mình và đổi mới của ĐSVN thời gian qua, đặc biệt là sự ra đời của nhiều sản phẩm dịch vụ mới thu hút sự chú ý của công chúng. Ông cho biết với 6 trường và viện nghiên cứu uy tín hàng đầu cả nước và khu vực, Đại học Bách Khoa mong muốn thúc đẩy hợp tác với Tổng Công ty ĐSVN trong cả lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo để góp phần vào sự phát triển của ngành đường sắt nói riêng và sự phát triển của đất nước nói chung. Về phía VNR, Tổng Giám đốc Hoàng Gia Khánh cho biết, ông đánh giá cao truyền thống dạy và học của Đại học Bách Khoa với thầy giỏi, trò giỏi, đã cho ra đời nhiều nghiên cứu và phát minh có tính ứng dụng cao, đồng thời bày tỏ mong muốn hai bên sẽ có sự hợp tác thực chất để cho ra đời những sản phẩm cụ thể, bởi hiện nay, nhu cầu của ngành đường sắt liên quan đến các lĩnh vực nghiên cứu và đào tạo của Đại học Bách Khoa Hà Nội là rất lớn. cụ thể, với đường sắt tốc độ cao, nếu dự án hợp tác của HUST với các doanh nghiệp Việt Nam phát triển được các công nghệ và tự sản xuất được các vật liệu thay thế cho hàng nhập khẩu với chất lượng tốt, giá thành cạnh tranh, thì VNR luôn sẵn sàng ưu tiên hàng trong nước. Đặc biệt, với đường sắt hiện hữu, nhu cầu của VNR để cải tạo, thay thế, sửa chữa các đầu máy, toa xe, thiết bị là rất lớn.
Chia sẻ về cơ duyên dẫn đến sự hợp tác giữa 2 bên, Phó Giáo sư Đặng Trần Thọ, Giám đốc Viện Năng lượng, 1 trong 6 Viện nghiên cứu thuộc Đại học Bách Khoa, cho biết, bắt đầu từ việc khôi phục, sửa chữa, chế tạo thành công một số thiết bị thay thế cho đầu máy D20E, 1 trong những đầu máy hiện đại nhất của VNR được nhập khẩu nguyên chiếc từ Đức, nhưng nay nhà cung cấp đã không còn sản xuất các linh kiện thay thế nữa, PGS Thọ cùng nhóm các nhà khoa học, kỹ sư của Viện cùng đối tác VNR đi đến ý tưởng có thể tiếp tục mở rộng dự án với nhiều sản phẩm, hạng mục khác của đường sắt hiện hữu mà VNR đang quản lý khai thác. Chẳng hạn ĐSVN hiện có 16 đầu máy, trong đó 4 đầu máy đang hư hỏng không hoạt động và 12 đầu máy còn lại cũng cần được bảo dưỡng, sữa chữa thường xuyên, trong bối cảnh khó khăn do nhiều đầu máy có tuổi thọ đã lâu, nhà cung cấp nước ngoài không còn sản xuất phụ tùng thay thế cùng loại. Bên cạnh đó, Phó Giáo sư Đặng Trần Thọ cũng đề xuất Viện có thể nghiên cứu và cung cấp các giải pháp, sản phẩm nhằm hỗ trợ ĐSVN giảm khí phát thải, giảm tiếng ồn, giảm rung lắc, tiết kiệm nhiên liệu. là những nội dung mà VNR đang cần nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh và chất lượng phục vụ khách hàng.
Kết thúc buổi lễ, lãnh đạo HUST và VNR đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác, trong đó tập trung vào 2 nội dung chính gồm: Hợp tác trong chuẩn bị nguồn lực, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực và hợp tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học, chuyển giao công nghệ, tổ chức hội thảo khoa học; nhằm vào các mục tiêu cụ thể là khai thác tối ưu đường sắt hiện hữu; đổi mới sáng tạo để cùng tạo ra những sản phẩm mới đột phá trong ngành đường sắt; làm chủ khoa học công nghệ để tiếp nhận và vận hành chủ động, hiệu quả đường sắt tốc độ cao.