Dân làm thơ khen nỗ lực khắc phục sự cố cầu Ghềnh
Ngay sau khi xảy ra tai nạn sập cầu Ghềnh (Đồng Nai) khiến tuyến đường sắt Bắc-Nam bị đứt mạch thì cũng là lúc ngành Đường sắt thể hiện nỗ lực phục vụ được hành khách đi tàu trân quí và ghi nhận.
Chuyến tàu đầy tình cảm!
Ngày 12/4, trao đổi với PV Báo Giao thông (qua điện thoại), ông Nguyễn Anh Tuấn (63 tuổi, quê Đức Thọ, Hà Tĩnh) cho biết, ông rất ấn tượng về hành động, cử chỉ đẹp của tập thể nhân viên ngành Đường sắt trên chuyến tàu chạy Bắc - Nam.
Nhớ về chuyến tàu TN2 xuất phát từ ga Sài Gòn sau sự cố sập cầu Ghềnh, ông Tuấn xúc động: “Tôi là hành khách thường xuyên đi tàu vào TP.HCM thăm người thân. Ngay sau khi biết tin cầu Ghềnh sập, dù biết phải tăng bo trung chuyển đến ga Biên Hòa hơi bất tiện nhưng tôi vẫn quyết định đi tàu. Sáng 22/3, tôi và những người bạn đến ga Sài Gòn mua vé thì thấy nhiều khách đến trả vé. Tôi hơi ngạc nhiên nhưng thấy nhân viên nhà tàu vẫn tươi cười hướng dẫn thủ tục trả vé thì trong lòng tôi có nhiều cảm xúc. Tôi suy nghĩ, tàu Thống Nhất đã gắn bó với mình nhiều năm qua. Cầu Ghềnh sập chỉ là sự cố khách quan nên cần chia sẻ. Lúc lên ô tô trung chuyển và khi đến ga Biên Hòa, các nhân viên nhà ga, đặc biệt là Tổ nhân viên phục vụ trên tàu lúc này do anh Nguyễn Trường Thọ phụ trách, đều niềm nở xách Giùm hành lý cho người già, bế trẻ em khiến tôi và nhiều người khác xúc động…”.
Theo lời ông Tuấn, trước cảm xúc của mình, nên khi tàu chạy, ông vội đi xin một tờ giấy và cây bút làm một bài thơ tặng tổ tàu. Khi viết nháp xong, ông xin đến gặp trưởng tàu và đọc tặng cho toàn thể tổ tàu nghe. Nghe xong ai cũng vui…
Chia sẻ với PV Báo Giao thông, anh Nguyễn Trường Thọ, Trưởng tàu TN2 phụ trách tàu TN3 sáng 23/3 cho biết, thời điểm ông Tuấn đến trực tiếp đòi gặp trưởng tàu, anh hồi hộp vì lo rằng nhân viên tổ tàu chưa chu đáo và bị khách phản ánh? Thế nhưng khi biết khách tìm để tặng một bài thơ khen thì anh em xúc động không diễn tả thành lời. “Tôi đã có 9 năm đi tàu, đây là chuyến tàu đặc biệt nhất trong cuộc đời và càng thấy yêu mến công việc mình đã chọn”, anh Thọ bồi hồi nói.
“Có thể nói, chưa bao giờ ngành Đường sắt phục vụ “thượng đế” tốt như hôm nay”, đó là nhận xét của anh Bùi Xuân Vương, nhà ở quận Tân Phú, TP.HCM. Theo lời anh Vương, sau sự cố cầu Ghềnh vài hôm, gia đình anh có mua vé TP.HCM đi ga Tháp Chàm (Ninh Thuận). Dù trung chuyển qua mấy đợt mới đến ga Biên Hòa nhưng gia đình rất vui trước sự tiếp đón và chăm sóc chu đáo của nhân viên Đường sắt.
Trưởng tàu cũng khuân vác hành lý cho khách
Theo ghi nhận của chúng tôi, những ngày qua tại ga Biên Hòa, ga Hố Nai, ga Trảng Bom (Đồng Nai), lúc nào cũng có hàng trăm công nhân hối hả làm việc lắp đường ray, xây thêm kho bãi để phục vụ vận chuyển hành khách và bốc dỡ hàng hóa.
