Người tốt việc tốt

14:00 | 11/05/2016

Khách hàng muốn nhận nhân viên ĐS làm người thân

Những ngày qua, trên mạng xã hội facebook có khá nhiều người chia sẻ lại dòng tâm sự của chị Trần Xuân Hồng với bài viết có tiêu đề "Tôi có thêm một đứa cháu làm trong ngành đường sắt". Cụ thể, chủ tài khoản facebook này kể lại tối ngày 21/4 vừa qua, vợ chồng con trai chị lên tàu NA2 ra Hà Nội để kịp chuyến bay sang Nhật tại sân bay Nội Bài. Trên tàu, người con trai đã để quên điện thoại và được nhân viên Vũ Đăng Minh tìm cách trả lại.

 

Ảnh chụp nội dung chia sẻ trên trang facebook cá nhân của chị Trần Thị Hồng

5 giờ sáng, khi tôi gọi điện thoại cho con để xem tàu đã đến ga chưa, thì thật ngạc nhiên, đầu bên kia là tiếng một thanh niên lễ phép thưa máy: ‘Dạ, cháu là nhân viên phục vụ trên tuyến đường sắt Vinh – Hà Nội nhặt được chiếc điện thoại này trên toa. Cháu đang tìm cách liên hệ với người nhà của người có máy, nhưng rất tiếc điện thoại bị khóa. May quá, giờ dì gọi, cháu thấy trên điện thoại hiện lên dòng chữ “Mẹ Hồng”. Chắc dì là mẹ của người để quên máy?”.

Tôi vội vàng giải thích cho anh nhân viên và tỏ ra hết sức băn khoăn vì con mình mất điện thoại. Chưa nói đến chuyện tiền nong, quan trọng hơn là mất điện thoại thì mọi thông tin để liên lạc trong đó sẽ mất. Giờ bay thì sắp đến, con tôi cũng không thể quay lại ga để lấy lại điện thoại.

Khi biết chuyện, người thanh niên hỏi ngay: “Con dì bay chuyến mấy giờ?”. Tôi cho biết, vợ chồng chúng nó bay chuyến 8 giờ 20 phút sáng. Gần như không suy nghĩ nhiều, anh thanh niên nói ngay: “Nếu thế thì bây giờ cháu sẽ bắt taxi lên sân bay đưa điện thoại cho con dì. Dì cứ yên tâm!”.

Quả đúng như lời cậu nhân viên nói. Hơn một giờ sau thì cậu con trai tôi gọi lại nói là đã nhận được điện thoại ngay trước khi vào phòng chờ lên máy bay. Con tôi đặt vấn đề thanh toán chi phí và bồi dưỡng, nhưng anh nhân viên đường sắt nói anh chị cứ yên tâm lên đường.

Sáng hôm sau, tôi lên Ga Vinh gặp anh nhân viên đường sắt tốt bụng. Đó là một thanh niên trẻ tuổi với gương mặt dễ thương và rất cởi mở. “Cháu đi taxi lên sân bay cả đi và về hết 640.000 đồng, nhưng anh lái xe chỉ lấy 600 ngàn. Dì cho cháu xin 600.000 đồng là được”. Tôi cố nài nỉ đưa thêm một ít để cảm ơn nhưng không thể nào thuyết phục được. Thật là, mọi việc cứ như cổ tích. Con trai tôi không những không mất điện thoại, mà từ nay tôi còn có thêm một đứa cháu làm trong ngành đường sắt..."

Được biết, chị Trần Thị Hồng hiện tại đang làm việc tại một ngân hàng tại T.P Vinh. Trao đổi với chúng tôi, chị Hồng cho biết: Tôi khi chia sẻ hành động của cháu Minh trên trang facebook cá nhân không ngoài mục đích để mọi người thấy rằng trong xã hội chúng ta có rất nhiều người tốt, đồng thời cũng mong muốn nhân lên ngày càng nhiều hơn những việc làm, hành động tương tự...

Anh Vũ Đăng Minh (thứ 2 bên phải qua) và các đồng nghiệp

Anh Vũ Đăng Minh là nhân viên phục vụ tuyến Vinh- Hà Nội. Trước tình cảm của chị Hồng, anh Minh cảm thấy rất vui và cho rằng việc làm của mình không có gì là to tát bởi bất kỳ nhân viên đường sắt nào gặp trường hợp trên cũng ứng xử như vậy. 

Anh cũng cho biết thêm: "Tuy nhiên, đáng lẽ tôi phải lập biên bản báo cáo cho trưởng tàu trước khi trả đồ cho khách theo nguyên tắc. Nhưng lúc đó, tôi đã phải làm" trái nguyên tắc" bởi tình thế khi đó khá là cấp bách. Nếu tôi phải ở lại làm trình báo, hành khách có khả năng sẽ không thể nhận lại được chiếc điện thoại bị rơi vì vợ chồng anh ấy đã đến giờ bay".

Câu chuyện của anh nhân viên đường sắt Vũ Đăng Minh sau khi được chia sẻ đã nhận được khá nhiều bình luận ngợi khen. Nhiều người cho rằng những hành động như của anh đã "thêm niềm tin được thắp sáng", "một hành động đầy ý nghĩa", "rất tuyệt vời, vẫn còn nhiều người tốt như thế" thậm chí có người còn bình luận khá vui: "Nếu có cháu gái hay con gái sẽ gả cho anh nhân viên này ngay nếu anh ấy chấp nhận"...

Chính bản thân chị Trần Thị Hồng cũng tâm sự: "Sự thật là như vậy nhưng đến bây giờ nhớ lại cuộc nói chuyện qua điện thoại của tôi với cháu Vũ Đăng Minh, tôi cứ nghĩ đó là một câu chuyện cổ tích"...

Theo Báo Nghệ An