Tại công trường cầu Ghềnh, đơn vị thi công bố trí lịch làm việc liên tục không nghỉ để đảm bảo kế hoạch đầu tháng 7/2016 đưa cầu Ghềnh mới vào hoạt động. Ông Đới Sỹ Hưng, Phó Tổng giám đốc TCT Đường sắt VN cho biết: Hiện công tác nâng cấp, cải tạo các ga Hố Nai, Trảng Bom đang được thực hiện đúng tiến độ, kế hoạch đề ra. Ga Biên Hòa đang được kéo dài ke ga, mái che, xây dựng thêm các nhà vệ sinh để phục vụ hành khách, đặc biệt là dịp 30/4 sắp đến.
Sau sự cố trên, ga Biên Hòa trở thành ga trung chuyển hành khách và nhộn nhịp hẳn lên. Bất kỳ ai có mặt ở ga này đều có thể dễ dàng bắt gặp những cán bộ, công nhân viên ngành Đường sắt khuân vác hành lý, tận tình hướng dẫn khách ra tàu với thái độ niềm nở. Ngay cả trưởng tàu cũng nhiệt tình khuân vác hành lý cho các “thượng đế”.
Dưới cái nắng hầm hập của những ngày trung tuần tháng 4, chúng tôi chứng kiến cảnh anh Hoàng Ngọc Thành, Trưởng tàu SE43, vừa tận tình khuân vác hành lý vừa hướng dẫn khách ra tận toa lên tàu. Anh Thành nói: “Sau sự cố đáng tiếc này, lượng khách đi tàu sụt giảm đáng kể. Tuy nhiên, nhờ có nhiều biện pháp khắc phục kịp thời nên hành khách đang quay trở lại và việc vận chuyển khách đã dần ổn định. “Đến nay dù chưa phải là những ngày cao điểm nhưng mỗi chuyến tàu trung bình đạt xấp xỉ khoảng 50%. Đây là những dấu hiệu tích cực so với những ngày vừa xảy ra sự cố cầu Ghềnh”, anh Thành phấn khởi nói.
Chia sẻ với Báo Giao thông, ông Thái Văn Truyền, giám đốc Đoàn Tiếp viên Đường sắt Phương Nam cho biết: Dự kiến, thời gian khôi phục cầu Ghềnh sẽ kéo dài đến tháng 7/2016, điều này dẫn đến sản lượng, doanh thu hành khách, hàng hóa bị sụt giảm, sẽ tác động trực tiếp đến việc làm, thu nhập người lao động. Việc tổ chức tốt công tác phục vụ là cấp thiết và quan trọng nhất vì mỗi hành khách đến với đường sắt thời điểm này là những người gắn bó với ngành là ân nhân.
Theo ông Mai Thành Phương, Chủ tịch Công đoàn TCT Đường sắt VN, đến đầu tháng 4 đã có khoảng gần 500 cán bộ công nhân các đơn vị tăng cường về Biên Hòa, Hố Nai, Trảng Bom để làm việc. Dù còn thiếu thốn nhưng anh chị em công nhân của ngành đã chia sẻ, nhường nhịn cho nhau nơi ăn chỗ ở, nước sinh hoạt. “Chưa bao giờ mà toàn ngành Đường sắt lại đoàn kết như vậy, người lao động làm việc 3 ca, cùng nhau chung sức khắc phục hậu quả sự cố sập cầu Ghềnh”, ông Phương nói.
Theo GTVT.
Cầu gãy nhịp, tình đâu có gãy
Cầu Ghềnh gãy ta lên xe trung chuyển.
Cùng bao người đến ga Biên Hòa.
Nhân viên đường sắt miệng nở hoa.
Bế giùm em thơ, xách hành lý.
Trăm hành khách hòa chung ý nghĩ.
Không bỏ nhau lúc hoạn nạn khó khăn.
Cầu gãy nhịp, tình đâu có gãy.
Tuyến đường sắt như mạch máu chạy.
Vẫn nhịp nhàng trong cơ thể Việt Nam.
Toa ghế ngồi hay toa giường nằm.
Chở đầy ắp tình, cảm thông chia sẻ.
Tàu yêu ơi hãy yên tâm nhé.
Có trái tim chúng tôi nối những nhịp cầu.
Bài thơ của hành khách Nguyễn Anh Tuấn
(63 tuổi, quê Đức Thọ, Hà Tĩnh) viết trên tàu TN2